Tôi chôn một nửa mình trong bóng tối, cảm thấy mình gần với thành phố này hơn vào thời khắc đêm ngày giao thoa, cảm thấy như mình được trở về...
Những ngày tan ca muộn, tôi thường lang thang một cách vô định trên đường phố Sài Gòn. Ánh sáng mờ ảo của buổi chạng vạng khiến những khung cảnh xa lạ hóa thành gần gũi. Tôi thích ngắm những dòng sông. Đúng là “trong con mắt của một kẻ nhớ nhà thì nhìn đâu cũng thấy quê hương”. Sông Sài Gòn lúc này sao mà giống sông Hương quá. Rạch Bến Nghé thì giống sông An Cựu. Tôi ngồi nơi xứ lạ, cảm giác như mình đang trở lại với những ngày thân thuộc. Kia là Cung An Định, kia là cầu Đông Ba, và cả chợ An Cựu nữa... Những ảo ảnh mụ mê cứ ẩn hiện trong tâm thức làm tôi không sao kìm được nỗi nhớ về dòng sông nơi cố hương, dòng sông đã theo tôi suốt cả một thời thơ dại.
Tuổi thơ tôi lớn lên bên bờ sông An Cựu, đến thời của tôi thì dòng sông đã không còn “nắng đục mưa trong” như những bài thơ ca vẫn thường khen ngợi. Lúc trời nắng, dòng sông có một màu xanh rêu nhàn nhạt như ngọc bích, đến mùa mưa lụt thì lại là màu nâu vàng của phù sa. Khi tôi còn nhỏ, năm nào cũng có vài trận trận lụt. Nhà tôi đổ móng thấp, nước sông có khi chỉ ngập mặt đường, tràn đến sân, có khi thì ngập tận một nửa căn nhà. Những lúc này, người lớn lo lắng bao nhiêu thì lũ trẻ con bọn tôi lại vui vẻ bấy nhiêu. Chúng tôi chưa đến tuổi để nỗi lo đọng lại trong đầu óc. Những đứa trẻ ngây thơ chỉ cần biết rằng chúng sẽ được nghỉ học, được lội bì bõm đi bắt cá, bắt cua mà không một chút muộn phiền.
Hồi đó tôi thích nhất những con cá mặt trăng, cá cứng, cá mại nho nhỏ. Tụi nó thường tụ lại chỗ nắp cống, vừa dễ bắt lại còn dễ nuôi. Cá rô phi thì vừa nhanh lại vừa hung dữ, ai lanh tay lắm mới bắt được. Khoái nhất vẫn là lúc có những đàn cá cảnh đủ loại sắc màu bị sổng khỏi bể nuôi, cả xóm con nít cứ nháo nhào lên, tìm bắt bằng sạch mới chịu dừng.
Sông nước miền Trung trĩu nặng phù sa, những hạt phù sa làm đất đai màu mỡ, làm những hạt lúa chín mọng và ngọt ngào hơn bất cứ nơi nào. Thế nhưng ở thành thị không có ruộng vườn, phù sa của sông An Cựu chỉ có thể lắng đọng thành một dải bùn non sền sệt trên những con đường trải nhựa. Việc đầu tiên sau những trận lụt tất nhiên là phải dọn sạch đi những lớp bùn non đó, trả chúng về lại với dòng sông. Dọn bùn non là một công việc nặng nhọc nhưng vui vẻ, những người hàng xóm cùng nhau vừa làm việc vừa nói cười. Lũ trẻ con bọn cũng phụ giúp, nhưng đa phần vẫn là nghịch ngợm. Cảnh tượng ấy đối với tôi như một bức tranh hài hòa và gần gũi vô cùng, một báu vật của tuổi thơ mà bây giờ chỉ có thể tìm về trong tâm tưởng.
Khi tôi tỉnh lại sau cơn mụ mê của hồi ức thì phố thị cũng đã lên đèn. Thành phố này hoa lệ lắm, đẹp lắm. Nhưng những khách vãng lai như tôi chỉ có thể trở về với căn phòng trọ lạnh lẽo, với cõi lòng trống trải và cả một chút cảm thức lạc loài. Những cậu nhóc mới trưởng thành vẫn thường ảo tưởng là mình rắn rỏi lắm, cho đến những ngày mà họ thực sự cô đơn. Tôi cũng vậy, cuộc sống chông vênh khiến tôi nhận ra mình mềm yếu đến mức nào. Bây giờ tôi chỉ muốn trở về với căn nhà thân thuộc, nơi có những bữa ăn ngon luôn được mẹ dọn sẵn trên bàn, và chỉ cần bước chân ra khỏi cửa là sẽ nhìn thấy những người bạn thân đang chờ với nụ cười tếu táo. Cả dòng sông quê hương nữa, tôi khát khao được ngắm dòng sông yên bình ấy quá thể. Chẳng ngờ được là tôi bước chân ra đi... chỉ để bắt đầu những ngày khao khát được trở về.
Sài Gòn của những buổi đầu thu bắt đầu có những trận mưa. Mưa Sài Gòn cứ vụt đến rồi lại vụt đi, lạnh lùng, vội vã. Ở Huế lúc này chắc cũng đã đến mùa mưa. Mưa Huế buồn hơn mưa Sài Gòn nhiều lắm, đến đứa trẻ con ngắm mưa cũng mang chút buồn trong khóe mắt. Chắc là vì mưa Huế nhẹ nhàng nhưng quá đỗi đậm sâu, lãng đãng rơi thôi mà gieo nỗi buồn thương vào thật dày trong tâm khảm. Nhắc đến mưa, không biết mùa mưa năm nay, sông An Cựu sẽ no nước mấy lần đây nữa. Ba dạo này cũng đã yếu đi nhiều, không có con, lớp bùn non trước cửa nhà rồi ai sẽ phụ ba dọn dẹp?
Thấy khóe mắt cay cay, tôi nhắm lại, mơ màng. Trong giấc mộng mông lung cảm giác như mình đang trở về với dòng sông thân thuộc.
|
Bình luận (0)