Nobel Y học và ước mơ “cải lão hoàn đồng”

09/10/2012 04:37 GMT+7

Ngày 8.10, Ủy ban Nobel công bố giải Nobel Y học 2012 thuộc về 2 nhà khoa học John Gurdon (Anh) và Shinya Yamanaka (Nhật).

>> Giải Nobel Y học thuộc về hai nhà khoa học Nhật và Anh
>> Giải Nobel Văn học 2012 sẽ có chủ vào ngày 11.10
>> Mùa giải Nobel 2012 bắt đầu từ ngày 8.10

Hai nhà khoa học này đã tạo nên một cuộc cách mạng thật sự nhờ khám phá khả năng chuyển đổi tế bào đã trưởng thành ngược lại thành tế bào gốc toàn năng nhân tạo (iPS). Các tế bào gốc của phôi là nền tảng của tất cả các tế bào, mô và cơ quan trong cơ thể. Cùng nguyên tắc đó, các iPS sẽ chuyên biệt hóa thành bất cứ loại tế bào nào và mở ra khả năng ứng dụng vô cùng to lớn cho việc điều trị nhiều loại bệnh phức tạp như Alzheimer, Parkinson, ứng dụng vào các loại mỹ phẩm giúp duy trì tuổi xuân, hoặc thậm chí là tạo ra những cơ quan mới để thay thế những bộ phận già cỗi của cơ thể, mở ra một hướng đi mới trên con đường đạt ước mơ “cải lão hoàn đồng”.

Nobel Y học và ước mơ “cải lão hoàn đồng”
John Gurdon (trái) và Shinya Yamanaka nhận giải Nobel Y học 2012 - Ảnh: AFP

Trên website chính thức Nobelprize.org, Ủy ban Nobel nhận định: “Khám phá của họ là bước đột phá cho những hiểu biết về phương thức sinh trưởng của tế bào và sinh vật”.

Nhà khoa học Gurdon, 79 tuổi và hiện là Giáo sư ĐH Cambridge, phát hiện tế bào trưởng thành đã chuyên biệt hóa của ếch có đủ thông tin di truyền cần thiết để chuyển lại thành tế bào gốc vào năm 1962. Đây là cơ sở để năm 2007, Giáo sư Yamanaka công bố nghiên cứu về “tái lập trình” tế bào trưởng thành ở chuột thành iPS.

Theo tờ Le Monde, ông Yamanaka, 50 tuổi, là Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng iPS (CIRA) thuộc ĐH Kyoto. Ông đã tìm ra phương pháp dùng một loại vi rút ARN để cấy các loại gien đặc biệt vào tế bào trưởng thành bất kỳ, chẳng hạn tế bào da để biến nó thành iPS có chức năng tương tự tế bào gốc ở phôi. Lâu nay, các nhà khoa học đã nhận ra tiềm năng vô cùng to lớn của tế bào gốc nhưng việc nghiên cứu ở người gặp không ít cản trở về đạo đức lẫn tôn giáo ở nhiều quốc gia. Công trình của Yamanaka giúp vượt qua rào cản này vì tế bào được sử dụng là tế bào trưởng thành và việc lấy mẫu để nuôi cấy ở người không ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Đáng chú ý hơn, phương pháp tạo nên iPS tương đối đơn giản nên nhiều quốc gia đã bắt tay vào nghiên cứu.

Hồi tháng 7, Bộ Y tế Nhật thông qua dự án thành lập Ngân hàng iPS với mục tiêu đến năm 2020 sẽ dự trữ được 75 dòng tế bào thích hợp cho khoảng 80% dân số nước này. Những năm qua, CIRA công bố các kết quả đáng chú ý như: tạo nên tinh trùng và noãn của chuột từ iPS; làm rõ nguyên nhân của bệnh Charcot, vốn khiến bệnh nhân giảm dần khả năng vận động…

Sau khi mở màn với giải y học, trong những ngày tới, các giải vật lý, hóa học, văn chương, hòa bình và kinh tế sẽ lần lượt được công bố. Do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế, Ủy ban Nobel đã quyết định giảm 20% giá trị giải thưởng, từ 10 triệu kronor (khoảng 31,4 tỉ đồng) còn 8 triệu kronor, theo AFP.

Nguyễn Ngọc Lan Chi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.