NSƯT Diệu Hiền: Nhụy Kiều tướng quân

03/06/2007 23:17 GMT+7

Khoảng đầu thập niên 80 thế kỷ trước, khán giả bỗng mê mẩn một vở cải lương mà trong đó không có cô đào đẹp nào như lệ thường, mà thay vào đó lại là một cô đào võ cứng rắn, nghiêm trang. Đó là vở Nhụy Kiều tướng quân với Diệu Hiền trong vai nữ tướng (cùng với kép Hoài Thanh vai tướng quân Lê Minh). Tối hôm nay 4.6, tại Nhà hát TP.HCM, Nhụy Kiều tướng quân - Diệu Hiền sẽ tái ngộ khán giả trong liveshow kỷ niệm hơn 40 năm đi hát của mình.

Năm ấy Diệu Hiền 36 tuổi, đang ở đoàn cải lương Tháp Mười. Vốn có khí chất nam nhi, giọng ca của Diệu Hiền mạnh mẽ, hùng hồn, nên đạo diễn cứ giao cho chị những vai nữ tướng. Diệu Hiền kể: "Hồi nhỏ tôi tụ tập đám bạn trong làng bắt chước đóng cải lương, nhưng không bao giờ tôi đóng vai con gái, mà toàn lựa vai con trai.

Thí dụ, tôi đóng Phạm Công, Thạch Sanh, Sầm Thương... còn đứa nào đóng Cúc Hoa, công chúa thì kệ nó. Tôi cũng thích chơi với bạn trai hơn bạn gái, mà cũng lựa mấy món đồ chơi của con trai như đao, kiếm, súng, xe hơi... chứ không thèm rớ tới búp bê, nồi chảo đồ hàng. Nói thiệt, bây giờ 63 tuổi rồi tôi cũng chưa biết... nấu cơm!". Vậy còn 5 đứa con của chị, ai chăm sóc chúng? "Thì má tôi và mấy đứa em. Tôi đi hát kiếm tiền gửãi về nhà cho gia đình". Cả đời phụng sự nghệ thuật cải lương, nên soạn giả Viễn Châu đã tặng Diệu Hiền một bài vọng cổ có tên Một đời gạo chợ nước sông.

NSƯT Diệu Hiền

Với vai Nhụy Kiều tướng quân Triệu Thị Trinh, Diệu Hiền đã làm người ta khóc. Trong bộ áo giáp mạnh mẽ lại chứa đựng một trái tim tha thiết dường ấy, mềm mại dường ấy. Nữ tính được giấu kín trong vẻ cứng rắn, và bộc lộ tuyệt vời qua mấy câu vọng cổ xoáy vào lòng người. Có hai lớp diễn tuyệt đẹp, một lần Triệu Thị Trinh tiễn Lê Minh vào trận chiến, làm nội gián trong hàng ngũ quân giặc, là coi như hy sinh người bạn thâm tình, lấy chén rượu tế sống người dũng tướng xả thân vì nước. Đâu đó phảng phất một tình yêu giữa đôi trai gái tài ba, nhưng họ đã biết giấu đi để hoàn thành việc lớn. Chính vì vậy trong từng câu từng chữ tiễn đưa nhau có cái ngập ngừng bối rối, và có cái tha thiết nghẹn ngào của một lần vĩnh biệt người thương.

Lớp diễn thứ hai, khi Lê Minh bị giặc phát hiện làm nội gián và giết chết, thì Triệu Thị Trinh xông pha giữa xác người ngổn ngang nơi chiến trận, đến nơi chỉ còn kịp vuốt mắt cho anh lần cuối. Đất nước đã hòa bình, nhưng mất đi người dũng tướng. Triệu Thị Trinh lạy Lê Minh ba lạy, vừa ca câu vọng cổ còn đẹp hơn cả lớp diễn trước. Khán giả chảy nước mắt trong cảm xúc hào hùng, bi tráng. Chỉ cần một lớp diễn thôi, đủ thấy cái khốc liệt và tình người trong chiến tranh. Đó là một cách "học" sử thuyết phục gấp nhiều lần so với những bài học khô khan trên giấy. Một thời, lớp trẻ được giáo dục tinh thần yêu nước, yêu lịch sử thông qua những vở diễn, những nhân vật như thế, nó không chỉ đi vào cái đầu mà đi thẳng vào trái tim lớp trẻ. Bây giờ tại sao chúng ta không làm được?

Một kỷ niệm của Diệu Hiền, là chị phải độn tới 2 lớp áo bên trong để mặc giáp "coi cho được". Bởi lúc ấy chị quá gầy, thiếu cái oai của người nữ tướng. Và chị đã xin đạo diễn Nguyễn Mỹ cho Lê Minh chết đứng. Ai nấy lo lắng, sợ khi ra sân khấu không khéo sẽ bị nguôi. Nhưng không ngờ, cảnh ấy lại thu hút người xem đến vậy. Chỉ tội cho Hoài Thanh đứng chịu trận, nhưng chính anh cũng đã có một vai rất đẹp để đời cùng bạn diễn Diệu Hiền...

Hoàng Kim

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.