Nội soi bất thành, bác sĩ phải mổ hở lấy dị vật cho cậu bé 7 tuổi

28/12/2017 14:21 GMT+7

Do biến chứng quá nặng nề nên các bác sĩ không thể nội soi lấy dị vật ra. Ngày 22.12, các bác sĩ đã tiến hành mổ hở...

Ngày 28.12, thạc sĩ, bác sĩ Đào Trung Hiếu, Phó giám đốc Bệnh viện (BV) Nhi đồng 1 (TP.HCM), cho biết BV vừa tiếp nhận bệnh nhi T.H.L (7 tuổi, ngụ Tiền Giang) vì nuốt bóng đèn led vào đường thở gây xẹp phổi phải gần như hoàn toàn, phải mổ cắt thùy phổi để lấy dị vật ra. Hiện sức khỏe bệnh nhi đã ổn định và chuẩn bị xuất viện.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Kinh Bang, Phó Khoa ngoại tổng hợp, BV Nhi đồng 1, cho biết thêm: cách đây 1 năm, bé L. nuốt bóng đèn led nhưng gia đình không biết. Sau đó bé ho sốt, ho sặc sụa. Gia đình đưa đi khám bác sĩ tư nhân nhưng uống thuốc không khỏi mà còn khò khè tái phát thường xuyên, ho đàm tăng, ói nhiều lần trong ngày, hơi thở hôi tăng dần.
Ngày 19.12, bệnh nhi nhập vào BV Nhi đồng 1. Kết quả chụp X-quang ngực bệnh nhi cho thấy có dị vật trong đường thở. Ngay lập tức bệnh nhi được đưa vào phòng mổ nội soi phế quản và thấy có bóng đèn led đang bám vào niêm mạc phế quản, phế quản nhiễm trùng có nhiều mủ, chảy máu nhiều. Các bác sĩ cố gắng lấy dị vậy ra nhưng không được nên buộc hoãn để điều trị nhiễm trùng.
Theo bác sĩ Bang, hôm sau bệnh nhi tiếp tục được nội soi thanh khí phế quản, kết quả cho thấy có nhiều đàm mủ trắng đục phế quản gốc phổi phải nhưng không thấy dị vật ở đâu. Bệnh nhi được chụp CT scanner ngực khẩn để kiểm tra, xác định dị vật đi đâu. Kết quả cho thấy dị vật nằm ở gốc phổi bị xẹp.
Do biến chứng quá nặng nề nên các bác sĩ không thể nội soi lấy dị vật ra. Ngày 22.12, các bác sĩ đã tiến hành mổ hở. Kết quả cho thấy thùy dưới phổi phải viêm xẹp gần như hoàn toàn, có lỗ thủng 0,5 cm ở phế quản thùy dưới phổi. Các bác sĩ tiến hành cắt thùy phổi bị xẹp thì phát hiện bòng đén led nằm trong nhu mô phổi.
Theo bác sĩ Đào Trung Hiếu, đây là trường hợp nặng nhất mà BV gặp trong nhiều năm qua. “Bé nuốt dị vật bình thường nhưng bỏ quên lâu ngày. Nếu bé được phát hiện nuốt dị vật sớm thì chắc chắn sẽ không bị di chứng và không đến nỗi phải cắt bỏ thùy phổi như thế này”, bác sĩ Hiếu nói.
Cách đây 3 tuần, BV Nhi đồng 1 cũng phẫu thuật cho một bé 3 tuổi nuốt 3-4 viên bi. Các viên bi có từ tính (nam châm) nên hút lại với nhau làm cho ruột bé cũng dính lại và gây thủng 4-5 lỗ phải cắt bỏ một đoạn ruột.
Bác sĩ Hiếu cảnh báo mùa tết cha mẹ bận rộn ít quan tâm con cái nên các bé rất dễ nuốt bị vật, mà đa số là các loại hạt. Dị vật vào đường ăn gây tắc đường ăn, vào đường thở gây bít đường thở. Đặc biệt, dị vật bị chui đường thở có thể gây tử vong ngay, ngoài ra còn để lại di chứng về sau.
Theo bác sĩ Hiếu, khi trẻ nuốt dị vật vào đường thở, dấu hiệu đầu tiên là ho, sặc, tím tái. Đây là phản ứng quan trọng báo hiệu con trẻ có khả năng bị dị vật vào đường thở và cần đưa đi BV ngay.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.