Nơm nớp sống bên miệng “hà bá”

02/10/2011 00:27 GMT+7

Đó là tâm trạng của nhiều hộ dân ở TP.HCM khi mùa mưa bão đang đến. Sự âu lo càng tăng cao khi nhiều dự án chống sạt lở đã bị đình lại.

Nhiều dự án bị đình trệ

Tại đường số 3, P.27, Q.Bình Thạnh, một trong những khu vực có nguy cơ sạt lở cao ở bán đảo Thanh Đa, một người dân sống ở đây là chị Nguyễn Thị Thu Nga cho biết: “Gia đình tôi như đang ngồi trên đống lửa. Những lúc mưa to, gió lớn kèm theo lốc xoáy, gia đình tôi cứ nơm nớp lo vì gia đình có người già. Chúng tôi không ngày nào được yên giấc”. Có thể quan sát thấy ở khu vực này có hàng chục ngôi nhà sát bờ sông đang bị nghiêng lún. Mặc dù được cảnh báo là khu vực có nguy cơ sạt lở cao nhưng nhiều hộ dân vẫn còn ở lại đây vì không thể sắp xếp được nơi ở mới.

 
Hàm ếch dưới một căn nhà tại khu vực Thanh Đa, Q.Bình Thạnh - Ảnh: Thúy Liễu

Trao đổi với Thanh Niên, ông Trần Văn Giàu, Trưởng ban Quản lý dự án - Khu quản lý đường thủy nội địa TP.HCM, tỏ ra hết sức lo lắng do hiện nay tình trạng sạt lở xảy ra ở hầu hết quận, huyện của TP với quy mô lớn nhỏ khác nhau. Trong đó đáng lo ngại nhất là các quận, huyện: Bình Thạnh, Nhà Bè, Thủ Đức. Hiện toàn TP có 55 điểm có nguy cơ sạt lở cao. Trong đó Nhà Bè có 15 điểm, Cần Giờ 10 điểm; Bình Thạnh có 9  điểm, Thủ Đức 6 điểm...

H.Nhà Bè đang có hơn 400 hộ dân bị ảnh hưởng, trong đó có 107 hộ cần di dời khẩn cấp. Từ đầu năm đến tháng 8.2011, UBND TP.HCM mới chỉ bố trí vốn cho 1 dự án chống sạt lở trong số 18 dự án được đề ra trong kế hoạch năm 2011 của Khu quản lý đường thủy nội địa. Mới đây UBND TP bổ sung vốn đợt 2 cho thêm 4 dự án nữa. Tuy nhiên, đây là con số rất nhỏ so với nhu cầu thực tế.

Theo ông Trần Văn Giàu, việc triển khai các dự án chống sạt lở đang gặp vô vàn khó khăn. Chẳng hạn vấn đề giải phóng mặt bằng, theo chủ trương chung thì đơn giá bồi thường cho người dân phải tương đương với giá thị trường. Trong khi đó TP thường ban hành đơn giá bồi thường hằng năm và giữa hai mức giá này còn một khoảng cách rất xa. Chưa kể hiện nay vốn cho việc giải phóng mặt bằng đang bị thiếu trầm trọng trong khi phải thực hiện cắt giảm đầu tư công theo Nghị quyết 11 của Chính phủ. Một lý do khách quan khác khiến cho các dự án chống sạt lở thường bị kéo dài là địa chất, địa hình sông kênh rạch tại TP.HCM liên tục bị thay đổi và xáo trộn dòng chảy. Hậu quả của tình trạng này dẫn đến một khoảng cách rất lớn giữa tính toán trong thiết kế dự án và thực tế thi công, dẫn đến sự thay đổi dự án khi triển khai thực hiện để phù hợp với thực tế. Vì vậy nhiều dự án buộc phải thay đổi thiết kế và điều chỉnh tổng mức đầu tư, kéo dài thời gian thực hiện và hoàn thành.

Chỉ ưu tiên những dự án cấp bách

Ngày 24.9, đoàn công tác của UBND TP.HCM do ông Lê Minh Trí, Phó chủ tịch UBND TP dẫn đầu đã kiểm tra thực địa những khu vực bờ sông xung yếu đang có nguy cơ sạt lở cao trên địa bàn TP. Tại khu vực sạt lở kênh Thanh Đa, đại diện UBND Q.Bình Thạnh cho biết hiện có 164 hộ dân bị ảnh hưởng thuộc diện phải di dời để xây dựng hai đoạn bờ kè chống sạt lở. Thế nhưng khó khăn nhất hiện chỉ có 50% số hộ đồng ý mức giá bồi thường, 50% số hộ còn lại chưa đồng ý với đơn giá bồi thường do UBND TP phê duyệt. Theo ông Phan Công Bằng, Trưởng phòng Quản lý giao thông đường thủy - Sở Giao thông vận tải, một khó khăn lớn nữa là đến thời điểm này dự án xây dựng 2 đoạn bờ kè trên vẫn chưa được UBND TP bố trí vốn nên chủ đầu tư chưa thể tổ chức đấu thầu thi công. Ông Bằng khẳng định nếu có vốn và mặt bằng thì Sở GTVT sẽ đấu thầu thi công ngay, sau 9 tháng là hoàn thành. Sau khi kiểm tra thực địa, ông Lê Minh Trí cho biết UBND TP sẽ có cuộc họp với các sở, ngành, UBND các quận, huyện liên quan để đánh giá toàn bộ tình hình sạt lở bờ sông trên địa bàn, đồng thời có giải pháp cho từng dự án. Trước mắt để đảm bảo tài sản và tính mạng người dân, UBND TP sẽ ưu tiên ghi vốn để thực hiện các dự án chống sạt lở mang tính cấp bách.

N.Đình Mười - Thúy Liễu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.