Nộp tiền cũng... mất tiền!?

16/06/2014 09:00 GMT+7

Theo dự thảo Quy định phí dịch vụ tiền mặt của Ngân hàng Nhà nước, khách hàng nộp tiền hay rút tiền mặt từ tài khoản thanh toán ở ngân hàng sẽ phải nộp phí. Dự kiến quy định này sẽ được áp dụng ngay trong năm 2014.

Theo dự thảo Quy định phí dịch vụ tiền mặt của Ngân hàng Nhà nước, khách hàng nộp tiền hay rút tiền mặt từ tài khoản thanh toán ở ngân hàng sẽ phải nộp phí. Dự kiến quy định này sẽ được áp dụng ngay trong năm 2014.

 
Nhiều khách hàng đang lo lắng sẽ bị tính phí khi nộp tiền vào tài khoản ngân hàng - Ảnh: D.Đ.M

Không cần thiết

TS Nguyễn Văn Thuận, Trưởng khoa Tài chính ngân hàng (Trường ĐH Mở TP.HCM), cho rằng nếu áp dụng cho tất cả các đối tượng khách hàng thì sẽ không phù hợp cho những khách hàng giao dịch nhỏ lẻ, đặc biệt là người lao động có thu nhập thấp như công nhân, sinh viên. “Hiện nhiều công ty đã chi trả lương qua tài khoản ngân hàng (NH). Khi việc rút tiền qua ATM bị tính phí thì nhiều người đã ra NH để rút tiền, tiết kiệm được phí này để chi tiêu hằng ngày. Nay nếu tính phí nữa thì đời sống người lao động càng khó khăn. Còn đối với những giao dịch lớn thì chúng ta cũng đã có quy định về việc phải bắt buộc thanh toán qua NH nên quy định này cũng không cần thiết”, TS Nguyễn Văn Thuận nói.

 

Nguồn vốn lớn

Số dư trên tài khoản là một nguồn vốn lớn mà các NH có thể tận dụng được để khai thác, đầu tư vào nền kinh tế. Đến cuối năm 2013, số dư của hơn 46,8 triệu tài khoản thanh toán tại các NH lên trên 115.000 tỉ đồng.

Còn chuyên gia kinh tế Huỳnh Bửu Sơn phân tích, trong khi Chính phủ khuyến khích người dân mở tài khoản ở NH để sử dụng các dịch vụ thanh toán, chi trả, nếu thu phí nộp tiền vào tài khoản sẽ khiến một bộ phận người dân cất giữ tiền mặt ở nhà. “Có nộp tiền vào tài khoản thì người dân mới có thể sử dụng được các dịch vụ thanh toán, chuyển khoản qua NH. Nếu tính phí thì nhiều người sẽ không thực hiện nộp tiền vào tài khoản NH nữa. Như vậy lại không khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ NH như chúng ta đang thực hiện”, chuyên gia này nói. Hơn nữa, theo các chuyên gia, từ trước đến nay các NH không thu phí rút tiền mặt cũng là nhằm khuyến khích người dân mở tài khoản NH.

Cần phát triển hạ tầng thanh toán

 

Không nên ép người dân mà phải tạo điều kiện sử dụng thẻ thuận tiện thì chắc chắn không ai muốn mang theo tiền mặt để phải gánh chịu nhiều rủi ro, nhất là điều đó gây nên sự mất an toàn trong cuộc sống cho chính bản thân họ

TS Nguyễn Văn Thuận
Trưởng khoa Tài chính ngân hàng, Trường ĐH Mở TP.HCM

Theo số liệu của Vụ Thanh toán (NH Nhà nước), tính đến cuối tháng 3.2014, toàn hệ thống NH đã có trên 15.500 máy ATM và hơn 137.700 máy quẹt thẻ POS/EDC được lắp đặt trên toàn quốc, tăng lần lượt 8,4% và 31,7% so với cuối năm 2012. Vụ Thanh toán đánh giá, nhờ việc sử dụng thẻ thanh toán qua máy POS ngày càng phổ biến ở các TP lớn, nên trong năm 2013 số lượng và giá trị giao dịch qua POS có sự tăng trưởng khá cao với trên 28 triệu giao dịch và trên 120.700 tỉ đồng, tăng lần lượt 34% và 26% so với năm 2012.

Như vậy, việc khuyến khích và hướng đến nền kinh tế không sử dụng tiền mặt quan trọng nhất là phải phát triển đủ và rộng hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt, mà cụ thể là máy POS. Nhưng hiện tỷ lệ máy POS tính trên đầu người ở Việt Nam vẫn còn quá thấp, mới chỉ khoảng 1,5 POS/1.000 người trong khi các nước phát triển ở khu vực châu Á đạt mức trung bình 50 POS/1.000 người.

TS Nguyễn Văn Thuận nhận xét, trong khi hầu hết các NH vẫn chạy đua phát hành các loại thẻ thanh toán thì các điểm chấp nhận thẻ lại lẹt đẹt theo sau. Dẫn đến việc nhiều người có thẻ thanh toán nhưng không thể sử dụng được ở mọi nơi mọi chỗ nên vẫn phải chi trả bằng tiền mặt. “Không nên ép người dân mà phải tạo điều kiện sử dụng thẻ thuận tiện thì chắc chắn không ai muốn mang theo tiền mặt để phải gánh chịu nhiều rủi ro, nhất là điều đó gây nên sự mất an toàn trong cuộc sống cho chính bản thân họ”, TS Thuận nói.

Dự thảo quy định: Khi nộp, rút tiền mặt qua tài khoản thanh toán tại NH Nhà nước khách hàng phải chịu mức phí là 0,005% trên tổng giá trị tiền mặt nộp hoặc rút. Đồng thời tổ chức tín dụng được quyền ấn định mức phí nộp tiền mặt khách hàng của mình nhưng không vượt quá 0,03% tổng giá trị tiền mặt nộp vào tài khoản thanh toán và được quyền ấn định mức phí rút tiền mặt đối với khách hàng của mình nhưng không vượt quá 0,05% tổng giá trị tiền mặt rút ra từ tài khoản thanh toán.

Mai Phương

>> Vietcombank thu phí rút tiền ATM 1.100 đồng/giao dịch
>> 10 ngân hàng thu phí rút tiền nội mạng 1.000 đồng
>> ATM “đơ”, khách hàng bức xúc
>> Ăn cắp tiền siêu hạng từ ATM
>> Yêu cầu đảm bảo chất lượng dịch vụ ATM 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.