Nobel Hòa bình vinh danh 2 nhà báo Nga, Philippines

Khánh An
Khánh An
08/10/2021 16:53 GMT+7

Giải Nobel Hòa bình năm nay được trao cho 2 nhà báo Philippines và Nga đã nỗ lực bảo vệ quyền tự do bày tỏ ý kiến.

Hai nhà báo Maria Ressa và Dmitry Muratov

ủy ban nobel na uy

Hãng Reuters ngày 8.10 đưa tin giải Nobel Hòa bình năm nay được trao cho nhà báo Philippines Maria Ressa và nhà báo Nga Dmitry Muratov.

“Bà Ressa và ông Muratov nhận giải Nobel Hòa bình nhờ cuộc đấu tranh can trường của họ vì quyền tự do bày tỏ ý kiến ở Philippines và Nga”, Chủ tịch Ủy ban Nobel Na Uy Berit Reiss-Andersen phát biểu tại cuộc họp báo ở Oslo.

Theo bà, 2 nhà báo trên đã nỗ lực để bảo vệ sự tự do bày tỏ ý kiến, tiền đề cho dân chủ và hòa bình lâu dài. Họ đại diện cho tất cả những nhà báo đứng lên vì lý tưởng này trên thế giới.

Bà Ressa đã phơi bày sự lạm quyền, sử dụng bạo lực ở Philippines. Bà thành lập trang Rappler vào năm 2012 và tập trung nhiều vào mảng điều tra. Báo này đã tập trung vào chiến dịch truy quét tội phạm ma túy gây tranh cãi của Tổng thống Rodrigo Duterte.

Bên cạnh đó, bà và báo Rappler cũng tập trung làm rõ việc mạng xã hội bị lợi dụng để lan truyền tin giả, quấy rối đối thủ và thao túng dư luận.

Ông Muratov được trao giải vì nhiều thập niên đấu tranh cho tự do bày tỏ ý kiến tại Nga. Vào năm 1993, ông là một trong những người thành lập tờ Novaja Gazeta và trở thành tổng biên tập từ năm 1995 trong vòng 24 năm.

Theo bà Reiss-Andersen, tờ Novaja Gazeta là một tờ báo độc lập và trở thành nguồn tin với góc nhìn phê phán mà ít báo khác ở Nga có được, tập trung vào các chủ đề tham nhũng, bạo lực của cảnh sát, bắt bớ phi pháp, bầu cử gian lận.

Các đối thủ của tờ báo đã phản ứng bằng cách quấy rối, đe dọa, bạo lực và ám sát. Kể từ khi thành lập, 6 nhà báo của tờ này đã bị giết, trong đó có nhà báo Anna Politkovskaja viết về cuộc chiến ở Chechnya.

“Ông ấy đã bảo vệ quyền của nhà báo được viết những gì họ muốn, về những gì họ muốn viết, chỉ cần tuân thủ chuyên môn và chuẩn mực đạo đức báo chí”, theo bà Reiss-Andersen.

Dự kiến giải Nobel Hòa bình sẽ được trao cho 2 nhà báo trên vào ngày 10.12 nhân kỷ niệm ngày mất của ông Alfred Nobel, người sáng lập giải, theo di nguyện của ông vào năm 1895.

Năm ngoái, giải Nobel Hòa bình được trao cho Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) của Liên Hiệp Quốc.

Theo Chủ tịch Ủy ban Nobel Na Uy Reiss-Andersen, WFP đã có nhiều nỗ lực trong việc đối phó nạn đói và thúc đẩy an ninh lương thực trên thế giới, hỗ trợ 97 triệu người tại 88 quốc gia hằng năm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.