Nói không với vu khống, trục lợi trên mạng xã hội

23/10/2019 07:00 GMT+7

Mạng xã hội là “bước tiến của nhân loại”, nhưng nó cũng có thể mang đến những hậu quả rất xấu đối với cá nhân, tổ chức và cộng đồng nếu bị vu khống hay tin giả tấn công.

Vì vậy, xây dựng mạng xã hội lành mạnh là trách nhiệm của cả cộng đồng.
Nhận định trên được các diễn giả là nhà quản lý, chuyên gia pháp luật và người nổi tiếng… đưa ra trong buổi tọa đàm Nói không với vu khống, trục lợi trên mạng xã hội (MXH) do Báo Thanh Niên tổ chức hôm qua 22.10, tại TP.HCM.

Trầm cảm khi bị nói xấu, vu khống trên mạng xã hội

“Một câu nói trên MXH có thể giết người”

Đăng quang hoa hậu năm 2010 và sớm gia nhập làng giải trí, hoa hậu Diễm Hương cho biết kể từ thời điểm đó, cô liên tục bị tấn công bởi hàng loạt bình luận ác ý và tiêu cực trên MXH. “Khi tôi chập chững dùng Facebook năm 2014, thời điểm MXH nở rộ, tôi vướng phải nhiều scandal về cá nhân, gia đình của mình. Nếu tôi là một người bình thường thì chẳng có chuyện gì xảy ra, nhưng khi tôi trở thành hoa hậu thì những chuyện cá nhân lại biến mình thành đề tài bàn tán của mọi người”, hoa hậu thẳng thắn chia sẻ về những ồn ào trong quá khứ. Những làn sóng tiêu cực, ác ý từ phía dư luận khiến cô phải tìm đến bác sĩ để chữa trị tâm lý, trầm cảm.
Từ trái qua: Ông Lê Quốc Cường, TS Lê Thẩm Dương, đạo diễn Lê Hoàng, hoa hậu Diễm Hương, luật sư Vũ Phi Long, ông Lê Mạnh Hùng, nhà báo Đỗ Hùng, ông Trần Đình Khánh

Từ trái qua: Ông Lê Quốc Cường, TS Lê Thẩm Dương, đạo diễn Lê Hoàng, hoa hậu Diễm Hương, luật sư Vũ Phi Long, ông Lê Mạnh Hùng, nhà báo Đỗ Hùng, ông Trần Đình Khánh

Vốn là người được xem “miễn nhiễm với những lời bình phẩm”, nhưng tại buổi tọa đàm đạo diễn Lê Hoàng cũng kể về “thị phi” mà ông phải hứng chịu khi làm bộ phim Lọ Lem hè phố vào năm 2004. Sau khi ra mắt công chúng, bộ phim nhận đủ lời khen chê, bình phẩm, trong đó có những vu cáo ác ý là phim ăn cắp ý tưởng một phim của Mỹ. “Ngay cả bây giờ mỗi khi có nhạc sĩ, ca sĩ ra tác phẩm mới, lại có thông tin tố ăn cắp ý tưởng mà việc làm rõ ai đúng, ai sai không phải là điều dễ dàng”, đạo diễn Lê Hoàng nói.
Bộ luật Hình sự ghi rất rõ: “Người nào xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác mà sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội sẽ bị xử phạt từ 3 tháng - 2 năm tù”. Trên thực tế, đã có những vụ việc người xâm hại, vu khống trên mạng bị xét xử, phạt tù
Luật sư Vũ Phi Long, nguyên Phó chánh tòa hình sự TAND TP.HCM
Trước chia sẻ của các diễn giả từng là nạn nhân, TS Lê Thẩm Dương nhận định “một câu nói trên MXH có thể giết chết một con người và doanh nghiệp (DN) theo đúng nghĩa đen”. “MXH giết người không cần dao. Không thể khuyên những người này được đâu, mà nhà nước phải có biện pháp xử lý và DN phải giải quyết khủng hoảng truyền thông”, TS Dương nói.

10 năm bị bôi nhọ... trên mạng xã hội của Hoa hậu Diễm Hương

Vu khống trên MXH có thể bị phạt tù

Theo luật sư Vũ Phi Long, nguyên Phó chánh tòa hình sự TAND TP.HCM, vu khống là đưa tin không có thật; còn hành vi dựa vào một phần sự thật sau đó xuyên tạc để làm hại người khác được xác định là xâm hại, làm nhục người khác. Hành vi xâm hại, vu khống còn được xác định thông qua tin nhắn, comment (bình luận). Kể từ năm 2018 các thông tin trên MXH, Facebook được coi là dữ liệu điện tử dùng để chứng minh và làm bằng chứng xử lý hình sự người vu khống trên mạng. Theo luật sư Long, có nhiều cách để xử lý người vu khống, bôi nhọ trên mạng. Cụ thể, nạn nhân có thể kiện ra tòa dân sự để yêu cầu bồi thường thiệt hại hay làm đơn yêu cầu khởi tố vụ án hình sự. “Bộ luật Hình sự ghi rất rõ: “Người nào xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác mà sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội sẽ bị xử phạt từ 3 tháng - 2 năm tù”. Trên thực tế, đã có những vụ việc người xâm hại, vu khống trên mạng bị xét xử, phạt tù”, luật sư Long nói.
Ông Lê Mạnh Hùng, Trưởng văn phòng thừa phát lại Q.Bình Thạnh, cho biết khi chọn con đường nhờ pháp luật giải quyết, nạn nhân bị vu khống và bôi nhọ trên mạng cần thu thập chứng cứ thông qua việc yêu cầu thừa phát lại lập vi bằng. Thừa phát lại sẽ thay mặt cơ quan có chuyên môn, được pháp luật công nhận, có chức năng thu thập chứng cứ. “Thời gian qua, rất nhiều người, bình thường lẫn nổi tiếng, khi bị “vu oan giá họa” đã thông qua văn phòng thừa phát lại để thu thập chứng cứ”, ông Hùng cho biết.

Cộng đồng chung tay “làm sạch” MXH

Theo ông Lê Quốc Cường, Phó giám đốc Sở TT-TT TP.HCM, vu khống, làm nhục trên mạng không chỉ trong những bài viết mà còn thông qua các bình luận, chia sẻ và like liên quan bài viết này. “Do đó, vấn đề quản lý không gian mạng đòi hỏi sự tham gia, chung tay của cả cộng đồng chứ không chỉ từ phía cơ quan quản lý nhà nước”, ông Cường nói và khuyến nghị khi phát hiện hành vi vu khống, làm nhục trên mạng, người bị hại cần phản ánh với cơ quan quản lý, ở đây là Sở TT-TT, để nhanh chóng xử lý, bởi nếu chậm sẽ gây ra hậu quả xấu vì sự lan tỏa trên mạng diễn ra rất nhanh.
Chia sẻ tại tọa đàm, nhà báo Đỗ Hùng cho biết hiện có rất nhiều khóa học dạy nâng cao năng lực về truyền thông. Thông qua các khóa học này, người sử dụng MXH hiểu hơn thế nào là tin đúng, tin chính xác để tránh hành vi đăng tải, phát tán tin giả, tin vu khống làm ảnh hưởng đến người khác. “Những khóa học đó không chỉ phục vụ cho nhà báo mà cho mọi người muốn thẩm định chính xác thông tin và cách xử lý khi mình trở thành nạn nhân của MXH”, nhà báo Đỗ Hùng chia sẻ.
Trải qua nhiều sóng gió, hoa hậu Diễm Hương cho biết cô luôn chủ động bảo vệ hình ảnh và thận trọng trước các thông tin, phát ngôn trên MXH. Trong trường hợp anti-fan (tạm dịch là người chống đối) tấn công, cô sẽ xóa bình luận hoặc chặn các tài khoản gây ảnh hưởng. Ngoài ra, việc chọn lọc thông tin, ý kiến góp ý cũng đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát tâm trạng và hạn chế mức ảnh hưởng tâm lý.
Tham dự tọa đàm Nói không với vu khống, trục lợi trên MXH có ông Lê Quốc Cường, Phó giám đốc Sở TT-TT TP.HCM; nhà báo Hải Thành, Phó tổng biên tập Báo Thanh Niên; TS Lê Thẩm Dương, chuyên gia và diễn giả kinh tế; đạo diễn Lê Hoàng; hoa hậu Diễm Hương; luật sư Vũ Phi Long, nguyên Phó chánh tòa hình sự TAND TP.HCM; ông Lê Mạnh Hùng, Trưởng văn phòng thừa phát lại Q.Bình Thạnh (TP.HCM); Th.S Phan Văn Tú, Trưởng bộ môn Báo chí, Khoa Báo chí Trường ĐH KHXH-NV TP.HCM; ông Trần Đình Khánh, Giám đốc điều hành SuZu Group; nhà báo Đỗ Hùng cùng hơn 200 khách mời và đại diện nhiều cơ quan báo chí.

Giáo dục năng lực thẩm định thông tin

Theo Th.S Phan Văn Tú, “fake news” được hiểu là tin tức giả, được dựng lên từ thông tin không có thật, hoặc chỉ có một phần sự thật, nhằm dẫn dắt bạn đọc, người xem theo chủ đích nào đó. Fake news hầu như ngày nào cũng có trong môi trường mạng xã hội.
Trong bối cảnh này, cần có cơ chế, kỹ thuật giám sát từ cơ quan quản lý nhà nước, pháp luật; cá nhân, tổ chức cũng cần tận dụng công cụ report (báo cáo để nhà quản lý, điều hành mạng xã hội xem xét, loại tin giả, tin xấu) và quan trọng hơn là công cụ giáo dục năng lực thẩm định thông tin.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.