Nửa đêm Đà Lạt lạnh buốt, công an lao xuống hồ Xuân Hương cứu người tự tử

31/05/2018 11:18 GMT+7

Phát hiện thấy người đang chìm dần dưới hồ Xuân Hương, bất chấp thời tiết lạnh buốt lúc nửa đêm ở xứ mù sương, thượng úy trẻ Nguyễn Văn Đức đã lao ngay xuống hồ cứu người.

Sự việc trên xảy ra vào khoảng gần 0 giờ, ngày 30.5 tại hồ Xuân Hương (TP.Đà Lạt, Lâm Đồng) và Thượng úy Nguyễn Văn Đức (32 tuổi, quê Can Lộc, Hà Tĩnh, hiện đang công tác tại công an P.1) đã có mặt kịp thời cứu người.

Theo Thượng úy Đức, thời điểm trên anh cùng 3 người bạn đang đi công việc cá nhân (ngày nghỉ của anh Đức) trên đường quanh bờ hồ Xuân Hương, đoạn từ nhà hàng Thanh Thủy ra bùng binh đài phun nước trước chợ Đà Lạt.
“Khi đến gần cầu Ông Đạo (P.1), tôi nghe tiếng kêu cứu nên nhìn về hướng ấy thì dưới ánh sáng mờ mờ, tôi thấy một người đứng ở phía trên lan can cầu quơ tay và mặt nhìn xuống dưới hồ Xuân Hương kêu cứu. Tôi và các bạn liền chạy lại thì thấy một người khác đang ở dưới hồ, cách lan can cầu chừng 8 m và đang chìm dần. Lập tức, tôi leo qua lan can và lao nhanh xuống hồ, rồi bơi lại cứu được người ấy đưa vào bờ”, Thượng úy Đức kể lại.
Đà Lạt về khuya, thời tiết rất lạnh, và nước hồ Xuân Hương có thể ví như nước đá, thế nhưng khi chúng tôi nói về điều này, Thượng úy Đức mỉm cười: “Chuyện đó không quan trọng đâu anh, lúc ấy tôi đâu có suy nghĩ gì, thấy người ta trong tình huống ấy, mình chỉ biết làm sao cứu được người là vui mừng lắm rồi. Khi ấy, anh ta đã chìm xuống mặt nước khoảng nửa mét, nếu như chậm chừng 30 giây thôi thì anh kia chắc đã chìm hẳn, khó cứu được rồi”.
Khu vực người thanh niên tự tử và được Thượng úy Nguyễn Văn Đức cứu là chỗ sâu nhất ở hồ Xuân Hương với độ sâu hơn 10 m Ảnh: G.B

Dù đang đêm lạnh buốt, khi đưa được người thanh niên kia vào bờ và anh ta đã bất tỉnh, Thượng úy Đức trong bộ đồ ướt sũng cũng đã lập tức hô hấp nhân tạo cho anh ta. Đồng thời mượn điện thoại gọi về Công an phường 1 thông báo và sau đó tiếp tục cùng công an sơ cứu cho anh ta đến khi anh ấy thở lại thì Đức bế anh ấy lên xe để đồng đội đưa lên Bệnh viện đa khoa Lâm Đồng cấp cứu. Lúc này, Thượng úy Đức mới chạy về trụ sở Công an phường 1, nơi Đức công tác để thay áo quần khô sưởi ấm.
Người được Thượng úy Đức cứu có tên N.Đ.P. (31 tuổi, ngụ P.6, TP.Đà Lạt) và do làm ăn thất bại, nợ nần và trầm cảm nên nghĩ quẩn tự vẫn.
Chiều ngày 30.5, trao đổi với chúng tôi, bà N.T.H (53 tuổi, mẹ P.), cho hay, mấy ngày qua con trai của bà có dấu hiệu trầm cảm, cứ im im không nói năng gì. “Con tôi chưa có vợ con gì. Có thể do làm ăn không được, rồi nợ nần đủ thứ, về nhà đã không chịu nói năng vấn đề gì để người nhà chia sẻ, rồi lại chắc do suy nghĩ mọi người coi thường mình… nên trầm cảm và suy nghĩ nông nổi, làm điều dại dột. Cũng may anh Đức xuất hiện kịp thời, chứ nếu không thì chưa biết điều gì diễn ra tiếp nữa. Xin cám ơn anh Đức rất nhiều. Con tôi hiện đã xuất viện nhưng vẫn còn căng thẳng, tinh thần vẫn còn bấn loạn, bất ổn lắm”, bà H.nói
Thượng úy Nguyễn Văn Đức. Ảnh: G.B

Nguyễn Văn Đức, sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân ở Hà Tĩnh. Học xong THPT, năm 2006 Đức vào Đà Lạt đi lính nghĩa vụ và đến năm 2008 thi đậu và học trung cấp cảnh sát tại TPHCM. Năm 2010, Đức tốt nghiệp và về công tác tại Công an phường 5 (TP.Đà Lạt), rồi đến năm 2016 được luân chuyển sang công tác tại Công an phường 1 cho đến nay.
Theo Trung tá Đỗ Ngọc Hòa, Trưởng công an phường 1, Đức là người nhanh nhẹn, hoạt bát và rất nhiệt tình, trách nhiệm trong công tác, đạo đức tốt, sống hòa đồng với anh em.
“Việc cứu người là trách nhiệm của mọi người chứ không phải chỉ của lực lượng công an. Dù vậy, đây là một hành động, cử chỉ cao đẹp, đáng biểu dương và chúng tôi sẽ đưa ra để cán bộ chiến sỹ trong đơn vị cùng học tập, nêu gương đồng chí Đức. Tôi cũng đã ký văn bản gửi Hội đồng thi đua khen thưởng và lãnh đạo Công an TP.Đà Lạt đề xuất khen thưởng đột xuất cho Thượng úy Nguyễn Văn Đức vì có thành tích xuất sắc trong việc cứu người bị nạn”, Trung tá Hòa cho biết thêm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.