NPH game di động nước ngoài phải làm gì tại thị trường VN?

23/07/2014 11:00 GMT+7

Trang tin thị trường game SYQNR tại Trung Quốc đã có những nhận định về thị trường game di động Việt Nam, qua đó nêu lên những điều quan trọng mà một NPH cần nắm rõ nếu muốn thành công.

* Đây là nhận định thị trường Việt Nam từ góc độ nhà phát hành Trung Quốc

Theo nhận định của SYQNR, thị trường điện thoại thông minh phức tạp và rời rạc của Việt Nam là một thách thức lớn đối với các nhà sản xuất game Trung Quốc, khi 60-90% người dùng đều sử dụng jailbreak hoặc phần mềm thứ ba can thiệp vào điện thoại. Tuy nhiên, họ cũng nhận ra, đây chính là cơ hội để các nhà sản xuất game di động Trung Quốc có những thay đổi trong thiết kế.

Dưới đây là những lưu ý mà trang này kiến nghị khi các nhà phát hành Trung Quốc muốn đưa sản phẩm vào thị trường Việt Nam:

1. Miễn phí là xu hướng

Những game miễn phí tích hợp tính năng In-App Purchase có doanh thu gấp 10 lần game thu phí. Số liệu về doanh thu trên App Store là một minh chứng rõ ràng. Cũng giống như các thị trường khác, sự quan tâm đến các ứng dụng thu phí tại thị trường ứng dụng điện thoại thông minh ở Việt Nam còn khá thấp. Theo số liệu của công ty Appota, doanh thu của các ứng dụng thu phí chỉ khoảng 3-5% và còn có khuynh hướng giảm. Do đó, yếu tố đầu tiên là các nhà sản xuất Trung Quốc nên đẩy mạnh phát triển các game di động miễn phí.

Những gì miễn phí luôn được cộng đồng đón nhận.

2. Hoàn thiện công cụ hỗ trợ

Ngoài việc liên kết với các thẻ thanh toán nước ngoài, phần lớn người dùng Việt Nam sử dụng các phương thức thanh toán khác như qua tin nhắn SMS, thẻ cào, ví điện tử, Internet banking... Trong đó, phương thức thanh toán thường sử dụng nhất là tin nhắn SMS, nhưng đối với nhà phát hành đây là cách ít lợi nhuận nhất, vì phải chia doanh thu với nhà mạng.

Điều cần làm ở đây là phải quy hoạch lại hình thức thanh toán, SMS chỉ dùng để thanh toán mệnh giá thấp, thẻ cào dùng thanh toán các mệnh giá cao để giảm thiểu việc "thất thoát lợi nhuận".

3. Kết hợp mạng xã hội hiệu quả

Facebook vẫn là mạng xã hội thường được sử dụng nhất tại Việt Nam. Do đó, khi phát hành sản phẩm game tại Việt Nam, chỉ cần truyền thông trên Facebook là đủ, thành lập các fanpage, hội nhóm để kết nạp người chơi. Thói quen của người dùng Việt Nam là trò chuyện khi chơi game, do đó nên tập trung chủ yếu vào việc giao lưu với người chơi, cung cấp cho họ những thông tin hữu ích và giá trị, từ đó có thể cho phép người chơi đăng nhập bằng tài khoản mạng xã hội. 

Mở rộng tài khoản đăng nhập game từ tài khoản mạng xã hội.

4. Bản địa hóa (Việt hóa)

Phần lớn các phiên bản game đều có bản tiếng Anh nhưng việc bản địa hóa sang tiếng Việt các sản phẩm cũng sẽ dễ gây thiện cảm hơn với người dùng. Việc này không tốn nhiều thời gian và khá đơn giản. Một game khoảng 10.000 từ có thể Việt hóa trong khoảng 2 tuần. Vì vậy, Việt hóa game sẽ giúp nhà phát hành tiếp cận gần hơn đến người chơi Việt Nam.

5. Chọn kênh phát hành chính xác

Các kênh phát hành tại thị trường Việt Nam phân mảnh và phức tạp. Nếu có thể hợp tác với các Store (kho ứng dụng) thì nhà sản xuất sẽ có thêm cơ hội đưa sản phẩm tiếp cận người dùng. Tuy nhiên, iTunes và Google Play không thể cạnh tranh lại các kênh phân phối khác tại thị trường Việt Nam. Hiện tại, kho ứng dụng lớn nhất tại thị trường Việt Nam là AppStore.vn, liên kết với những kho ứng dụng này cũng là một cách để giúp nhà sản xuất Trung Quốc tiếp cận người dùng Việt Nam.

6. Hợp tác quảng bá trên các wapsite

Đối với những khách hàng dùng điện thoại Android dòng thấp thì kênh quảng cáo trên các trình duyệt WAP là rất quan trọng. Mỗi ngày có hàng ngàn quảng cáo đơn giản được đưa lên các trang wap, thu lại hiệu quả cao.

7. Chọn hình thức quảng cáo CPA (Cost per Action)

Phương thức quảng cáo qua tin nhắn đã không còn mới mẻ nữa. Hiện tại các doanh nghiệp thường dùng phương pháp quảng cáo như CPI (Cost per Impression - chi phí lượt hiển thị) và CPA (Cost per Action - chi phí để đổi lại một hoạt động của người xem, như đăng ký hoặc click vào link). Tại thị trường Việt Nam hiện nay, nhà phát hành Trung Quốc có thể hợp tác với các công ty quảng cáo như Golden Sun, Appota...

Liệu đây có phải là cơ hội để các nhà phát hành game Việt Nam mang về những sản phẩm chất lượng cho game thủ hay đây là cách mà các nhà phát hành Trung Quốc đặt chân vào thị trường Việt Nam?

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.