NSND Phùng Há - cây đại thụ cải lương vĩnh viễn ra đi

05/07/2009 18:31 GMT+7

NSND Phùng Há vừa mất lúc 23 giờ 50 ngày 4.7.2009, thọ 99 tuổi. Cái tin làm bàng hoàng khán giả và đồng nghiệp, bởi chỉ còn một năm nữa thôi là mọi người sẽ làm lễ kỷ niệm sinh nhật 100 tuổi của bà... Mời nghe đọc bài

Thật ra bà đã vượt qua không biết bao nhiêu lần thập tử nhất sinh vì chứng bệnh tim. Lần nào mọi người cũng đau xót vì tưởng bà sẽ ra đi, nhưng không ngờ bà lại bình phục như một điều kỳ diệu. Có lần tôi hỏi bà tại sao vậy, bà cười: “Thì khỏe lại để đi cứu trợ chứ con!”.

Cô bé mồ côi thành đào hát nổi danh

NSND Phùng Há tên thật là Trương Phụng Hảo, sinh ngày 30.4.1911 tại Mỹ Tho. Cha của bà là người Hoa sang Việt Nam buôn bán, cưới vợ xứ Mỹ Tho, sinh được 7 người con. Sau khi cha mất, người anh cả đem gia đình về Trung Quốc. Mấy người chị có chồng tại đó, người em út thì chết vì bệnh đậu mùa, bà mẹ buồn rầu dẫn Phụng Hảo đang 10 tuổi trở lại Việt Nam. Trên tàu, suýt nữa Phụng Hảo bị thuyền trưởng người Pháp quăng xuống biển vì ông ta thấy những nốt đỏ trên mặt cô bé, sợ lây bệnh cho mọi người. Bà mẹ khóc lóc van xin, ông ta thương tình tha cho.

Về tới quê nhà thì toàn bộ gia sản đã bị ông chú chiếm đoạt, hai mẹ con nương tựa trong túp lều xiêu vẹo của bà ngoại mù lòa. Bà mẹ vắt kiệt sức mình trong tiệm thêu để lo cho con ăn học. Một người bạn đã giúp đỡ để Phụng Hảo được vào trường tiểu học Pháp tại Mỹ Tho. Một hôm, cô giáo cho phép Phụng Hảo hát trong lớp học để các bạn cùng nghe, không ngờ lớp học sát đường đi, mọi người nghe tiếng hát hay quá xúm lại, ông chánh thanh tra đi ngang, cho rằng làm mất trật tự, và đuổi học Phụng Hảo. Thế là cô bé phải vô làm công trong lò gạch để nuôi mẹ đã bị bệnh vì lao lực.

NSND Phùng Há trong vai Lữ Bố (vở Phụng Nghi Đình)
NSND Phùng Há trong vai Lữ Bố (vở Phụng Nghi Đình) - Ảnh tư liệu

Những vở diễn nổi bật trong sự nghiệp của NSND Phùng Há: Hoàng Phi Hổ Quy Châu, Thôi Tử Thí Tề Quân, Anh Hùng Náo Tam Môn Nhai, Oan vô lượng; Tôi của Ai, Phụng Nghi Đình... Bà không chỉ là nghệ sĩ giỏi nghề mà còn có công đào tạo nhiều thế hệ nghệ sĩ trẻ, nên nghệ sĩ âu yếm gọi bà là “má Bảy” để tri ân!

Linh cữu NSND Phùng Há được quàn tại Nhà tang lễ TP.HCM (25 Lê Quý Đôn, Q.3) từ 18 giờ ngày 5.7. Đến 10 giờ ngày 8.7, linh cữu sẽ được đưa về quàn tại chùa Nghệ sĩ (116/6 Thống Nhất, P.11, Gò Vấp). Động quan lúc 8 giờ ngày 10.7. An táng tại Nghĩa trang Nghệ sĩ.

Trong lò gạch, Phụng Hảo lại cất tiếng hát khiến chị em công nhân vui vẻ. Và tiếng lành đồn tới tai ông bầu gánh cải lương Tái Đồng Ban, ông mời Phụng Hảo về hát. Từ đó, bà có nghệ danh Phùng Há, vì đó là cách phát âm Phụng Hảo theo tiếng Quảng Đông mà mẹ thường âu yếm gọi bà. Sau, Bạch Công tử lẫy lừng ở Mỹ Tho say mê bà, lập gánh Huỳnh Kỳ cho bà quản lý, bà làm vợ ông, có hai người con. Bạch Công tử ăn chơi, hút xách, gánh hát nợ nần tan rã, hai đứa con chết khi còn rất nhỏ, bà buồn rầu chia tay ông. Rồi bà làm vợ nghệ sĩ Tư Chơi, có cô con gái tên Bửu Chánh, học hành giỏi giang, thông thạo 4 ngoại ngữ, nhưng cô cũng qua đời khi mới 33 tuổi. Từ đó, bà dốc hết tâm sức cho công việc từ thiện, không màng gì đến chuyện tình duyên.

Bà lập gánh Phụng Hảo nổi tiếng một thời, và còn cộng tác với gánh của NSND Năm Châu. Sau giải phóng, bà tham gia đoàn Sài Gòn 1, cùng với NSND Ba Vân và NSND Năm Châu dựng vở Đời cô Lựu, bà đóng vai nữ chính bên cạnh Út Trà Ôn, Hoàng Giang, Trường Xuân...

Trái tim đầy ắp yêu thương

Tôi cũng có dịp đi theo bà phát quà cho dân nghèo, xuống tới nơi mấy anh nghệ sĩ ẵm bà xuống xe, trông bà nhỏ xíu dễ thương như... em bé. Mọi người không chỉ kính trọng bà, mà còn “cưng” bà nữa. Cái tiếng “cưng” của miền Nam mới thể hiện hết ý nghĩa của tình cảm. Nó không chỉ là thương yêu, mà còn là sự gần gũi, chăm chút, không phân ranh giới lớn nhỏ. Người lớn cưng người nhỏ, nhưng người nhỏ cũng cưng người lớn được vậy! Cho nên thấy bà nằm gọn trong vòng tay con cháu, tôi muốn rơi nước mắt. Mấy năm sau, má tôi già yếu, anh em tôi cũng ẵm má như vậy, cho nên tôi càng thấm thía niềm hạnh phúc của má Bảy Phùng Há khi con cháu vây quanh chăm chút. Tôi đùa với má Bảy: “Má nhõng nhẽo quá hà!”. Thế là bà cười, thật sung sướng...

Nhưng sự chăm chút của con cháu có thấm gì so với công lao của bà gần như cả đời đã lo lắng cho mọi người. Nghĩa trang Nghệ sĩ và Khu dưỡng lão nghệ sĩ đều có công lao rất lớn của bà. Còn những chuyến cứu trợ dân nghèo thì đếm không xuể. Bà không chỉ tổ chức tặng quà, mà còn cất công đi xuống tận nơi, không quản đường xa, mưa nắng, hay ổ gà ổ voi trên đường. Những vùng sâu vùng xa đường sá đâu được tốt, xe cứ nhồi lên nhồi xuống, vậy mà bà vẫn nhất quyết đi theo đoàn, dù đã hơn 90 tuổi. Mà lạ, trái tim yếu ớt của bà khi ở nhà thì lo...  cấp cứu, mà đi như vậy lại khỏe re. Ai cũng nói phước đức của bà rất lớn nên trời đất cho bà sống thọ đến vậy. Vừa thọ, vừa đẹp, vừa tài danh, sang trọng, là nỗi ước ao của biết bao người trong kiếp nhân sinh. Có khi người ta muốn một điều mà không được, đằng này bà có cả bốn điều, rõ ràng là đại phúc!

Nhưng rồi cũng đến ngày bà giã từ chúng ta. Trái tim ấy đã đầy ắp yêu thương, giờ nó đập một nhịp cuối cùng như một lời nhắn nhủ, hãy trân trọng nghề nghiệp, trân trọng khán giả, yêu quý tất cả những gì quanh ta, tận tâm đến giây phút sau cùng. Vâng, sống được một cuộc đời như má Bảy không phải dễ dàng.

Hoàng Kim

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.