NSND Diệp Lang - Nghèo mà rộn tiếng cười

12/06/2005 21:39 GMT+7

Người ta thường nghĩ hễ cứ là nghệ sĩ thì lãng mạn, đổi thay. Nhưng không phải vậy, vẫn có những nghệ sĩ sống nghiêm túc, chung tình đến lạ! Và có những mối tình nồng thắm trong cảnh khó khăn, lận đận, cùng dìu nhau đi hết kiếp con tằm...

Căn hộ nhỏ trong một chung cư khá chật hẹp và ồn ào bởi tiếng xe cộ suốt ngày đêm. Căn hộ ấy vẫn chưa hóa giá xong, vì chủ hộ không đủ tiền để trả. Suốt mấy chục năm đi hát, chỉ tận tụy với nghề. Lúc nào hơi... có tiền một chút lại lên cơn bệnh nặng, phải vô nhà thương vài tháng. Nào bệnh tim, nào phù động mạch, có lúc hai mắt tự dưng chẳng thấy gì... Thật không tưởng tượng được đó là gia cảnh của một nghệ sĩ nhân dân!

Đúng là NSND Diệp Lang. Chưa bao giờ nghe ông than thở, chỉ khi đến nhà mới biết ông sống như thế. Nhưng, cũng chỉ khi đến nhà mới thấy hạnh phúc tràn đầy của ông. Thật ra bây giờ, hai đứa con đã lớn, ông nhẹ gánh phần nào. Dẫu vậy, suốt mấy chục năm, gánh nặng ấy hình như nhẹ hẫng bởi tiếng cười vui của vợ con đoàn tụ. Chỉ cần mở cửa, đã nghe giọng nói giòn tan yêu đời của bà Thu Phong, từng là hoa khôi của Trường Trung học Gia Long ngày xưa. Hoa khôi bây giờ béo ra, nhưng chẳng sợ xấu, chẳng thèm ăn kiêng, cứ hồn nhiên sống, hồn nhiên cười. Bà mê làm từ thiện, mê cảnh chùa chiền, có chút xíu tiền trong tay mà nghe trẻ em nghèo đi học, hoặc người bệnh, neo đơn... là trút hết ra. Xong hớn hở đi về, mặt sáng ngời phúc hậu. Ngày mai ổng đi diễn nữa, nhà lại có gạo ăn, đủ rồi. Diệp Lang mỉm cười nhìn hoa khôi của mình. Ừ, thì bà cứ giúp người ta, tui sẵn sàng.

Ngày xưa, ông vốn người Sa Đéc theo cha lên Sài Gòn đi hát. Cha chết, ông một mình lưu lạc cùng các gánh, sống kiếp giang hồ rày đây mai đó. Khi chia tay với người vợ đầu tiên là nghệ sĩ tài danh Phượng Liên, ông về sống với Hà Triều (vì Hoa Phượng đã có vợ). Sau 1975, thấy nhà chật quá, ông ra tá túc tại rạp Hưng Đạo, rất thiếu thốn. Một hôm, đang tập tuồng cho đoàn Sài Gòn 2, ông thấy hai cô soát vé. Ông hỏi bạn, họ nói, cô Thu Phong, con của nghệ sĩ nổi tiếng Tô Huệ từng đóng đào chánh ở gánh Mộng Vân chung với kép Năm Nghĩa (cha của NSƯT Bảo Quốc). Ông lắc đầu, con gái mà tên Phong, xấu hoắc. Nhưng không ngờ, cái cô mà ông chê đó hôm sau lại lân la bắt chuyện với ông. Rồi ngày nào tập tuồng cũng nói chuyện với nhau. Ông phát hiện, thì ra cô rất đẹp, vóc dáng mi- nhon vô cùng. Quan trọng nhất là cô có tính dễ thương, nhân hậu, nói chuyện hay làm cho người ta tin cậy mà thổ lộ tâm can. Tánh Diệp Lang hơi khép kín, ưu tư, nhưng gặp Thu Phong bỗng cởi mở hẳn ra, trút tâm sự về quê hương Sa Đéc, rồi khoe con gái đồng bằng... Thế là, yêu nhau hồi nào không biết!

Hai năm sau, đoàn cải lương tổ chức đám cưới cho hai người. Ban đầu, gia đình bà Thu Phong phản đối, bởi cha của bà không thích nghệ thuật, nên mới gửi con gái vô trường Tây ăn học. Bà được giáo dục theo phong cách Pháp, học văn khoa, mê nhạc Pháp, không biết tí gì về cải lương. Lúc giải phóng, bà hoang mang, nghỉ văn khoa, xin với cậu cho vô đoàn làm nhân viên soát vé. Thành ra mới duyên nợ buộc ràng. Cuối cùng, ông lại thương con rể quá chừng! Ngày cưới, đúng hơn là lễ tuyên bố, cả đoàn Sài Gòn 2 lo hết, nhưng mỗi người khách chỉ có... một cái bánh bao và bánh ngọt. Thời bao cấp được vậy đã mừng. Đôi vợ chồng dắt nhau về căn hộ tập thể, bắt đầu một cuộc chiến đấu để giữ gìn hạnh phúc.

Bà Thu Phong cười: "Hồi đó ăn độn suốt tháng, nào khoai lang, nào bo bo... Rồi tôi có bầu, ổng đi hát hoài, tôi tự xách nước lên lầu 2, té hư thai. Rồi lúc ổng làm cố vấn nghệ thuật cho đoàn 284, tối ngày tập tuồng cho anh em, về nhà còn sửa tuồng cả đêm, riết hai con mắt mờ luôn, phải vô bệnh viện. Có lần vì muốn yên tĩnh để sửa tuồng Tô Ánh Nguyệt, ổng dụ mẹ con tôi về nhà ngoại chơi. Ừ, thì đi, cũng... đỡ cơm mấy bữa. Ổng trút hết tâm lực cho sân khấu, tôi đâu có trách ổng, mà còn thương hơn". Đến lượt bà, mon men bước vào sân khấu cải lương, và tiếp ông sửa tuồng nữa mới đáng nể. Những lúc ông nghĩ không ra tình tiết hoặc tâm lý nhân vật, ông nhăn mày bóp trán, đem hỏi bà, bà khẽ khàng góp ý. Ông vui mừng ghi ngay vào sổ. Cô sinh viên nói tiếng Pháp như gió bây giờ lại mê xang hò xê cống...

Hỏi bà không buồn vì cảnh nghèo hay sao? Bà cười giòn: "Người ta giàu người ta thong thả, mình nghèo mình cũng thong thả vậy. Biết đủ là đủ mà. Bon chen làm chi. Chỉ vái trời cho ổng đừng bệnh thôi, chớ lai rai như thế này sống đã vui rồi". Còn Diệp Lang nói về vợ: "Bả được cái là không đua đòi, có bao nhiêu xài bấy nhiêu, chớ không nhìn ra đời rồi đòi hỏi chồng phải cung cấp. Một hậu phương như vậy là động lực lớn cho người đàn ông chăm lo sự nghiệp".

Bà lại lăng xăng vào bếp, nấu món này món kia cho chồng con, rồi cùng xem chồng con diễn kịch. Cậu con trai út đang học Trường Sân khấu TP.HCM, tập sự nhiều vai tại Sân khấu kịch Phú Nhuận, khá duyên dáng. Cuộc đời cứ trôi... và Diệp Lang đã nhận lại nhiều thứ sau khi ông đã cho đi tất cả. Năm ngoái, ông được các bệnh viện và mạnh thường quân hỗ trợ hơn 60 triệu đồng để phẫu thuật tim bằng phương pháp tiên tiến. Thế là, ông tiếp tục sống, hết lòng cho nghệ thuật và khán giả.

(Còn tiếp)

Hoàng Kim

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.