Nơi đất khô, người khát

05/04/2016 17:17 GMT+7

Mấy tháng nay, hơn 1.400 hộ dân ở xã Khánh Bình Tây Bắc (H.Trần Văn Thời, Cà Mau) thiếu nước ngọt sử dụng nghiêm trọng. Do vậy, nhiều hộ dân nơi đây chỉ dám mua nước uống, còn tắm giặt, nấu ăn phải dùng nước giếng nhiễm phèn mặn.

Mấy tháng nay, hơn 1.400 hộ dân ở xã Khánh Bình Tây Bắc (H.Trần Văn Thời, Cà Mau) thiếu nước ngọt sử dụng nghiêm trọng. Do vậy, nhiều hộ dân nơi đây chỉ dám mua nước uống, còn tắm giặt, nấu ăn phải dùng nước giếng nhiễm phèn mặn.

Người dân ấp 5 phải lội bộ cả cây số để lấy từng can nước về uống - Ảnh: Gia BáchNgười dân ấp 5 phải lội bộ cả cây số để lấy từng can nước về uống - Ảnh: Gia Bách
Kênh rạch trơ đáy
Chị Nguyễn Thị Nhiều (cán bộ Hội Phụ nữ ấp 5, xã Khánh Bình Tây Bắc), người dẫn đường cho chúng tôi đi vào vùng khát của xã, cho biết ở ấp này, hầu như nhà nào cũng thiếu nước ngọt sinh hoạt. Nước uống phải mua, còn nước giếng khoan dù nhiễm phèn mặn vẫn phải lóng để nấu ăn, tắm giặt.
Theo quan sát của PV, mọi ao hồ, kênh rạch trong xóm đều khô cạn. Kênh Hậu 500, tuyến giao thông huyết mạch nơi đây, cũng cạn trơ đáy. Chị Lê Thị Bon (37 tuổi) than: “Năm nay nắng hạn ác quá, khô hết cả kênh mương. Gia đình tôi phải đi tắt đường ruộng cả cây số mới ra đến xóm ngoài mua nước uống. Đường xa, vận chuyển khó nên tôi mua bình nước lọc gửi lại nhà người quen, mỗi lần chiết ra 5 lít xách về uống, tới gần hết lại đi lấy tiếp”.


Đường xa, vận chuyển khó nên tôi mua bình nước lọc gửi lại nhà người quen, mỗi lần chiết ra 5 lít xách về uống, tới gần hết lại đi lấy tiếp

Chị Lê Thị Bon


Còn bà Trương Thị Vũ, ngụ cùng ấp, thì lo lắng: “Tôi bị bệnh đã mấy năm nay. Nếu giờ bệnh trở nặng không biết làm sao đi bệnh viện, bởi muốn ra được bên ngoài phải đi bộ qua 10 công đất đã bị cày xới để chuẩn bị cho mùa vụ sau. Do vậy, mỗi lần tái khám, tôi phải năn nỉ xin mua thuốc về uống mấy tháng liền vì lần đi lần khó”.
Bà Vũ cũng cho biết vụ rồi do hạn lớn nên 2 ha đất của gia đình chỉ thu hoạch được 18 giạ lúa. Giờ đất đai của gia đình bà đã cầm cố hết, hằng ngày lại phải đối mặt với cảnh không có nước sạch xài. “Có gạo nấu cơm với nước giếng ăn no bụng là mừng rồi, không dám nghĩ tới chuyện mua nước sạch về uống”, bà Vũ nói.
Theo chị Nhiều, trước đây trên con kênh này có hơn 10 hộ sinh sống, nhưng do hạn lớn gây khó khăn về nước sinh hoạt, vùng này bị cô lập nên người dân bỏ đi làm thuê hoặc mượn đất cất nhà chỗ khác. Cả xóm giờ chỉ còn 5 nhà trụ lại vì không còn chỗ để đi. Chị Ngô Diệu Hiền, người bán lẻ nước đá, bình nước lọc ở đây, cho biết: “Chỉ cần nắng hơn tuần nữa là kênh rạch cạn hết. Xuồng máy sẽ không lưu thông được nên không thể vận chuyển nước đi bán cho bà con. Lúc đó người dân ở đây còn khổ hơn vì thiếu nước uống mà tôi cũng thất nghiệp”.
Xã… khát nước
Theo thống kê, toàn xã Khánh Bình Tây Bắc có đến 1.480 hộ thiếu nước sạch sinh hoạt, tập trung chủ yếu ở các ấp 1, 2, 3, 4, 5. Ông Lưu Chí Đảm, Phó trưởng ấp 5, cho biết ấp này có 181 hộ, trong đó 65% hộ dân có giếng khoan nhưng do mạch nước ngầm nhiễm phèn nên nước có vị chua, mặn. Bà con muốn uống, nấu ăn phải trữ nước mưa hoặc đổi nước lọc. “Nhà tôi có khoan cây nước nhưng cách đây khoảng 4 năm bị hư rồi. Nếu có nước cây thì chỉ dùng để tắm giặt, rửa chén thôi. Nước uống thì phải đi đổi, nhưng mỗi lần chỉ chở được vài chục can do nước kênh sắc cạn”, bà Đặng Thị Nuôn, ngụ ấp 5, nói.
Ông Bùi Chí Ngạn, Phó chủ tịch UBND xã Khánh Bình Tây Bắc, cho biết toàn xã có 13 ấp nhưng chỉ có 3 trạm bơm nên không đáp ứng được nhu cầu cung cấp nước sạch cho bà con. UBND xã đã kiến nghị nâng cấp trạm bơm ấp 1 và ấp 3. Riêng trạm bơm ấp 1 đang trong quá trình nâng cấp nên 13 hộ dân trong ấp hiện không có nước sạch sinh hoạt. Còn ở ấp 4 và ấp 5, người dân chủ yếu sử dụng nước giếng khoan nhưng đang bị nhiễm phèn nặng.
Theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, Giám đốc Trung tâm Nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn, hiện trong tỉnh còn xã Khánh Bình Tây Bắc bị thiếu nước sạch nghiêm trọng. Thời gian qua, trung tâm đã xây dựng công trình cung cấp nước sạch cho người dân ở một số địa phương nhưng vẫn chưa đáp ứng được hết nhu cầu của bà con. “Chúng tôi cố gắng mùa khô năm sau, bà con sẽ bớt khó khăn về nước sạch sinh hoạt hơn”, ông Phúc cho biết.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.