Nỗi lo không nằm ở con số

11/07/2011 00:39 GMT+7

Theo Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính), tổng số dư nợ công của Việt Nam năm nay sẽ ở mức khoảng 1.375.000 tỉ đồng, bằng khoảng 58,7% GDP năm 2011. Uớc tổng số dư nợ nước ngoài khoảng 835.000 tỉ đồng, bằng 42,2% GDP năm 2010 và dự kiến nợ nước ngoài sẽ ở mức 44,5% GDP năm 2011. Xu hướng gia tăng nợ công, đặc biệt là nợ nước ngoài khiến nhiều người lo ngại.

Nếu xét theo tiêu chí và kinh nghiệm của nhiều nước thì nợ công ở mức dưới 60% GDP là giới hạn an toàn. Tuy nhiên, về vấn đề nợ công, con số chỉ là chiếc áo bên ngoài, bản chất của sự an toàn hay nguy hiểm lại phụ thuộc cơ cấu, chất lượng đầu tư của các khoản nợ này. Nếu chất lượng đầu tư tốt, hiệu quả cao thì nợ công lớn cũng không đáng lo và ngược lại. Điều này lý giải vì sao nợ công Nhật Bản lên tới 200% GDP, gấp đôi giá trị nền kinh tế; nợ công của Mỹ năm 2011 dự kiến lên tới trên 102% GDP, vượt quá quy mô của nền kinh tế nước này... nhưng vẫn an toàn. Trong khi đó, nợ công chiếm 115% GDP đã đưa Hy Lạp tới con đường phá sản. Nói như vậy để thấy rằng, sự lo ngại hay những đánh giá về độ rủi ro của nợ công không thể căn cứ trên những con số bề ngoài. Hay nói cách khác, không có một mẫu số chung về sự an toàn cho tỷ lệ nợ công của tất cả các nước mà nó còn phụ thuộc vào trình độ quản lý, "sức khỏe"... của mỗi nền kinh tế.

Nợ công của Việt Nam cũng đang nằm trong ngưỡng an toàn nếu ta lấy "thông lệ 60% GDP" làm chuẩn. Vậy tại sao nỗi lo ngại nợ công gia tăng vẫn ám ảnh nhiều người? Câu trả lời là do chất lượng của các khoản đầu tư công. Đầu tư công thiếu hiệu quả là vấn đề tồn tại nhiều năm nay. Đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến lạm phát trong nền kinh tế; dẫn đến việc phải đối mặt với rủi ro, nguy hiểm của các khoản nợ mà bài học của Hy Lạp là một minh chứng điển hình trong sử dụng nợ công. Đó là lý do, Nghị quyết 11 của Chính phủ đã và đang quyết liệt cắt giảm đầu tư công ở những dự án thiếu hiệu quả, dồn vốn cho những nơi có hiệu quả để nâng cao chất lượng đầu tư công.

Nhìn một cách lạc quan thì còn vay được có nghĩa là vẫn được tín nhiệm. Cũng phải khẳng định là một quốc gia, một doanh nghiệp hay một cá nhân khi đầu tư thì vay nợ là chuyện đương nhiên. Tuy nhiên, vay bao nhiêu, vay nhiều hay ít phải tương ứng với trình độ, năng lực quản lý của mỗi quốc gia.  Bên cạnh đó, "linh hồn" của các khoản vay chính là phân bổ vốn đúng nơi, đúng chỗ và cuối cùng, chất lượng nợ công mới là vấn đề quan trọng. Nếu không đảm bảo được các yếu tố trên, nếu còn tiếp diễn tình trạng đầu tư công chất lượng kém, hậu quả sẽ khôn lường.

Nỗi lo ngại về nợ công gia tăng trên thực tế không nằm ở các con số là bởi lẽ như vậy.

Nguyên Hằng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.