Nơi truyền lửa cho người khuyết tật

03/06/2019 19:32 GMT+7

Vượt qua nghịch cảnh đôi chân tật nguyền, bà Đỗ Thị Trinh học may để làm kế mưu sinh và nhận dạy nghề miễn phí cho những người cùng cảnh ngộ.

Bà Trinh (50 tuổi, ngụ ấp 6, xã Vĩnh Trung, H.Vị Thủy, Hậu Giang) kể, năm 1999, trong lúc chạy xe máy để đến chỗ làm, bà bị tai nạn giao thông nghiêm trọng. Sau một thời gian dài điều trị, bà khỏe lại nhưng đôi chân bị liệt.
Được sự động viên của gia đình và chính quyền địa phương, bà quyết tâm học may để có thể tự nuôi sống bản thân. Năm 2000, bà được nhận vào lớp học may miễn phí dành cho người khuyết tật ở TP.Cần Thơ. Nhờ chịu khó học hỏi, chỉ sau 6 tháng, bà đã thạo nghề rồi trở về nhà mở một tiệm may nhỏ.
Nhận thấy nhiều người khuyết tật không có nghề nghiệp, cuộc sống khó khăn nên bà nhận dạy nghề miễn phí. Tại đây, học viên được bà dạy may áo dài, áo bà ba và đồ bộ. Tiếng lành đồn xa, nhiều học viên tìm đến xin học và tiệm may của bà trở thành nơi giúp người khuyết tật vượt qua nghịch cảnh để có cuộc sống tốt hơn. Những học trò khuyết tật ở xa đến học nghề được bà cho lưu trú, ăn uống tại nhà. Dụng cụ may được bà mượn từ người thân để tạo điều kiện học hành tốt nhất cho học trò của mình.
Bà Trinh tâm sự: “Bản thân tôi không may bị khuyết tật, nên khi nhìn thấy mấy đứa em, đứa cháu còn nhỏ tuổi lại bị giống mình, trong lòng tôi đồng cảm lắm. Cũng vì vậy, tôi quyết tâm giúp các em bằng cách dạy nghề may, để các em đỡ đần phần nào cho gia đình và tự nuôi sống bản thân”.
Tính đến nay, bà Trinh đã dạy nghề miễn phí cho 11 người khuyết tật và 3 người nghèo. Những học trò được bà dạy nghề miễn phí hiện đã thạo nghề, một số người đã mở tiệm.
Chị Huỳnh Thị Bích Phượng (25 tuổi, ngụ xã Đông Phước, H.Châu Thành, Hậu Giang) cho biết: “Nhờ người quen giới thiệu nên tôi mới biết chỗ cô Trinh. Đến đây, tôi thật sự cảm phục cô vì vừa được học nghề miễn phí và cho ở trong nhà để học đến khi nào thành thục. Những ai có gạo thì hùn gạo, không thì cô bỏ tiền túi ra để mua ăn chung. Bản thân tôi chưa từng mơ sẽ học được nghề may vì gia đình khó khăn, không thể lo nổi chi phí để đi học. Nhận được sự hỗ trợ của cô là niềm động viên rất lớn để người khuyết tật chúng tôi quên đi mặc cảm, vươn lên trong cuộc sống”.
Không dừng lại việc dạy nghề, bà Trinh còn ấp ủ mở một tổ may nhỏ tại nhà và có tiền mua thêm máy vắt sổ, máy may để các học trò thuận tiện học nghề, làm nghề. “Tôi chỉ mong mình có nhiều sức khỏe để tiếp tục công việc này. Đồng thời hy vọng có thể giúp đỡ nhiều hơn cho các em đi lên bằng chính cái nghề của mình, giúp các em có thêm niềm tin vào cuộc sống”, bà Trinh trải lòng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.