Nữ sinh Hưng Yên bị bạo hành hạ dã man: Đâu rồi 'tính bản thiện'?

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
30/03/2019 19:10 GMT+7

Trước vụ việc học sinh ở Hưng Yên bị bạn bạo hành tập thể dã man ngay tại lớp học, nhà giáo Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie Hà Nội, trăn trở với câu hỏi vì sao những đứa trẻ thiếu đi "tính bản thiện".

[VIDEO] Trách nhiệm giáo viên ở đâu khi nữ sinh Hưng Yên bị lột quần áo, bạo hành?
Sau vụ một học sinh ở Quảng Bình hứng chịu hàng trăm cái tát từ chính bạn bè mình trong lớp học đến vụ việc học sinh lớp 9 ở Hưng Yên bị nhóm bạn hành hạ dã man ngay tại lớp học, chia sẻ với phóng viên Thanh Niên, nhà giáo Nguyễn Xuân Khang, người có gần 40 năm công tác trong ngành giáo dục, trăn trở với câu hỏi: Vì sao những đứa trẻ như vậy lại hành động thiếu "tính bản thiện” vốn có của con người?.
Thầy Khang chia sẻ nhiều lo lắng về lối giáo dục áp đặt, thiếu dân chủ, thậm chí ra hình phạt học sinh bằng cách yêu cầu học sinh đánh bạn của giáo viên đã “gieo mầm” bạo lực và vô cảm trước cái ác vào chính các em vốn “tính bản thiện”.
[VIDEO] Giáo viên chủ nhiệm Hoa Thị Trang nói về vụ việc nữ sinh Hưng Yên bị lột quần áo, đánh đập dã man
“Giáo dục có nhiều cách, không nhất thiết phải dùng biện pháp trừng trị, kỷ luật. Nếu dùng cách như những sự vụ gần đây: bắt học trò uống nước giặt giẻ lau bảng hay yêu cầu cả lớp tát một bạn trong lớp, đuổi học 1 năm vì vi phạm kỷ luật… thì giá trị nội hàm giáo dục bằng 0”, thầy Khang nói.

Học sinh rất cần “chỗ dựa” về tâm lý

[VIDEO] Hiệu trưởng đau đầu vì vụ nữ sinh bị lột quần áo, đánh dã man ở Hưng Yên
Thầy Khang cho rằng, mỗi học sinh một cá tính, nhất là các em ở lứa tuổi mới lớn, trong các mối quan hệ ứng xử với bạn bè, với cha mẹ, với thầy cô sẽ không tránh khỏi “va vấp”. Ngược lại, không phải cha mẹ, thầy cô nào cũng hiểu và có cách thức ứng xử phù hợp với tâm lý lứa tuổi của các con. Nếu có những chỉ dẫn kịp thời bởi những chuyên gia tâm lý thì chắc chắn sẽ hạn chế được những hiện tượng bạo lực về tinh thần và thể xác.
Cũng theo thầy Khang, Trường Marie Curie mới thành lập và đưa vào hoạt động thử nghiệm phòng Tham vấn tâm lý học đường khoảng 3 tháng. Kết quả ban đầu của hoạt động này khiến chính người đứng đầu nhà trường cũng thấy rất bất ngờ. Mong muốn ban đầu khi quyết định ra đời phòng tham vấn tâm lý trong trường học để thay vì thành lập hội đồng kỷ luật, “luận tội” học sinh, sẽ giúp cùng với học sinh tìm ra nguyên nhân, cách thức xử lý hành vi còn lệch lạc, tạo dựng một môi trường học đường thực sự văn hoá, văn minh.
Thế nhưng, điều khiến thầy Khang và giáo viên, phụ huynh nhà trường được tiếp thêm động lực vì rất nhiều học sinh cũng như phụ huynh chủ động tìm đến gặp chuyên gia tâm lý của trường để chia sẻ những vấn đề họ còn băn khoăn và cảm thấy khúc mắc trong mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái, giữa bạn bè với nhau, giữa học sinh với thầy cô giáo… Qua đó tìm sự tham vấn để giải quyết những vấn đề cụ thể, tránh xung đột, căng thẳng và chắc chắn sẽ giảm được việc cư xử với nhau bằng bạo lực.
Thầy Khang nêu quan điểm: "Trong mỗi vụ bạo lực học đường cũng như những vụ đánh chém nhau ngoài xã hội, “nạn nhân” và “thủ phạm” gây ra sự việc đều có những diễn biến tâm lý riêng, bởi vậy mới có chuyên ngành phân tích tâm lý tội phạm. Tuy nhiên điều quan trọng là ngăn ngừa hành vi chứ không phải mỗi khi có sự việc xảy ra lại ngồi phân tích nguyên nhân, hậu quả của hành vi ấy".
Trở lại câu chuyện học sinh lớp 9 bị bạo hành dã man đang khiến dư luận phẫn nộ, thầy Khang nhấn mạnh quan điểm cho rằng việc mỗi nhà trường có bộ phận tham vấn tâm lý để giúp những học sinh “yếu đuối”, dễ bị bắt nạt và ngược lại như những em có tâm lý “thích dùng bạo lực” như các học sinh ở Hưng Yên, là rất cần thiết. “Tham vấn tâm lý đặc biệt quan trọng trong xã hội phát triển và chính cách làm này mới làm cho xã hội văn minh hơn”, thầy Khang nói.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.