‘Nóng' phiên xử phúc thẩm tác quyền bộ truyện tranh 'Thần đồng đất Việt'

Lê Công Sơn
Lê Công Sơn
16/07/2019 14:28 GMT+7

Sáng 16.7 tại trụ sở TAND TP.HCM, phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ kiện về quyền tác giả của bộ truyện tranh Thần đồng đất Việt đã diễn ra với những tranh cãi khá gay gắt giữa các bên.

Vụ tranh chấp tác quyền Thần đồng đất Việt từng được TAND Q.1 (TP.HCM) tuyên bản án sơ thẩm vào ngày 18.2. Theo đó, TAND Q.1 công nhận họa sĩ Lê Phong Linh (Lê Linh) là tác giả duy nhất của bộ truyện tranh Thần đồng đất Việt, đồng thời chấp nhận yêu cầu của ông Lê Linh về việc buộc Công ty Phan Thị phải chấm dứt việc tạo ra và sử dụng những biến thể khác nhau của những hình tượng do ông Linh sáng tạo.

Nguyên đơn và bị đơn nói gì về vụ tranh chấp "Thần đồng Đất Việt"?

Chủ tọa Phùng Quang Hải (giữa) cùng hai thẩm phán trong HĐXX

Luật sư Nguyễn Vân Nam đưa ra nhiều chứng cứ tại tòa phúc thẩm

Ngoài ra, bản án còn buộc Công ty Phan Thị xin lỗi ông Linh công khai trên hai báo Thanh NiênTuổi Trẻ trong 3 số liên tiếp. Về phần chi phí dịch vụ luật sư mà ông Linh phải bỏ ra để tham gia vụ kiện, Hội đồng xét xử (HĐXX) cho rằng ông Linh khởi kiện Công ty Phan Thị và bà Phan Thị Mỹ Hạnh, trong đó phần thuê luật sư đối với việc kiện Công ty Phan Thị là 15 triệu đồng nên buộc bị đơn phải thanh toán chi phí dịch vụ này cho nguyên đơn.
Các bên tranh chấp đều không có sự thỏa thuận 
Thành phần HĐXX phiên phúc thẩm sáng nay: chủ tọa phiên tòa là thẩm phán Phùng Quang Hải, cùng hai hội thẩm Đỗ Thị Hòa và Trần Thị Kim Quy. Đại diện Viện Kiểm sát TP.HCM giữ quyền công tố là bà Nguyễn Thị Diễm.
Sau khi tiến hành các thủ tục theo luật định, chủ tọa phiên tòa tóm tắt lại nội dung bản án sơ thẩm đã tuyên để hai bên nguyên đơn và bị đơn cùng nghe và các bên đều khẳng định đúng với nội dung bản án sơ thẩm đã được nhận và đọc. Tòa cũng đề nghị và ghi nhận nếu có sự thương lượng hòa giải của hai bên nhưng các bên tranh chấp đều không có sự thỏa thuận nào nên phiên xử tiến hành bình thường.
Đại diện cho Công ty  Phan Thị và Giám đốc - bà Phan Thị Mỹ Hạnh, GS-TS Luật Nguyễn Vân Nam nêu ra 8 lý do để kháng cáo. Luật sư Vân Nam cho rằng: HĐXX sơ thẩm đã có những vi phạm nghiêm trọng không chỉ về thủ tục tố tụng, mà còn vi phạm cả những nguyên tắc căn bản của pháp luật trong xét xử, gồm: Tiến hành xét xử không đúng thẩm quyền; Không triệu tập người có quyền nghĩa vụ liên quan, không thực hiện đúng thủ tục công bố tài liệu, chứng cứ do người có quyền nghĩa vụ liên quan vắng mặt tại tòa; Tùy tiện áp dụng điều ước quốc tế; Vi phạm nguyên tắc mọi người đều bình đẳng trước pháp luật; Vi phạm nguyên tắc xác lập và thực thi quyền dân sự; Tạo tiền lệ nguy hiểm vô hiệu hóa điều luật bằng một bản án của tòa án cấp quận; Không vô tư khách quan mà thiên vị nguyên đơn và bảo vệ nguyên đơn; Buộc công ty Phan Thị xin lỗi vì hành vi không phải là hành vi xâm phạm quyền tác giả luật định.

Luật sư Trương Thị Thu Hồng trả lời các câu hỏi của bên bị đơn

Tuy nhiên ông Lê Linh và luật sư Trương Thị Thu Hồng thì cho rằng trong vụ án này, nguyên đơn đã chứng minh được hình thức thể hiện các nhân vật “Trạng Tí”, “Sửu ẹo”, “Dần béo” và “Cả mẹo” là do chính nguyên đơn vẽ từ bản phác thảo gốc đầu tiên cho đến khi chúng được định hình trong các tập truyện Thần đồng đất Việt từ tập 1 đến tập 78. Chứng cứ chứng minh là các bản phác họa gốc đã đăng ký bản quyền tác giả và trên trang bìa của mỗi quyển truyện từ tập 1 đến tập 6 đều ghi: Viết lời và minh họa: Lê Linh. Từ tập 7 đến tập 78 ghi: Truyện và tranh: Lê Linh. Đặc biệt trong tập 24, phần phụ lục ghi nhận quá trình thực hiện bộ truyện tranh Thần đồng đất Việt: Bà Hạnh chỉ đạo trực tiếp; họa sĩ Lê Linh tính toán phần soạn kịch bản, phác họa sơ bộ và giai đoạn lột tả đều do họa sĩ Lê Linh trực tiếp thực hiện; bà Hạnh và ông Bá Hiền chỉ góp ý, sửa đổi nếu có. Đồng thời trong tập 37, trên trang bìa cuối in bài và ảnh ông Lê Phong Linh có nội dung “Đôi nét về tác giả Lê Linh” đã ghi nhận Lê Linh nghiên cứu sáng tạo các nhân vật, chọn tích trạng, soạn kịch bản, bố cục, phác thảo, lên kế hoạch sáng tác, … để cho ra đời bộ truyện tranh Thần đồng đất Việt.
Tại phiên tòa phúc thẩm, phía bị đơn đại diện bà Phan Thị Mỹ Hạnh, cũng trình bày hình ảnh 4 nhân vật “Trạng Tí”, “Sửu ẹo”, “Dần béo” và “Cả mẹo” được định hình rõ trong trí óc của bà Hạnh, nhưng do không phải là họa sĩ nên bà Hạnh đã thuê các họa sĩ trong đó có ông Linh, giúp bà thể hiện các nhân vật này ra thế giới vật chất. Bà Hạnh đích thân chỉ đạo, phân công nhiệm vụ cụ thể, kiểm soát chặt chẽ, cầm tay chỉ vẽ để đảm bảo các nhân vật trên phải hoàn toàn trùng khớp với tác phẩm trong thế giới tinh thần của bà Hạnh.

Phiên tòa thu hút sự quan tâm rất lớn của dư luận

Luật sư Nguyễn Vân Nam bức xúc về việc tòa sơ thẩm, cụ thể là thẩm phán Nguyễn Quang Huynh đã không triệu tập  đại diện Cục Bản quyền tác giả tham gia tố tụng với tư cách người có quyền, nghĩa vụ liên quan. "Có lẽ do tầm quan trọng đặc biệt của giấy chứng nhận của Cục Bản quyền tác giả đối với nghĩa vụ chứng minh của nguyên đơn; do ý kiến chính thức của Cục Bản quyền tác giả khác với ý kiến của thẩm phán chủ tọa phiên tòa sơ thẩm, nên thẩm phán Huynh đã cố tình không triệu tập đại diện Cục Bản quyền tác giả tham gia tố tụng, bất chấp TAND Q.1 trước đó đã có thông báo số 28/CV-TAQ1", ông Nam nói. 
Phiên tòa phúc thẩm tranh chấp  tác quyền Thần đồng đất Việt diễn ra phần hỏi đáp với nhiều tranh cãi gay gắt, căng thẳng giữa hai bên…
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.