Nữ sinh hiếm hoi ngành kỹ thuật cơ điện tử vừa đẹp vừa tài năng

05/11/2022 09:00 GMT+7

Mặc dù có vóc dáng nhỏ nhắn nhưng nữ sinh này chọn theo học chuyên ngành kỹ thuật cơ điện tử. Một ngành học được đánh giá là khô khan và phù hợp hơn với các nam sinh.

Đó là Trần Hà Bảo Thi, sinh viên năm 4 chuyên ngành kỹ thuật cơ điện tử, là bóng hồng duy nhất của Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) giành giải thưởng Nữ sinh khoa học công nghệ Việt Nam 2022 ở lĩnh vực công nghệ kỹ thuật điều khiển và tự động hóa. Đây là phần thưởng của Trung ương Đoàn trao hằng năm cho các nữ sinh viên có thành tích xuất sắc trong lĩnh vực khoa học công nghệ.

Bảo Thi, cô gái nhỏ nhắn chọn học chuyên ngành kỹ thuật cơ điện tử

nvcc

“Là bông hồng duy nhất giữa rừng cây toàn lá”

Nhận thấy bản thân đam mê máy móc từ nhỏ và có nền tảng từ việc học lớp chuyên vật lý tại Trường THPT chuyên Quốc Học Huế, Bảo Thi đã quyết định đăng ký vào chuyên ngành kỹ thuật cơ điện tử của Trường ĐH Bách Khoa (ĐH Đà Nẵng).

Với thành tích học tập xuất sắc cùng những đề tài nghiên cứu khoa học cộng thêm sự năng nổ trong các hoạt động ngoại khóa, Bảo Thi đã xuất sắc vượt qua nhiều ứng cử viên để trở thành một trong những nữ sinh khoa học Công nghệ 2022.

Bảo Thi (giữa) đạt giải thưởng Nữ sinh Khoa học Công nghệ Việt Nam 2022

NVCC

Bảo Thi là “bông hồng” duy nhất của lớp, cô nàng cho rằng đây không phải là bất lợi mà là sự may mắn vì bản thân luôn nhận được sự quan tâm, ưu ái của giảng viên và các bạn nam.

Nói về lý do lựa chọn ngành học mà được đánh giá là rất cực đối với con gái, Thi tiết lộ, bản thân có niềm đam mê đặc biệt với các loại thiết bị, máy móc từ nhỏ.

“Là con gái mà theo học chuyên ngành này cũng có phần nặng nề hơn các bạn nam. Nhưng mình có cá tính mạnh mẽ giống con trai, hồi nhỏ mình rất thích mày mò tháo ráp các loại máy móc ở trong nhà. Lớn hơn một chút, mình mong muốn thiết kế, sáng tạo ra các loại máy móc để giúp ích được cho mọi người. Đó là động lực để mình cố gắng nỗ lực. Vì mình luôn mong muốn, học đại học không phải chỉ dừng lại ở việc học xong kiếm tiền và lo cho gia đình mà phải giúp ích được cho cộng đồng”, Thi tâm sự.

Hơn nữa, cô nàng 10X còn rất thích học hỏi, mê khám phá những điều mới, mà kỹ thuật cơ điện tử lại là ngành học có sự kết hợp của cả ba lĩnh vực: cơ khí, điện tử, và công nghệ thông tin. Đó cũng là một trong những lý do để cô gái nhỏ nhắn theo đuổi ngành học này.

Bảo Thi thực hiện đề tài Nghiên cứu khoa học tại phòng lab

NVCC

Kỹ thuật cơ điện tử là ngành học được đánh giá nặng nề hơn đối với sinh viên nữ nên áp lực là điều không tránh khỏi: “Đôi lúc mình cũng thấy nản vì có nhiều việc hoặc gặp những vấn đề quá khó mình không giải quyết được. Mình luôn ưu tiên việc tự tìm cách giải quyết trước, nếu không giải quyết được thì mình sẽ hỏi bạn, nếu hỏi bạn vẫn không tìm ra được vấn đề thì mình sẽ tâm sự, nhờ sự giúp đỡ của các thầy trong khoa. Nhất là những lúc làm nghiên cứu khoa học mà bị bí mình sẽ nhờ các thầy tư vấn, đưa ra lời khuyên”.

Hiện tại Thi cùng một vài người bạn đang nghiên cứu đề tài: Găng tay kháng lực hỗ trợ phục hồi chức năng ứng dụng robot mềm cho người bị đột quỵ: “Xuất phát từ việc những người đột quỵ thường bị tê cứng, liệt cơ tay nên mình nghiên cứu máy tập luyện, hỗ trợ lấy lại chức năng co duỗi cho những người bị đột quỵ. Đề tài này mình nghiên cứu từ năm ngoái, năm nay tiếp tục làm để phát triển từ một mô hình thành sản phẩm hoàn chỉnh có thể bán ra thị trường”, Thi cho biết.

Sản phẩm găng tay kháng lực hỗ trợ phục hồi chức năng ứng dụng robot mềm cho người bị đột quỵ

NVCC

Bảo Thi đã truyền cảm hứng về tinh thần dám thể hiện bản thân, theo đuổi ước mơ và hoài bão của mình cho các nữ sinh học kỹ thuật nói chung và đặc biệt là nữ sinh khoa Cơ khí nói riêng - một khoa có số lượng nữ sinh rất ít.

Tiến sĩ Lê Hoài Nam

Phó Trưởng khoa - Khoa Cơ khí Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng

Bản thân có cá tính mạnh mẽ và thích độc lập nên dù hoàn cảnh gia đình không phải khó khăn nhưng suốt 3 năm học đại học Thi tự trang trải tiền học phí. Thay vì đi làm thêm, cô nàng tập trung học để dành học bổng và tự chi trả chi phí học tập. Học kỳ nào Thi cũng nhận được học bổng khuyến khích học tập xuất sắc của trường. Thi cho rằng, khi độc lập như vậy thì sau này ra trường sẽ dễ dàng để thích nghi hơn.

Cô nàng Á khoa với thành tích học tập khủng

Bảo Thi là Á khoa đầu vào ngành kỹ thuật cơ điện tử, Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng). Mặc dù là bông hồng duy nhất của lớp nhưng Bảo Thi sở hữu thành tích học tập rất đáng nể. Với điểm trung bình tích lũy 3.94/4.00; có đề tài nghiên cứu khoa học đạt giải nhất cấp khoa và giải nhì cấp trường; đạt danh hiệu “Sinh viên xuất sắc”; danh hiệu Sinh viên 5 tốt cấp trường 2022; học bổng Vallet năm học 2021-2022…

Bảo Thi (thứ 3 từ trái qua) đạt giải nhì hội thảo nghiên cứu khoa học và giải ba triển lãm khoa học cấp trường

NVCC

Chia sẻ về phương pháp học tập, Thi nói: “Nhiều bạn bè tham gia các khóa học lập trình, thiết kế… bên ngoài, nhưng mình tự học tất cả mọi thứ trên YouTube và Coursera. Mình tận dụng tối đa thời gian ở trên lớp để tập trung tiếp thu kiến thức tại lớp, về nhà mình sẽ dành thời gian làm bài tập, học những kiến thức mới và học tiếng Anh”.

Sở hữu thành tích học tập khủng như vậy nhưng Thi vẫn dành thời gian tham gia các hoạt động ngoại khóa. Cô gái này đang giữ chức vụ lớp phó của lớp; với tài năng ca hát, Bảo Thi là Trưởng ban văn nghệ và thể thao của Liên chi Đoàn khoa Cơ khí; cựu Phó chủ nhiệm của CLB Tài năng sinh viên Bách khoa. Thi cũng thường xuyên tham gia các hoạt động thiện nguyện vì cộng đồng.

Bảo Thi tham gia chương trình Xuân yêu thương

NVCC

Chia sẻ về cách cân bằng thời gian giữa việc học với tham gia các hoạt động, Thi chia sẻ: “Thường mình sẽ đặt ra nhiệm vụ cần phải hoàn thành trong ngày. Với mình, dù tham gia nhiều hoạt động nhưng việc học luôn được ưu tiên hàng đầu. Mỗi ngày, mình dành ra 1 đến 1,5 tiếng đồng hồ để đạp xe, chạy bộ. Tập thể dục là cách để mình xem xét lại mọi việc xảy ra trong ngày và để giải tỏa áp lực”.

Không chỉ học giỏi, năng nổ trong các hoạt động, Bảo Thi còn có tài năng ca hát được mẹ ươm mầm từ nhỏ: “Trong khoảng thời gian từ tiểu học tới THPT, hầu như mọi người biết tới mình là nhờ mình đi hát, tham gia văn nghệ nhiều. Tài năng ca hát của mình được phát hiện từ lúc 3-4 tuổi. Với mình đây là điều kiện để giao lưu, mở rộng mối quan hệ”, Thi kể.

Ngoài học giỏi, Bảo Thi còn có tài năng ca hát

NVCC

Với tài năng đó, cô nàng từng tham gia nhiều cuộc thi ca hát. Đặc biệt, Thi cùng với 7 người bạn thành lập nhóm nhạc. Suốt 3 năm học THPT, nhóm nhạc của Thi luôn đạt giải nhất tại Cuộc thi “Giai điệu xanh” do TP.Huế tổ chức.

Thi dự định sau khi tốt nghiệp sẽ đi du học để mở mang sự hiểu biết, tiếp thu những tinh hoa công nghệ thế giới. Bên cạnh đó, cô nàng vẫn luôn cố gắng thực hiện sứ mệnh truyền lửa cho các thế hệ sinh viên sau này, đặc biệt là các bạn nữ theo đuổi khối ngành kỹ thuật.

Tiến sĩ Lê Hoài Nam, Phó trưởng khoa Khoa Cơ khí Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) nói: “Là giảng viên chủ nhiệm năm đầu tiên và trực tiếp giảng dạy Bảo Thi từ năm nhất đại học, tôi nhận thấy Thi là một nữ sinh có sự chí thú và quyết tâm trong việc học, luôn giữ vững phong độ học tập. Bảo Thi là một trong những thành viên dẫn dắt tích cực của nhóm sinh viên nghiên cứu khoa học với đề tài: Găng tay phục hồi chức năng sử dụng công nghệ robot mềm do tôi và một thầy nữa đồng hướng dẫn. Đề tài này đạt được một số kết quả và thành tích ban đầu rất đáng khích lệ. Bảo Thi là một cá nhân rất năng nổ trong các hoạt động. Tất cả những điều này được thể hiện qua bảng thành tích học tập và rèn luyện rất đáng nể của Bảo Thi”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.