Nước mắt ngày 8.3: Bông hoa nào cho Nguyễn Thị Nụ

08/03/2016 09:13 GMT+7

VĐV điền kinh Nguyễn Thị Nụ chìa chân phải ra, tôi đếm được có tất cả 4 cái sẹo lớn, trong đó có một cái sâu hoắm như được khoan ra, còn lại, mọc chi chít trên cái chân thô, cứng như của đàn ông, những vết thâm, rám nhiều không đếm nổi...

VĐV điền kinh Nguyễn Thị Nụ chìa chân phải ra, tôi đếm được có tất cả 4 cái sẹo lớn, trong đó có một cái sâu hoắm như được khoan ra, còn lại, mọc chi chít trên cái chân thô, cứng như của đàn ông, những vết thâm, rám nhiều không đếm nổi...

nuoc-mat-ngay-8.3-bong-hoa-nao-cho-Nguyen-Thi-NuNguyễn Thị Nụ và chiếc chân phải chằng chịt những sẹo - Ảnh: Lê Nam
“Cái này là lần mổ thứ nhất, cái này mổ thứ 2, thứ 3, thứ 4, cái này là do mình chạy xong đập chân vào rào, cái này thì chắc là ngã trên đường piste”, Nụ chỉ chỉ tay vào những vết sẹo. “Em bấm thế này nó có đau không?”, tôi cấu cấu vào phần da trên đầu gối Nụ. “Chẳng đau gì, thấy tê tê”, Nụ cười.
Cùng thế hệ Nguyễn Thị Tĩnh, Vũ Thị Hương, Dương Hồng Hạnh, Nguyễn Thị Nụ đã làm rạng danh cho điền kinh Việt Nam những năm 2000. Đến với điền kinh từ năm 14 tuổi, chạy bền bỉ và ròng rã sau đó hơn 10 năm, đến thời điểm hiện tại, điền kinh cho Nụ cả trăm huy chương các loại, và không gì cả: không nhà, không nghề nghiệp, không lương tháng, chưa chồng con, một bên chân sắp trở thành tàn phế.
Bi kịch của nhà vô địch SEA Games phải đi nhổ cỏ

[VIDEO]: Bông hoa nào cho Nguyễn Thị Nụ ngày 8.3? - Thực hiện: Lê Nam
Nụ phải phẫu thuật đầu gối 4 lần, do chấn thương đứt hoặc giãn dây chằng. Lần đầu tiên và thứ hai năm 2005 và 2006, lúc này chị đang ở đội tuyển quốc gia và được nhà nước chi trả. Lần thứ 3 năm 2008, gia đình chị phải lo 50% kinh phí và lần cuối cùng, năm 2009, kinh phí ca phẫu thuật lên tới cả trăm triệu đồng, Nụ được một nhà tài trợ trong TP.HCM lo.
nuoc-mat-ngay-8.3-bong-hoa-nao-cho-Nguyen-Thi-NuBước chân tập tễnh của nữ VĐV một thời - Ảnh: Lê Nam   
Sức khỏe của Nụ yếu đi thấy rõ, dây chằng được nối không tương thích, chân Nụ vẫn đau, chị giã từ sự nghiệp VĐV năm 2010. Năm 2011, Nụ được ký hợp đồng ngắn hạn, làm HLV cho đội trẻ, bộ môn điền kinh của Trung tâm huấn luyện thi đấu thể dục thể thao Hà Nội. Bỗng một ngày, ngay trong một buổi họp cơ quan, Nụ nhận được chỉ thị của trưởng bộ môn điền kinh lúc bấy giờ tuyên bố, công việc sắp tới của Nụ “chỉ phải đi nhổ cỏ”.
“Tôi vẫn chưa thể quên được cảm giác của mình. Đau đớn, chua chát. Tôi con nhà nông, làm việc đồng áng từ năm 14 tuổi, nhổ cỏ không thấm vào đâu, nhưng cái làm tôi sốc nhất là tôi đã làm gì sai, để từ một người huấn luyện cho các em VĐV tôi phải ngày ngày ngồi ngoài kia, nhổ hết sân cỏ này đến sân cỏ khác. Tôi nhớ đến những đường chạy, những tấm huy chương, các học trò, nước mắt cứ thế ứa ra”, Nụ kể lại những ngày đen tối của 5 năm về trước.
Nguyễn Thị Nụ sinh năm 1985, tại Đông Anh, Hà Nội. Cùng các đồng đội Nguyễn Thị Tĩnh, Vũ Thị Hương, Dương Thị Hồng Hạnh, chị giúp điền kinh Việt Nam có chiếc HCV nội dung tiếp sức 4x400 m. SEA Games 22, 23, 24, Nụ đều giành các HCB, HCĐ nội dung 400 m rào, 4x400 m tiếp sức.
Nhờ một bài báo viết về Nụ sau đó, chị được khôi phục công việc HLV, tuy nhiên, từ thời khắc đó, cuộc sống của chị đã đổi khác. Nguyễn Thị Nụ bơ vơ, lạc lõng trong chính cơ quan của mình, nơi chị đã tập luyện và cống hiến cả tuổi thanh xuân.
“Tôi đến cơ quan và chỉ nói chuyện với các em VĐV trẻ. Nhiều cấp trên, tôi chào họ không đáp lời, nhiều cuộc họp tôi không được thông báo tham gia, nhiều hoạt động như làm trọng tài cho các giải đấu tôi cũng bị gạt ra bên lề, không được báo trước. Em có hiểu, cảm giác một người bị tất cả quay lưng lại khủng khiếp như thế nào không? Nếu không có những lời động viên của những học trò, tôi không thể vượt qua”, Nụ rùng mình.
Chị kể thời gian chị phẫu thuật năm 2010 trong TP.HCM, chỉ có một chị đồng nghiệp tình cờ vào Nam công tác đến bệnh viện thăm. Chị nằm đó 2 tháng, có mẹ chăm sóc, nhưng trong nỗi bơ vơ... lãnh đạo cơ quan không ai hỏi thăm một lời.
 nuoc-mat-ngay-8.3-bong-hoa-nao-cho-Nguyen-Thi-NuBố Nụ, ông Nguyễn Duy Tiết cầm những huy chương của con mà ngậm ngùi - Ảnh: Lê Nam
Bao thành tích, có cả bằng Đại học thể dục thể thao Bắc Ninh, tuy nhiên, đến thời điểm này, Nụ vẫn chưa được vào biên chế, chị vẫn thuộc diện nhân viên hợp đồng ngắn hạn. Tổng thu nhập (cả lương, trợ cấp) mỗi tháng Nụ được 5 triệu đồng.
Nhà ở huyện Đông Anh, Hà Nội, cách nơi làm việc khoảng 30 km. Mỗi ngày Nụ phóng xe máy từ nhà tới cơ quan khi tờ mờ sáng và trở về khi đã tối mịt. “Tôi chưa biết bao giờ đến khoản tiền trợ cấp xăng dầu, điện thoại. Những ngày phải đi các huyện ngoại thành Hà Nội tuyển học sinh, cách trung tâm thành phố cả 40 km, tôi cũng phải tự lo chi phí đi lại”, Nụ giãi bày.
“Tôi đã có một tuổi trẻ không nên có, phải không?”
Thu nhập được khoảng 5 triệu đồng/tháng, tuy nhiên cơ quan không trả lương đều đặn. Nụ cho biết, đã 6 tháng nay chị chưa hề nhận được một đồng lương hay tạm ứng của cơ quan. Cuộc sống của Nụ trông chờ vào sự hỗ trợ của bố mẹ ở quê nhà.
Tất cả những bi kịch trên không phải là lý do để mới đây, nhà vô địch SEA Games phải gửi đơn xin thôi việc tới bộ môn điền kinh, Trung tâm huấn luyện và thi đấu thể dục thể thao Hà Nội. Nụ xin phép nghỉ từ khoảng tháng 8.2015 do thấy sức khỏe ngày một yếu đi, tự thấy không thể hoàn thành tốt công việc. Đến 25 tháng Chạp (âm lịch), Nụ chính thức gửi đơn xin thôi việc. Đáp lại tất cả những lá đơn, đều là sự im lặng của Trung tâm huấn luyện và thi đấu thể dục thể thao Hà Nội.
“Tôi chấp nhận lương thấp, tôi chịu được công việc vất vả, nhưng tôi không thể chịu được sự tra tấn tinh thần mà mọi người áp dụng với tôi. Tôi sống mà như không tồn tại. Tôi viết trong đơn xin thôi việc, những lời gan ruột trong lòng mình, đó là tôi rất lấy làm tiếc và cảm thấy đau đớn như mất đi một nửa cơ thể mình khi phải ngưng việc tại đây - nơi mà tôi đã gắn bó và đóng góp nhiều thành tích của mình bằng tất cả niềm đam mê và tâm huyết trong những năm vừa qua”, vai Nụ rung lên khe khẽ.
 nuoc-mat-ngay-8.3-bong-hoa-nao-cho-Nguyen-Thi-NuNụ chia sẻ với Thanh Niên, "tôi đã có một tuổi trẻ không đáng có, phải không?" - Ảnh: Lê Nam
“Tôi lấy cớ phải đi chữa bệnh nên thuê nhà ở Hà Nội ở để bố mẹ bớt lo. Kỳ thực, tôi không đủ tiền để thuê nhà. Tôi không dám kể hết những bệnh tật của mình, sợ bố mẹ lo. Tôi chưa có chồng, con, nhưng bây giờ tôi 31 tuổi đầu vẫn phải để bố mẹ nuôi”, Nụ quay mặt đi và khẽ nói, sợ nếu nhìn chúng tôi, chị òa khóc mất.
Những ngày rét căm căm của miền Bắc hồi trước Tết nguyên đán, Nụ chỉ nằm nhà mà cái chân vẫn không thể hết đau. Trong chân Nụ bây giờ có mấy chiếc đinh vít bị tuột ra, mỗi khi cử động khớp chân, đinh vít lại cọ vào xương, đau nhức nhối. 4 ca phẫu thuật từ trước và 10 năm VĐV chinh chiến các đấu trường không trả lại cho Nụ sức khỏe, tuổi trẻ, nó chỉ mang lại cho Nụ đau đớn và nước mắt đến tận bây giờ.
Nụ chào chúng tôi, chị bước về căn nhà ở nhờ, bước chân tập tễnh trong một sáng mùa đông u ám của miền Bắc. Mùng 8.3, bông hoa nào cho cô gái vàng của điền kinh một thời, sự chia sẻ nào đến với nữ VĐV đến nay vẫn trắng tay sau bao năm cống hiến cho thể thao? “Tôi đã có một tuổi trẻ không nên có, phải không?”, lời Nụ nói vẫn còn đây. Ai có thể mang câu trả lời cho chị?
Nụ đắng cay khi bao năm theo điền kinh, bây giờ trắng tay - Ảnh: Lê Nam
"Tôi muốn con về nhà"
Trong một căn nhà rất nhỏ ở xã Uy Nỗ, huyện Đông Anh, Hà Nội, huy chương của Nguyễn Thị Nụ treo trên một chiếc hộp kính rất lớn ở phòng khách. Số còn lại, để trong một góc tủ. Ông Nguyễn Duy Tiết, 59 tuổi, bố Nguyễn Thị Nụ mở cửa tủ, bỏ từng chiếc ra, đếm sơ sơ gần 20 chiếc. “Nếu giá trị của mỗi tấm huy chương quy thành tiền thưởng xứng đáng, thì chắc Nụ cũng không vất vả như bây giờ”, ông Tiết thở dài.
Mẹ Nụ 56 tuổi, một mình bà cấy lúa, trồng rau trên 3 mẫu ruộng. Bố Nụ đã nghỉ hưu, vẫn đi làm ở một lò bánh mì trong xã từ 3 giờ sáng. Họ mong muốn cô con gái út trở về nhà, có bố mẹ, anh em, sẻ chia nỗi buồn, ấm ức nơi đất khách.
"Ngày mai, tôi nằm liệt, điều này cũng không ai biết"
Sau khi biết thông tin về Nụ, những người bạn của chúng tôi đang làm việc tại một số doanh nghiệp Hà Nội ngỏ ý muốn giúp đỡ chị có một công việc phù hợp. Nụ rất xúc động, nhưng chị từ chối: “Tôi sẽ nhớ đến mọi người, nhưng bây giờ tôi phải chữa cái chân của mình, bây giờ tôi có thể tập tễnh đi, nhưng ngày mai, tôi nằm liệt, điều này cũng không ai biết trước. Tôi không muốn vì mình mà ảnh hưởng đến công việc của người khác”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.