Nỗi lo “Tây hóa” di sản

07/03/2012 03:04 GMT+7

Theo Giáo sư Tô Ngọc Thanh, sự phân biệt giữa văn minh và lạc hậu đã dẫn đến khuynh hướng vọng ngoại, xem văn hóa dân tộc là lạc hậu và lỗi thời.

Theo Giáo sư Tô Ngọc Thanh, sự phân biệt giữa văn minh và lạc hậu đã dẫn đến khuynh hướng vọng ngoại, xem văn hóa dân tộc là lạc hậu và lỗi thời.

Nuối tiếc sân khấu không phông màn

Quan điểm vọng ngoại gây ra đứt gãy trong trao truyền văn hóa có thể thấy rõ qua các di sản sân khấu, di sản âm nhạc.

“Một phần do xu hướng Tây hóa mà chúng ta đã mất sân khấu tuồng, chèo thật rồi”, nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan nói đầy nuối tiếc. “Sân khấu của chúng ta ngày xưa, trong đó có sân khấu tuồng là sân khấu hoàn toàn không có phông màn. Không có phông màn thì chỉ trong chốc lát thôi cái hòm của diễn viên biến thành cung vua, rồi lại thoắt cái thành cái thuyền, tảng đá. Chính người diễn viên tạo ra không gian diễn. Còn theo sân khấu phương Tây, để cái phông lù lù trước mặt thì ai còn tưởng tượng nổi”.

“Giờ đây, chúng ta chỉ còn sân khấu cổ truyền cách tân, chứ không phải sân khấu cổ truyền đích thực. Chèo chẳng hạn, thuở xưa, chèo làm gì có kịch bản mà chỉ là những câu hát, miếng chèo. Có kịch bản, lúc nào, ai hát gì là phải theo răm rắp. Trong khi, chèo xưa, diễn viên lựa miếng này khán giả đang mê thì lại kéo dài ra tiếp, tùy hứng. Mất cách hát ngẫu hứng, cách đàn ngẫu hứng cũng mất luôn theo”, ông Loan nói và cho biết: “Khi tôi nghiên cứu chèo, người ta bảo chèo của chúng tôi khi xưa chỉ có một trống đế, một nhị là hết. Những thứ khác có thì thêm vào không thì thôi. Giờ đây, chèo có cả dàn nhạc”.


Cồng chiêng Tây nguyên cần được bảo tồn nét  riêng vốn có của nó - Ảnh: Q.H
 

Trăm nẻo hiện đại nhầm

“Tôi hỏi một nhà quản lý, anh hiểu gì về hát xoan. Người kia trả lời, hát xoan có hát xoan cũ và hát xoan mới”, ông Loan nhớ lại. “Thế nên, Phú Thọ đã phá hát xoan rồi. Họ làm ra cái gọi là múa hát xoan, nhưng chèo quá thì còn gì là xoan nữa. Họ cứ tưởng làm thế là hiện đại, nhưng chính cái hiện đại ấy lại không hiện đại”.

Cũng theo ông Loan: “Thứ nữa, hiện người ta có ý tưởng hiện đại hóa, một người đánh nhiều chiêng. Giống như anh chơi bộ gõ trong dàn nhạc hiện đại ấy. Điều đó thật điên rồ. Bởi cái hay của cồng chiêng Tây nguyên là ở chỗ mỗi người đánh một chiêng, mỗi người đánh một nốt nhạc, một tiết tấu nhất định. Tất cả hợp thành bài chiêng. Giá trị tinh thần cộng đồng, gắn kết tâm linh cộng đồng nằm ở chỗ nhiều người cùng đánh một bài mà thành bài chiêng. Giá trị gắn kết tâm hồn nằm ở đó”.

Một cách “hiện đại phá di sản” khác là việc xây dựng mới phá vỡ không gian di sản. Theo một nghiên cứu, khu di tích đền Hùng giờ không còn sóc, khỉ, chim nữa. Trong khi đó, trước đây nơi này từng là một vùng rừng đồi núi với nhiều loại cây và chim thú. Còn đồi Lim giờ cũng gần như là một mặt bằng chứ không còn cao như trong lời hát ngày xưa do các nhà cao tầng xung quanh mọc lên.

Chưa kể, theo một số nhà nghiên cứu, sự chú tâm vào văn hóa hiện đại cũng sẽ làm giảm dịp tiếp xúc và thực hành văn hóa truyền thống của người dân, đặc biệt là người trẻ.

“Nhiều người muốn di sản phát triển phù hợp với đời sống. Tôi nghĩ cái đó hoàn toàn sai lầm. Cái cần giữ là một sáng tạo quá khứ, chứ không phải sáng tạo giao duyên giữa quá khứ và hiện đại. Đặt quá khứ sao cho hợp với hiện đại mà giữ đúng phần hồn là khó vô chừng”, ông Loan nói.

“Những thực hành văn hóa chưa đúng như trên không chỉ có ở Việt Nam. Trước đây, nhiều nước cũng đã mắc phải lỗi đó. Cũng vì vậy, UNESCO luôn đưa ra khuyến cáo để các nước không mắc lại những sai lầm này”, theo Phó giáo sư Nguyễn Văn Huy

Trinh Nguyễn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.