Nỗi lo công trình di sản tôn giáo

05/05/2019 06:54 GMT+7

Theo kiến trúc sư Lê Thành Vinh, nguyên Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích, lựa chọn giá trị di sản và sử dụng của một công trình luôn khó khăn. Với những công trình di sản chưa được công nhận di tích, lựa chọn đó còn khó khăn hơn rất nhiều.

Phá dỡ đúng luật vẫn là điểm nóng
[VIDEO] Cận cảnh Nhà thờ Bùi Chu 134 tuổi sắp được hạ giải
Nhà thờ Bùi Chu (Nam Định) khánh thành năm 1885, theo kế hoạch sẽ được dỡ xuống để xây dựng lại. Ông Nguyễn Đức Giang, linh mục chánh xứ, Tổng đại diện Giáo phận Bùi Chu, cho biết nhà thờ xuống cấp nhiều năm, được sửa chữa nhiều lần và đến nay không thể sửa chữa được nữa.
Nỗi lo công trình di sản tôn giáo
“Chúng tôi phải đại tu lại chính tòa. Việc này đã được hội đồng linh mục bàn bạc rất kỹ từ lâu và được giáo dân ủng hộ. Đến ngày 13.5.2019 sẽ tiến hành hạ giải nhà thờ cũ. Đại tu hoàn toàn dựa trên khuôn mẫu kiến trúc nhà thờ cũ. Phần tường bằng gạch chắc chắn sẽ phải đập đi. Các phần bằng gỗ, đá được tận dụng nếu phù hợp với công trình mới hoặc giữ lại trưng bày”, linh mục Nguyễn Đức Giang khẳng định.
Ông Đỗ Kim Ngân, một giáo dân tại đây đưa ý kiến: “Mỗi khi có mưa bão thì chỉ sợ nhà thờ bị đổ, giáo dân ủng hộ việc đại tu lại chính tòa”. Phần bằng gỗ ở nhà thờ chính tòa Bùi Chu hầu hết đã mục nát, trần bị nứt, thủng. Thậm chí có chỗ không thể vá mà phải che bằng tấm nhựa. Ông Ngân nói nhiều năm nay, rất ít người dám trèo lên mái hay phần tháp của nhà thờ vì sợ sập.
Ông Đặng Ngọc Cường, Chủ tịch UBND H.Xuân Trường (Nam Định) cho biết: “Việc xây dựng nhà thờ chính tòa Bùi Chu đã được Sở Xây dựng Nam Định cấp phép nên hoàn toàn đúng pháp luật. Nhà thờ chính tòa Bùi Chu đã xuống cấp và cũng không phải là công trình, di tích lịch sử được công nhận”.
Nỗi lo công trình di sản tôn giáo
Chùa Trăm Gian xây mới do thiếu hiểu biết về trùng tu, sau này Viện Bảo tồn di tích giúp cứu lại phần nào ngôi chùa Ảnh: Ngọc Thắng
Mặc dù vậy, theo một nhóm kiến trúc sư (KTS) và chuyên gia văn hóa, nhà thờ này vẫn có thể trùng tu được mà không cần phải dỡ bỏ làm lại mới. Nhóm chuyên gia này đã gửi đơn lên Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL cũng như gửi thỉnh nguyện thư tới Đức giáo hoàng Francis.
Một trường hợp khác cũng gây xôn xao là việc xây mới nhà thờ Trà Cổ (Quảng Ninh). Tôn trọng quyền nhu cầu có nhà thờ để đi lễ của người dân, song Giáo sư (GS) Đỗ Quang Hưng, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu tôn giáo, cũng tiếc cho công trình. “Nói thật tôi cũng tiếc lắm. Tôi đã đến đó, đã thấy nó hỏng giờ làm lại không được đẹp nữa”, ông nói. Cũng như nhà thờ Bùi Chu, nhà thờ Trà Cổ chưa được xếp hạng di tích.
“Hệ thống các công trình có tuổi đời hơn trăm năm như thế, đến một lúc sẽ xuống cấp hết nên phải có hướng giải quyết rộng hơn”, ông Lê Thành Vinh nói.
Nhà thờ Đức Bà đang được trùng tu Ảnh: Ngọc Dương

Trùng tu hên... xui

Vấn đề là các công trình khi không phải di tích sẽ không được điều chỉnh theo quy định của luật Di sản văn hóa, nghĩa là chỉ ứng xử như công trình xây dựng bình thường. Bảo tồn không phải là vấn đề buộc phải đặt ra và xử lý.
“Chính vì thế, các công trình thường được bảo tồn theo cách rất hên xui”, một chuyên gia di sản nói. Chẳng hạn, việc trùng tu ở nhà thờ Đức Bà TP.HCM hiện đang được thực hiện bài bản. Từng chi tiết thay thế được đặt hàng cẩn thận cho đúng với nguyên bản. Tuy nhiên, điều đó không bắt buộc với các nhà thờ khác nếu chưa xếp hạng di tích.
GS-KTS Hoàng Đạo Kính, nguyên Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích, nhận định: “Nhà thờ Bùi Chu đang “lâm bệnh”, cần thiết phải có sự đánh giá chuyên môn đầy đủ của những tổ chức, chuyên gia có kinh nghiệm kèm theo phương tiện kỹ thuật rồi mới lên phương án sửa chữa. Nên giữ gạch lát nền có từ thế kỷ 19 mà đến giờ vẫn còn khá nguyên vẹn, còn thiếu bao nhiêu có thể phục chế được”.
GS Đặng Văn Bài, Phó chủ tịch Hội Di sản nói: “Theo luật thì quyền tu sửa, phá đi xây mới là của xứ đạo. Mình chỉ có thể tiếp cận thuyết phục thôi”.
Chùa Trăm Gian xây mới do thiếu hiểu biết về trùng tu, sau này Viện Bảo tồn di tích giúp cứu lại phần nào ngôi chùa Ảnh: Ngọc Thắng

Cờ trong tay người quản lý

“Vì sao các nhà thờ ở VN rất ít khi trở thành di sản có danh hiệu? Họ không thích, không tự nguyện thì mình ép thế nào được. Tôi đã gặp Phó chủ tịch UBND TP.HCM và Giám đốc Sở VH-TT để vận động xếp hạng nhà thờ Đức Bà ở TP.HCM. Họ từ chối. Hồi đó tôi là Cục trưởng Cục Di sản, đích thân tôi đi vận động mà không thuyết phục được. Chỉ có một lần thành công là xếp hạng nhà thờ Phát Diệm”, PGS-TS Đặng Văn Bài chia sẻ.
KTS Lê Thành Vinh cho rằng, những trường hợp di sản chưa có danh hiệu như vậy, đòi hỏi địa phương phải chăm chút, tiếp cận đầy đủ thường xuyên: “Các địa phương phải kiểm kê những dạng di sản như vậy. Mỗi địa phương phải thấy giá trị của các công trình di sản, giá trị sử dụng ra sao. Sau đó phải có những định hướng, xử lý như thế nào. Chứ để nó xuống cấp, bục ra thì rất khó. Cần phải nhìn xa trông rộng”, ông Vinh nói.
Nhà thờ Đức Bà đang được trùng tu Ảnh: Ngọc Dương
Dù có đầy đủ các tiêu chí, nhưng nhà thờ Đức Bà (TP.HCM) chưa được xếp hạng di tích. Về vấn đề này, linh mục Hồ Văn Xuân, Trưởng ban trùng tu nhà thờ Đức Bà (TP.HCM), cho biết: “Sở VH-TT TP.HCM cũng đã nhiều lần gửi hồ sơ đề nghị xếp hạng di tích nhưng chúng tôi vẫn đang cân nhắc, còn phải tìm sự đồng thuận trong linh mục đoàn, tu sĩ và giáo dân nên chưa thể quyết định được”.
Mới đây, nhà thờ Đức Bà đã xuống cấp sau hơn 140 năm, nên Tổng giáo phận TP.HCM xin phép cơ quan chức năng được trùng tu. Linh mục Hồ Văn Xuân và cộng sự phải bay sang châu Âu, tìm đến tận làng Bray-et-Lû, nơi duy nhất của nước Pháp chuyên sản xuất tôn kẽm để tìm kiếm vật liệu lợp lại hai tháp nhọn phía trên hai tháp chuông. Tới phần mái ngói, linh mục Hồ Văn Xuân lại phải qua Pháp tìm cho bằng được Hãng sản xuất ngói Meyer-Holsen ngày trước để mua ngói vảy cá để lợp cho mái dưới và nhờ Công ty Eurohaus đặt giúp ngói âm dương. Nhà thờ cũng quyết định nhập toàn bộ vữa từ Đức về để trét những chỗ hở khi lợp ngói, đồng bộ như nguyên trạng. Với chi phí trùng tu, sửa chữa lên đến 140 tỉ đồng, dự kiến đến năm 2023 mới trùng tu xong nhà thờ.
Lê Công Sơn

Di tích quốc gia cũng gặp nạn

Năm 2012, sư trụ trì di tích quốc gia chùa Trăm Gian (Hà Nội) đã làm mới nhà tổ, gác khánh và bậc thang lên chùa. Năm 2014, cũng tại chùa Trăm gian, vườn tháp được làm mới với 4 tháp mới xây thêm trong khi đơn xin phép là dựng lại 2 tháp cũ đã bị đổ. Năm 2015, một xưởng cưa đã mọc lên trong khuôn viên của chùa Trăm gian. Năm 2016, di tích quốc gia chùa Hương (Hà Nội) xây không phép tòa Hương Nghiêm pháp đường, tu bổ tháp chuông chùa Thiên Trù không đúng thỏa thuận cấp phép. Năm 2018, kiểm tra di tích quốc gia đặc biệt chùa Bổ Đà (Bắc Giang) cho thấy tam quan mới được xây to hơn so với hồ sơ xin phép. Thay vì quy mô mặt bằng 3 gian 2 chái, cổng được xây với quy mô 5 gian, 2 chái. Tháng 4.2019, 2 cổng phụ cũ hai bên công trình gác chuông chùa Bối Khê (Hà Nội) đã bị tháo dỡ để xây dựng mới. Hạng mục sân đá trước ngũ môn được lát mới mà chưa có phép...
T.N
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.