'Nóng' chuyện cải tạo chung cư cũ ở TP.HCM

04/06/2017 08:33 GMT+7

Ngày 3.6, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cùng nhiều lãnh đạo TP đã có buổi gặp gỡ các doanh nghiệp trong lĩnh vực hạ tầng để nghe các kiến nghị.

Tại đây nhiều doanh nghiệp đã bức xúc về thủ tục hành chính rườm rà làm cản trở các dự án phát triển đô thị, trong đó “nóng” nhất là vấn đề cải tạo chung cư cũ bị “đứng bánh” lâu nay.
Đề án trình 7 năm không được duyệt
Phát biểu tại buổi gặp, ông Đinh Ngọc Ninh, Tổng giám đốc Tập đoàn SSG, hiến kế nếu người dân sở hữu 100 m2 chung cư cũ thì được nhận 80 m2 chung cư mới với tiện nghi đầy đủ hơn, dịch vụ tốt hơn, có tầng hầm để xe, có thang máy… như thế, là công bằng, người dân sẽ ủng hộ và công ty ông sẽ đầu tư ngay.
Theo ông Võ Văn Bé, Công ty TNHH xây dựng - thương mại Thuận Việt, TP đã có chủ trương xây dựng, cải tạo lại các chung cư cũ trên địa bàn từ lâu. Chính vì vậy, cách đây 7 năm công ty ông đã trình đề án xây lại chung cư sắp sập ở P.2, Q.10 với các sở ngành của TP nhưng đến nay vẫn chưa được thông qua. Để làm dự án này công ty ông đã trình phương án khả thi hơn cả quy định của TP. Đơn cử, người dân có nhà 30 m2 được "đổi" chung cư mới với diện tích 45 m2.
Trên cơ sở quỹ nhà, quỹ đất của khu chung cư cũ, công ty này đề xuất xây dựng lại mới với những căn nhà tiêu chuẩn rộng hơn, hiện đại hơn... giao cho người dân rồi lấy quỹ đất dôi dư kinh doanh hoàn vốn, nhà nước không bỏ tiền ra, với điều kiện chỉ cần lấy quỹ đất ở Q.10 diện tích khoảng 2 ha đất trống để xây dựng 2.000 căn hộ cho toàn bộ dân ở tạm trong 4 năm. Tuy nhiên đến nay đề xuất này vẫn chưa được duyệt. Ngoài ý kiến trên, ông Bé cũng cho rằng khi xây dựng đô thị ngầm trên đường Lê Lợi, TP cần phải làm song song với tuyến metro để giảm lãng phí.
Trao đổi bên lề buổi làm việc, lãnh đạo một doanh nghiệp (DN) đang thực hiện dự án chung cư cũ bức xúc nói rằng, để cải tạo được một dự án chung cư cũ là quá "chua" vì ngoài thủ tục hành chính nhiêu khê, mất nhiều thời gian thì vấn đề giải phóng mặt bằng cực kỳ nan giải. Tại hầu hết các chung cư cũ phần lớn nhà dân có diện tích rất nhỏ, nhiều nhà tình trạng pháp lý mù mờ nên không có cơ sở để bồi thường, tái định cư, trong khi dân vẫn cố bám trụ không chịu nhận tiền di dời. Một dự án chung cư DN này đã làm gần 10 năm rồi vẫn chưa xong khâu giải phóng mặt bằng khi chỉ còn vài hộ dân. “Chỉ bấy nhiêu đó thôi đã chết DN rồi”, ông nói.
Giãn dân bằng các khu đô thị vệ tinh
Liên quan đến vướng mắc trong việc cải tạo chung cư cũ, Phó chủ tịch UBND TP Lê Văn Khoa đề nghị trong tuần tới Sở Xây dựng phối hợp với Q.10 làm việc với Công ty Thuận Việt để bàn kỹ về phương thức xử lý tốt nhất, báo cáo lên UBND TP để đẩy nhanh dự án. Hiện vấn đề chung cư cũ UBND TP đã quyết, đối với nhà hợp pháp người dân sẽ đổi lại một nhà mới theo tỷ lệ 1/1; chỉ khi diện tích lớn hơn mới trả thêm tiền. UBND TP phân cấp mạnh mẽ cho quận, huyện để giải quyết vấn đề này.
Còn theo Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong, tại khu vực trung tâm TP hiện vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra, nhất là việc có nhiều dự án, công trình cần phải tập trung xử lý nhanh. “Như ngôi nhà đang làm xấu TP là 34 Tôn Đức Thắng kéo dài quá lâu, hiện đang chỉ đạo quyết liệt cho các ngành để xử lý. Khu tháp kim cương ngay Trung tâm thương mại quốc tế cũ cũng kéo dài rất lâu.
Cái thứ ba là khu đất 812 Lê Duẩn”, ông Phong chỉ đích danh. Ông yêu cầu Sở Xây dựng rà soát lại tất cả dự án, công trình hiện đang xây dựng, cái nào đang dở dang thì tập trung xử lý nhanh, cái nào chưa khởi công thì tập trung xem lại cụ thể, không để tình trạng đất vàng, dự án “trùm mền” ngay khu trung tâm, làm TP xấu xí và gây lãng phí.
Cũng theo ông Phong, hiện TP đang phát triển không gian ngầm ở công viên ven cảng Bạch Đằng, tập trung phát triển các TP vệ tinh, không thể nén dân số bằng xây dựng nhà cao tầng ở khu trung tâm. Cụ thể, tập trung phát triển TP về phía nam để xây dựng đô thị cảng Hiệp Phước, phía tây bắc với việc xây dựng khu đô thị Tây Bắc, phía đông bắc với dự án khu Thanh Đa, phát triển về phía đông với khu đô thị mới Thủ Thiêm...
“Phát triển đô thị vệ tinh để hạn chế sự dịch chuyển dân cư từ bên ngoài vào và ở đó sẽ xây dựng các trung tâm dịch vụ, mua sắm. Chúng tôi quan tâm đến việc tổ chức xây dựng hệ thống không gian ngầm, trong điều kiện TP không thể mở rộng. Tôi đã giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc tính toán nhưng không phát triển đơn lẻ, mà phải phát triển đồng bộ hệ thống không gian ngầm”, Chủ tịch TP cho biết.
Nguồn vốn từ nay đến năm 2020 TP cần để quy hoạch đô thị, theo ông Phong là khoảng 500.000 tỉ đồng, trong đó ngân sách TP lo được 34,8%, hơn 60% còn lại nhờ vào nguồn lực các nhà đầu tư, huy động các nguồn lực tham gia vào thực hiện các chương trình. “TP sẽ nghiên cứu cải thiện môi trường đầu tư, đa dạng hóa kêu gọi đầu tư, giảm tối đa thủ tục cho nhà đầu tư. Tôi mong các DN chung sức phát triển TP”, ông Phong kêu gọi.
Kết luận buổi làm việc, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đánh giá, đất TP chiếm 0,6% cả nước nhưng đất không tăng mà người tăng nên đô thị bị nén. Do đó 5 vấn đề TP cần làm là rà soát quy hoạch về phân vùng và sử dụng đất, có DN và nhà khoa học tham gia; Công khai quy hoạch, kế hoạch các dự án; Đẩy mạnh hợp tác công tư tạo nguồn vốn cho TP phát triển; Đẩy mạnh hoàn thiện và nâng cao môi trường đầu tư, phải coi sự hài lòng của người dân và DN làm thước đo hiệu quả công việc; Sẵn sàng về quỹ đất cho các nhà đầu tư và công nghiệp dịch vụ. Mục tiêu của TP đến tháng 11.2017, quy hoạch về sử dụng đất phải đưa lên mạng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.