Nội chiến ngầm ở Thổ Nhĩ Kỳ: Nỗi ám ảnh đảo chính

02/03/2010 22:30 GMT+7

Sự giằng co giữa chính quyền dân sự và quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã tạo nên những cơn sóng ngầm từ thập niên 1960 đến nay và nhiều lần bùng nổ thành xung đột thật sự.

Quân đội đã lật đổ 4 chính phủ trong 49 năm qua, tạo nên một hệ thống chính trị không ổn định và luôn tồn tại nguy cơ ngấm ngầm.

Cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ hồi cuối tháng trước đã bắt giữ 52 người, gồm các tướng lĩnh cấp cao đã về hưu lẫn còn tại vị, do nghi ngờ có liên quan đến âm mưu đảo chính nhằm lật đổ Chính phủ thiên Hồi giáo của Thủ tướng Recep Tayyip Erdogan. Chiến dịch bố ráp thực hiện đồng loạt tại 8 thành phố, trong đó 21 vị tướng và đô đốc bị bắt, số còn lại hầu hết là sĩ quan cấp tá. Những nhân vật cao cấp nhất trong số này gồm cựu Phó tổng tham mưu trưởng Ergin Saygun; cựu Tư lệnh không quân Ibrahim Firtina và cựu Tư lệnh hải quân Ozden Ornek, theo kênh truyền hình NTV. Một tuần sau, AFP đưa tin thêm 33 quân nhân bị bắt vì cáo buộc tương tự.

Đây là vụ trấn áp đình đám nhất nhằm vào quân đội sau khi có bằng chứng nghe lén cũng như phát hiện các kế hoạch đảo chính được soạn thảo hồi năm 2003. Đến nay, đã có 32 sĩ quan cấp cao gồm đô đốc đã bị truy tố và bắt giam. Nhiều quan chức quân sự khác đang bị thẩm vấn. Sau cuộc hội đàm vào ngày 27.2 giữa Tổng thống Abdullah Gul, Thủ tướng Erdogan và Tổng tham mưu trưởng quân đội Thổ Nhĩ Kỳ Ilker Basbug, các bên trấn an dư luận rằng mọi chuyện sẽ được giải quyết theo đúng hiến pháp, và “một cuộc khủng hoảng” sẽ không xảy ra. Tuy nhiên, nhiều người vẫn lo ngại về không khí bất an và chia rẽ nhất là khi lực lượng vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ có ảnh hưởng rất lớn và có một “bề dày” đảo chính trong lịch sử nước này.

Người bảo vệ chủ nghĩa thế tục

Sau Thế chiến I, đế quốc Ottoman tan rã và đế chế Hồi giáo một thời hùng mạnh này bị chia sẻ thông qua nhiều hòa ước giữa các nước thắng trận. Tuy nhiên, Mustafa Kemal Ataturk, nhà chỉ huy quân sự xuất sắc nhất của đế quốc Ottoman, đã lãnh đạo thành công cuộc chiến tranh độc lập, thống nhất đất nước và trở thành cha đẻ của nước CH Thổ Nhĩ Kỳ hiện đại vào năm 1923. Sau khi trở thành tổng thống, ông Ataturk bắt đầu thực hiện một loạt cải cách trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế và văn hóa. Một trong những thay đổi quan trọng nhất chính là biến Thổ Nhĩ Kỳ trở thành một quốc gia thế tục, loại bỏ hẳn ảnh hưởng của Hồi giáo trong chính quyền và hiến pháp. Vì Ataturk xuất thân là một tướng lĩnh nên từ khi lập quốc, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã tự tuyên bố mình là người kế thừa và bảo vệ các tư tưởng của ông.

Quá trình thế tục hóa nhà nước của chính phủ Ataturk bị đánh giá là quá gấp gáp, dẫn đến sự bất mãn của phần đông dân chúng theo Hồi giáo và tạo nên mối bất đồng đáng kể giữa xã hội và chính trị tồn tại cho đến ngày nay. Điều này là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự chiến thắng của đảng Dân chủ đối lập trong cuộc tổng tuyển cử năm 1950, theo BBC. Kể từ khi lên nắm quyền, chính quyền mới đã có một số động thái trái với tư tưởng của Ataturk như gia nhập NATO vào năm 1952, trái với chính sách trung lập từ trước và ra một số đạo luật nới lỏng vai trò của Hồi giáo trong xã hội. Căng thẳng lập tức nổ ra giữa chính quyền và những người đối lập trung thành với tư tưởng quốc gia thế tục của Ataturk, dẫn đến nhiều cuộc đụng độ đẫm máu vào cuối thập niên 1950. Thủ tướng Adnan Menderes liên tục ra lệnh đàn áp những người biểu tình và áp đặt thiết quân luật tại Istanbul và Ankara.

Sau một thời gian đứng ngoài quan sát tình hình, quân đội chính thức ra tay vào tháng 5.1960, điều động xe tăng tấn công nhiều cơ quan chính phủ và bắt giữ Tổng thống Celal Bayar, Thủ tướng Menderes và nhiều thành viên nội các. Ngày 27.5.1960, tướng Cemal Gursel tuyên bố thắng lợi trên đài phát thanh. Ông Gursel được chọn làm tổng thống mới, trong khi ông Menderes cùng hai bộ trưởng bị xử tử vào năm 1961. Vào tháng 10.1961, quân đội chuyển giao quyền lực cho một chính phủ dân cử mới của ông Süleyman Demirel và đảng Công lý.

Thay triều đổi đại

Từ thập niên 1960-1990, Thổ Nhĩ Kỳ rơi vào tình trạng bất ổn nghiêm trọng với bạo lực leo thang giữa rất nhiều phe phái - cánh tả và cánh hữu, đảng PKK của người Kurd với các tổ chức dân tộc cực đoan như Sói xám hay Quân đội giải phóng nhân dân Thổ Nhĩ Kỳ. Tổng số người chết trong thập niên 1970 là khoảng 5.000 người với trung bình 10 cuộc ám sát một ngày, theo tờ Le Monde diplomatique của Pháp. Đã có tiền lệ từ cuộc đảo chính đầu tiên, quân đội tiếp tục can dự sâu vào tình hình chính trị trong nước. Mỗi khi cảm thấy một chính phủ nào đó không thể giải quyết mâu thuẫn xã hội hoặc có những chính sách mà các tướng lĩnh “không hợp nhãn” thì lập tức quân đội sẽ lại ra tay. Các cuộc đảo chính năm 1971, 1980 và 1997 cùng hàng trăm kế hoạch lật đổ khác ngày càng củng cố vị trí “người bảo vệ” của lực lượng vũ trang và nhiều nhà bình luận gọi chế độ của nước này là “nền dân chủ do quân đội giám sát”. Thậm chí, Tổng thống Süleyman Demirel, người từng nếm “trái đắng” năm 1971 khi bị quân đội ép từ chức Thủ tướng, từng phải tổ chức một cuộc họp vào năm 1997 để hỏi xem quân đội có gì bất mãn với chính quyền liên hiệp của Thủ tướng Necmettin Erbakan hay không. Nỗ lực này cũng không thể giúp ông Erkaban tại vị và chính phủ của ông bị giải tán vì những chính sách thiên Hồi giáo của mình.

Sau khi cùng đảng AKP lên cầm quyền vào năm 2003, Thủ tướng Erdogan đã có một số cải cách nhằm đáp ứng những tiêu chuẩn gia nhập EU và tìm cách giảm bớt ảnh hưởng của quân đội. Một trong những động thái mạnh mẽ nhất là cuộc điều tra tai tiếng vào năm 2007 nhằm vào những người nghi ngờ tham gia nhóm khủng bố bí mật Ergenekon mà báo chí nước này gọi là “vụ án của thế kỷ”.

Trọng Kha

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.