Nụ cười và nước mắt ở vườn cao su ấp Bùng Binh

20/07/2022 09:30 GMT+7

Lâu nay, nhiều người dân có đời sống kinh tế ổn định nhờ việc cạo mủ ở vườn cao su hơn 50 ha ở ấp Bùng Binh, xã Hưng Thuận, tỉnh Tây Ninh. Nhưng, họ đang sống trong tâm trạng bất an vì chính quyền địa phương đã có quyết định thu hồi diện tích vườn trồng cao su này.

Vui khi có chén cơm đầy…

Theo những người làm nghề cạo mủ cao su tại đây, hiện nay vườn cao su này vẫn còn cho mủ nhiều nên thu nhập của họ khá cao. Mỗi đêm, trung bình mỗi người thợ cạo được khoảng 500 cây. Với cách “ăn chia” khá thoáng của người chủ vườn cao su, hơn 30% lợi nhuận được trả cho người cạo mủ, họ có thu nhập từ 600.000 - 700.000 đồng/ngày.

Bà Tống Thị Soi (59 tuổi, quê Tây Ninh) cạo mủ ở khu vườn này đã 5 năm cùng với người con trai cho biết: “Tuần rồi làm 6 ngày, hai mẹ con được gần 9 triệu đồng. Không có trình độ, làm công việc phổ thông, có mơ cũng không thể có số tiền như vậy”. Anh Trịnh Thanh Nhân, người cũng có 5 năm cạo mủ cao su ở đây thì tâm tình rằng cây cao su trở thành… nỗi nhớ. “Không gặp cây cao su vài ngày thấy nhớ. So với làm xí nghiệp thì nghề này sướng hơn, thu nhập tầm 10 triệu đồng/tháng, thời gian chủ động”. Còn chị Trần Thị Thanh Thúy (37 tuổi, quê Tây Ninh) trải lòng chân thành: “Tui cạo mủ ở đây từ khi mới 17 tuổi. Ba mẹ khó khăn, mình lại ít học nên ai thuê gì làm nấy, lúc thì nhổ đậu, cấy lúa… với đồng lương không ổn định. Rồi tui đi cạo mủ cao su. Nói thật, cũng nhờ nghề này mà kinh tế ổn định hơn lại có duyên gặp rồi thương ông xã”.

Không chỉ người dân địa phương hưởng lợi từ vườn cao su này. Chúng tôi đến gặp anh Đỗ Trung Hiếu ngụ tại huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương. Anh Hiếu kể, trước khi gắn với nghề cạo mủ cao su, anh là “thợ đụng”. Sau khi biết nhiều bạn bè đến Tây Ninh cạo mủ thuê có thu nhập khá, anh cũng đi theo: “Tôi phải theo học nghề cả tháng mới biết cách “bắt cây cho mủ”. Làm được một thời gian, tôi rủ vợ cùng vào nghề. Có cái nghề ổn định mừng lắm vì có thể nuôi các con ăn học”.

Đi thu mủ cao su tại vườn cao su 50 ha

Thiên Thảo

Trong khi đó, gia đình bà Nguyễn Thuận Ánh Phương (64 tuổi, quê Vĩnh Long) đang tận hưởng hạnh phúc giản đơn giữa vườn cao su. Bà Phương cho hay: “Nhờ công việc này mà hai con của tôi có tiền để theo đuổi ước mơ đại học, cao đẳng. Tận dụng đất còn trống, tôi trồng thêm bụi rau, nuôi thêm con gà tự cung tự cấp trong gia đình”. Còn anh Nguyễn Quốc Sử (49 tuổi, quê Bạc Liêu) có gần 20 năm trong nghề hớn hở nói: “Nghề cạo mủ cao su này cực nhọc nhưng có thu nhập ổn định. Cứ cạo đàng hoàng, vợ chồng và con cái tôi sống ngon lắm”.

Nhưng chén cơm đã thấm nước mắt

Chén mủ còn đầy cũng là chén cơm ngon, manh áo ấm của những người lao động thiện lành. Thế nhưng, chén cơm đó đã bắt đầu thấm nước mắt. Mặc dù niềm vui với nghề thể hiện rõ trong ánh mắt, lời nói của dân cạo mủ cao su nhưng họ vẫn canh cánh nỗi lo bị thất nghiệp. Hỏi ra mới biết, vườn cao su này có nguy cơ bị xóa sổ. Chỉ vào hai chén mủ cao su đầy ắp, chị Nguyễn Thị Liên (gia đình có 4 người làm nghề cạo mủ) trải lòng: “Nhiều cây còn cho mủ nhiều dữ lắm, có thể khai thác hơn chục năm nữa nhưng tôi nghe nói chính quyền địa phương có ý định thu hồi lại vườn cao su này. Nếu điều đó xảy ra, gia đình tôi không biết sống ra sao nữa”.

Chén cao su cũng là chén cơm, manh áo của người làm công tại đây

Thiên Thảo

Nghĩ về viễn cảnh tương lai vườn cao su bị thu hồi, bà Ánh Phương rơm rớm nước mắt nói: “11 năm gắn bó với vườn cao su, chính nó cứu lấy cuộc sống của vợ chồng tôi khi rơi vào hoàn cảnh cực kỳ khó khăn. Nhiều khi ra vườn nhìn những giọt mủ cao su đang chảy, tôi cứ nghĩ nó là giọt nước mắt của chính mình. Buồn lắm!”. Còn chị Trần Thị Thanh Thúy nói nếu thật sự vườn cao su bị thu hồi thì không biết lấy gì nuôi các con còn nhỏ dại vì mình lớn tuổi lại không có trình độ, đâu ai thuê mướn nữa. Anh Sử cũng có chung tâm trạng như chị Thúy. “Tôi không biết sẽ làm gì để kiếm sống, nhất khi đã có tuổi, lại không có nghề nghiệp nào khác ngoài cạo mủ”, anh Sử thở dài nói.

Trao đổi với chúng tôi, LS Trần Duy Cảnh - Giám đốc điều hành Công ty luật TNHH Luật Việt (TP.HCM), cho rằng quyết định thu hồi đất nông trường của UBND tỉnh Tây Ninh có một số điểm không có căn cứ pháp luật cơ bản. Cụ thể là nhầm lẫn về đối tượng bị thu hồi. Bởi, trong quyết định ghi rõ nội dung “đối tượng bị thu hồi đất là Nông trường Cao su Bời Lời - NTCSBL”, không phải là bà Huỳnh Thị Lan Phương, chủ khu vườn cao su hiện tại. Trong khi đó, bà Phương là người được trực tiếp khai thác theo Hợp đồng giao khoán với nông trường và bị ảnh hưởng trực tiếp khi đất bị thu hồi. Cần phải khẳng định rõ, nông trường thực hiện giao khoán khai thác đất cho bà Phương là đúng theo quy định pháp luật của Chính phủ tại thời điểm đó. Bên cạnh đó, tuyên bố giao dịch vô hiệu là thẩm quyền của tòa án chứ không phải của UBND tỉnh Tây Ninh. Tính đến hiện tại, chưa có bản án nào của tòa án xác định các hợp đồng giữa nông trường và bà Phương là vô hiệu nên chúng vẫn có giá trị pháp lý.

Trong khi đó, bà Huỳnh Thị Lan Phương cho biết: Tôi luôn tuân thủ hiến pháp và pháp luật Việt Nam và tôi yêu cầu chính quyền địa phương cũng tuân thủ nguyên tắc đó. Vì thế, nếu địa phương có nhu cầu thu hồi diện tích đất đã ký Hợp đồng giao khoán hợp pháp với NTCSBL của tôi thì phải đàm phán với tôi theo đúng quy định pháp luật và phải bồi thường thỏa đáng. Khi chính quyền chưa đàm phán, chưa có giải pháp đền bù thỏa đáng mà liên tục ra các quyết định thúc ép tôi phải bàn giao đất là thiếu sự công bằng nên tôi vô cùng bức xúc. Chưa kể đến nỗi hoang mang, lo lắng của nhiều người lao động trên khi họ biết tin thu hồi đất đột ngột của chính quyền.

Năm 1993, NTCSBL ký hợp đồng kinh tế với bà Huỳnh Thị Lan Phương với nội dung giao 50 ha đất tại ngã tư, ấp Bùng Binh, xã Đôn Thuận (nay là Hưng Thuận) để trồng cao su với thời hạn giao là 50 năm. Nhưng mới đến thời điểm hiện tại, UBND Thị xã Trảng Bàng lại cho rằng hợp đồng trên giữa NTCSBL và bà là vô hiệu nên đã ra các văn bản buộc bà phải thu dọn nhà cửa, vật kiến trúc và thanh lý tài sản để giao lại đất cho UBND Thị xã Trảng Bàng quản lý.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.