Áp lực từ những lời đồn thổi
Sau bài viết về người giữ bản quyền Nỗi buồn chiến tranh trên Thanh Niên, người viết nhận được khá nhiều điện thoại phản ứng. Trong đó có người tự xưng là một đạo diễn, đã chứng kiến bản quyền kịch bản Nỗi buồn chiến tranh thực ra thuộc về ai và khăng khăng khẳng định, Nỗi buồn chiến tranh sẽ không bao giờ được cấp phép làm phim tại VN. Nhà văn Bảo Ninh thì bình thản cho biết: cuốn sách Nỗi buồn chiến tranh thậm chí chưa bao giờ bị cấm, chỉ không tái bản và ngay cái tên Thân phận của tình yêu cũng là do chính ông lựa chọn đặt chỉ để sách dễ bán (và bìa khi đó là hình nghệ sĩ Thanh Quý) mà thôi.
Nhà văn Bảo Ninh - Ảnh: Cát Khuê |
Đề tài có phần nhạy cảm vào thời kỳ mới đổi mới đã khiến cho cuốn sách chịu nhiều tiếng đồn oan mà có lẽ lỗi duy nhất của Bảo Ninh vì anh đã viết cuốn sách hay quá, ám ảnh và chân thực quá. Không ai tiếc lời nếu đã đọc cuốn sách để ca ngợi rằng, nó xứng đáng xếp vào danh sách những cuốn sách viết về chiến tranh VN hay nhất, được nhìn từ phía một người lính chiến thắng trở về.
Khi tác giả và đạo diễn quá khác nhau
Không ít đạo diễn VN mơ ước được làm phim này, và cũng không thiếu những người tự biết rằng, một tác phẩm văn học danh tiếng như thế, chính là lực cản lớn nhất để ai cũng biết tự lượng sức mình.
Nicholas Simon đến từ Mỹ, xuất thân là một đạo diễn và nhà sản xuất phim quảng cáo. Dù được những lời giới thiệu đầy kỳ vọng từ một đạo diễn danh tiếng như Oliver Stone thì anh cũng đã phải chịu quá nhiều sức ép. Người ta có thể nghi ngờ vào năng lực sáng tạo của anh mà quên đi rằng không hiếm những bộ phim đầu tay đã trở thành những tác phẩm tốt nhất của nhiều đạo diễn. Nhưng Nicholas Simon không biết tiếng Việt dù đã làm việc ở VN gần 10 năm trời, và dù anh có nói anh yêu cuốn tiểu thuyết của Bảo Ninh đến mấy thì một tình yêu đó dường như vẫn là chưa đủ.
Rào cản ngôn ngữ đã khiến cho cả tác giả và đạo diễn cứ đi mãi về hai hướng. Kịch bản đã được duyệt xong nhưng đến khi cùng ngồi xuống để bàn thảo cụ thể, họ mới nhận ra họ đã quá khác nhau. Khi nhà đầu tư muốn đó là một phim mang chính ám ảnh của Bảo Ninh thông qua những trang viết mà dựng thành hình ảnh, thì đương nhiên, ông ta sẽ đặt niềm tin vào tác giả, tin tưởng vào tác giả hơn là vào đạo diễn khi chưa thước phim nào được chính thức quay.
Những ai không hiểu thì trách khi dự án ngưng lại, nhưng phải đặt mình vào tâm thế của Bảo Ninh, trao đứa con đẻ của mình vào tay người khác để cho nó bắt đầu sống ở một môi trường khác, ông không thể dửng dưng.
Nhà văn Bảo Ninh đã từng nói: "Có lẽ chúng tôi đã quá nhiều ước mơ khi trở về như những người chiến thắng. Nỗi buồn chiến tranh được hình thành khi đất nước nghèo lắm, u ám. Nỗi buồn là gì ư? Nếu tôi đã từng đi bộ đội còn bạn chưa từng, thì nỗi buồn của tôi lớn hơn, giằng xé hơn nỗi buồn của bạn. Dù có thế cả hai ta đều chung một nỗi buồn!". |
Nỗi buồn chiến tranh và chung một nỗi buồn...
Những thiện ý của các nhà làm phim là có thật, cũng như những kỳ vọng của ê-kíp về một bộ phim hay, có sức hấp dẫn và “là một bộ phim thuần Việt, người VN xem phải thích, phải thấy hay” như Bảo Ninh có lần nói, là những ước muốn đáng trân trọng.
Nỗi buồn chiến tranh chỉ tạm ngưng, để chờ đợi tìm được một đạo diễn khác hiểu ám ảnh của Bảo Ninh hơn. Có lẽ người ấy phải là người nói được tiếng Việt, nhưng năng lực sáng tạo được thừa nhận không chỉ ở VN, người đạo diễn ấy chắc chắn phải yêu VN, yêu cuốn sách, và đồng cảm với tình yêu của Bảo Ninh...
Dẫu sao thì tác giả cũng đã chờ đợi gần 20 năm rồi. Dư vị còn lại là những tâm sự của chính tác giả, vì dù sao sự dang dở cũng đã là nỗi buồn...
Lê Thị Thái Hòa
Bình luận (0)