Nửa triệu người sắp có hộ khẩu

15/09/2005 10:44 GMT+7

Trước đây, người từ tỉnh khác đến muốn nhập hộ khẩu TP.HCM cần ba điều kiện: đứng tên sở hữu nhà, tạm trú liên tục năm năm, có việc làm ổn định. Nay chỉ cần hai điều kiện: có nhà (kể cả nhà ở nhờ) và tạm trú liên tục ba năm.

Chấm dứt chuyện nhà “đòi” hộ khẩu

Chính phủ vừa ban hành nghị định 108 sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định 51 về đăng ký quản lý hộ khẩu. Theo nghị định mới, các điều kiện để nhập hộ khẩu thoáng hơn trước.

Một trong những điều kiện tiên quyết để xét cho nhập hộ khẩu vào TP.HCM lâu nay là vấn đề nhà ở. Theo đó, người từ tỉnh khác đến (thường gọi là diện KT3) bắt buộc phải đứng tên sở hữu nhà (tức hộ khẩu đòi nhà). Nhưng theo nghị định mới, điều kiện về nhà ở đã được mở ra.

Ngoài điều kiện nhà có đầy đủ giấy tờ nêu trên, các loại nhà sau đây cũng sẽ được cho nhập hộ khẩu: nhà xây trên đất có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; nhà ở có giấy tờ hợp lệ về nhà ở, đất ở theo qui định của pháp luật.

Đặc biệt, với những căn nhà chưa có một trong các loại giấy tờ nêu trên (nhà mua bán giấy tay hoặc nhà tự xây trên đất chưa có sổ đỏ) thì chỉ cần có xác nhận của UBND cấp phường về tình trạng hợp pháp của nhà ở, đất ở. Đây được coi là “điểm son” của nghị định khi mà tại TP.HCM hiện còn hơn 200.000 hộ gia đình có nhà ở nhưng chưa có hộ khẩu, bởi theo qui định của TP họ thuộc diện KT3 chưa được đứng tên hợp thức hóa nhà (tức nhà đòi hộ khẩu).

Tuy nhiên, tại TP.HCM không phải lãnh đạo UBND phường nào cũng đặt bút xác nhận “tình trạng nhà” cho người dân. Một trong những lý do để các phường chưa xác nhận là chưa có qui hoạch chi tiết (1/2.000) “nên đâu biết căn nhà đó có phạm qui hoạch hay không”. Thực trạng nhiều địa phương chưa có qui hoạch 1/2.000 đã được lãnh đạo Sở Qui hoạch - kiến trúc thừa nhận khi trả lời báo chí mới đây.

Ngoài ra, do TP chưa có một hướng dẫn hay qui định thống nhất về việc “xác nhận tình trạng nhà” nên mỗi phường làm mỗi kiểu. Theo ghi nhận của chúng tôi, vào thời điểm này chỉ có căn nhà nào được kê khai đăng ký năm 1999, người kê khai đăng ký tạm trú, sống ổn định từ đó đến nay (có cảnh sát khu vực xác thực) mới được UBND phường xác nhận.

Còn lại nhà chưa kê khai đăng ký, mua bán giấy tay lòng vòng thì địa phương không xác nhận hoặc từ chối khéo. Trường hợp này đang phổ biến tại các quận Tân Bình, Tân Phú.

Nhà thuê cũng được

Nếu theo tinh thần chung của nghị định 108 thì ước có khoảng hơn 200.000 hồ sơ KT3 (của chừng ấy căn nhà chưa cấp giấy chứng nhận) với hơn 500.000 nhân khẩu sẽ nộp hồ sơ đăng ký hộ khẩu TP.HCM.

Đại tá Trần Triều Dương, phó giám đốc Công an TP, khẳng định thêm 500.000 người có hộ khẩu thì dân số TP cũng không vì thế mà tăng lên, bởi lâu nay số người này đã sống ổn định ở đây rồi.

Một trong những điểm được coi là mới nữa trong nghị định 108 khi thêm trường hợp “nhà cho thuê hoặc cho ở nhờ” cũng được nhập hộ khẩu, nhưng bắt buộc phải có sự đồng ý bằng văn bản của chủ nhà (thường gọi là bảo lãnh) cho nhập hộ khẩu. Vậy có phải hễ ai được bảo lãnh cũng cho đăng ký hộ khẩu vào TP?

Đại tá Trần Triều Dương, phó giám đốc Công an TP, nói đây là vấn đề rất mới, Công an TP chưa thể giải đáp ngay vì phải chờ hướng dẫn cụ thể của Bộ Công an.

Theo đó, đối tượng nào, trường hợp nào với loại nhà nào thì được chủ hộ bảo lãnh, tức phải có điều kiện cụ thể và có tiêu chí rõ ràng để có thể kiểm tra kiểm soát được chặt chẽ, nếu không sẽ phát sinh “dịch vụ bảo lãnh” nhập hộ khẩu.

Đang tham mưu qui chế mới

Theo ông Trần An (Tân Bình), một người dân diện KT3, vấn đề cần quan tâm hơn hết là các điều kiện do TP ban hành ra sau đó chứ không phải là nghị định. Bởi theo nghị định 51 năm 1997 của Chính phủ trước đây, điều kiện về nhà ở để đăng ký hộ khẩu cũng thoáng.

Chỉ tiếc có điều nghị định lúc đó không ghi cụ thể cho trường hợp “người dân từ tỉnh đến” nên UBND TP và Công an TP đưa diện KT3 này vào “trường hợp đặc biệt” phải chịu sự điều chỉnh của chỉ thị 27 và hướng dẫn của Công an TP với ba điều kiện là phải có nhà hợp pháp, tạm trú liên tục năm năm, có việc làm ổn định.

Nay, khi nghị định 108 ra đời qui định cụ thể, rõ ràng: người có nhà nếu không bị cấm cư trú tại TP, đã có ba năm liên tục sống ở TP thì được đăng ký hộ khẩu. Có nghĩa là tất cả những người dân từ các tỉnh khác đến TP sống đều được đăng ký hộ khẩu nếu đảm bảo hai điều kiện về nhà ở và tạm trú ba năm liên tục.

Đại tá Trần Triều Dương cho biết trong lúc chờ hướng dẫn của Bộ Công an về thực hiện nghị định 108, Công an TP đang tham mưu để UBND TP ban hành qui chế mới cho việc đăng ký hộ khẩu thay cho chỉ thị 27 vốn không còn phù hợp nữa.

Lê Anh Đủ
(Tuổi Trẻ)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.