Tựa sách Nước chảy đá mòn (Phục Hưng Books & NXB Thế giới ấn hành) được dịch khá thoát ý từ tên gốc tiếng Anh The River Always Wins. Sách có dung lượng rất ngắn, chỉ hơn 100 trang, gần giống một áng thơ trữ tình được viết dưới dạng văn xuôi, bằng một văn phong thong thả, chiêm nghiệm, thích hợp để độc giả nhấm nháp từng chút thay vì ngấu nghiến vội vàng.
Lớn lên tại Dallas, Texas (Mỹ) - một bang không mấy xa lạ với hạn hán, lũ lụt, tác giả David Marquis sớm ý thức về tầm quan trọng của nước và vấn đề bảo tồn tài nguyên nước. Trong suốt sự nghiệp, ông đã làm việc với chính quyền địa phương không chỉ để thúc đẩy quy hoạch, tái chế nước mà còn nỗ lực tạo ra những thay đổi tích cực về giáo dục và nhân quyền. Mối quan tâm đến môi trường lẫn nhân quyền đã khiến David Marquis lồng ghép vào sách luồng suy tư kép về con người và tự nhiên.
Cuốn sách bắt đầu với hành trình của một giọt nước riêng lẻ, len qua sỏi đá, cho đến lúc hòa vào con sông, chảy qua thác ghềnh, đi qua biết bao mùa khô cằn hạn hán, có lúc lững lờ trôi ở những quãng tĩnh lặng, rơi xuống như cơn mưa, để rồi cuối cùng đổ ra Biển Lớn, hòa làm một cùng nhiều giọt nước khác. Trong hành trình đó, David Marquis chậm rãi soi chiếu câu chuyện của dòng chảy nước đến những chuyển biến trong đời người, đến sự vận động xã hội và số mệnh của nhân loại.
Chớ coi thường sức mạnh của giọt nước
Ca ngợi sức mạnh dòng nước, David Marquis so sánh nó với tinh thần bất khuất của những người dám đứng lên chiến đấu để thay đổi định kiến xã hội, đem đến tự do cho tầng lớp bị áp bức. Mỗi con người chúng ta, cũng giống như những giọt nước, đều tiềm ẩn sức mạnh bên trong. Khi hợp sức, chúng ta có thể xây dựng những công trình, bồi đắp đê điều, gắn kết xã hội.
Nhưng trong số hàng tỉ "giọt nước" con người, luôn có những "giọt nước vĩ đại" hơn cả, đó chính là các vĩ nhân như Galileo, Mahatma Gandhi, Martin Luther King Jr.,... - họ đã dám tách mình khỏi dòng chảy chung, thoát ly, chọn lấy lối đi riêng và thu hút những giọt nước khác theo cùng. Cuộc đấu tranh do những "giọt nước vĩ đại" khởi xướng đã vĩnh viễn thay đổi lịch sử nhân loại.
Chẳng hạn như phong trào Birmingham năm 1963 được dẫn đầu bởi mục sư Martin Luther King Jr. đã khiến chính quyền thành phố Birmingham phải thay đổi tình trạng phân biệt chủng tộc và mở đường cho đạo luật Dân quyền năm 1964, cấm phân biệt chủng tộc trong các hoạt động tuyển dụng và dịch vụ công trên khắp nước Mỹ.
Từng giọt nước, chảy theo một nhịp điệu nhất định, ngày qua ngày, thì ngay cả đá cũng phải mòn. "Ta chuyển mình, như cách nước làm đổi thay đá. Ta chuyển mình, và thay đổi cả nền văn hóa của ta", David Marquis viết.
Học gì từ lũ lụt và hạn hán?
David Marquis thẳng thắn chỉ ra rằng: "Không có cách nào đánh bại hạn hán", cũng như "Chúng ta đang cư ngụ trên hành tinh của nước, và thi thoảng, chúng ta trở thành kẻ ngáng đường [...] Chúng ta chỉ là kẻ ở nhờ, và thiên nhiên biết điều đó". Hạn hán và lũ lụt có thể là thiên tai đối với con người, nhưng là chu kỳ vận động bình thường của tự nhiên. Do đó, con người không nên kiêu ngạo rằng mình đủ khả năng khắc phục tự nhiên. Đôi khi, phải nhìn nhận rằng những hậu quả do thiên tai mang lại cũng có một phần lỗi của con người.
Ông dẫn ra sự kiện Dust Bowl là một ví dụ khi con người không học được những bài học từ các đợt thiên tai trước: "Dust Bowl xảy ra không chỉ vì thiếu vắng mưa, mà còn vì các chính sách kinh tế sai lầm…". Giai đoạn từ năm 1930 - 1940 ở Bắc Mỹ xảy ra hạn hán kéo dài khiến đất đai bị phá hủy, dẫn đến hàng loạt trận bão cát trên quy mô lớn, gây ảnh hưởng nghiêm trọng cho nông nghiệp và nền kinh tế bấy giờ.
Thế nên, con người thay vì đương đầu trực tiếp với tự nhiên thì nên học cách thích nghi, chuẩn bị tốt hơn bằng cách ý thức rõ tầm quan trọng của gìn giữ nước, bảo tồn đất, sáng kiến những công nghệ hỗ trợ bảo vệ tự nhiên... Tác giả Nước chảy đá mòn chỉ ra rằng nếu con người biết học hỏi, thì ngay cả thiên tai cũng có thể trở thành những người thầy.
Trong một thế giới còn nhiều bấp bênh, cuốn sách của David Marquis mang đến thông điệp đầy hy vọng, nhưng cũng sẵn sàng chỉ ra những vấn đề của thế giới ngày nay: thiếu quan tâm đến các vấn đề môi trường, thiếu kiên nhẫn và quá kiêu ngạo.
Biến những thông điệp phức tạp thành những dòng chiêm nghiệm đơn giản nhưng đầy sức mạnh, David Marquis không chỉ khơi gợi lòng trắc ẩn mà còn kêu gọi hành động, thúc đẩy độc giả suy ngẫm về trách nhiệm cá nhân và tập thể trong việc kiến tạo tương lai.
Bình luận (0)