Nước mắt, nụ cười ly hương: Người miền Trung 18 năm nuôi cháu cho con yên tâm mưu sinh

04/09/2019 13:32 GMT+7

Chuyện mưu sinh xứ lạ ám ảnh bữa cơm nơi làng quê miền Trung. Người chăm cháu 18 năm vì con ly hương, kẻ "vừa làm cha vừa làm mẹ" lo cho con 5 tháng tuổi để vợ rời quê. Cuộc mưu sinh chưa bao giờ dễ dàng....

18 năm, ông bà nuôi 6 đứa cháu

Gần 18 năm qua, vợ chồng ông Trần Cừ (ở thôn Nga Mân, xã Phổ Cường, H.Đức Phổ, Quảng Ngãi) thay con chăm sóc cháu. Ba người con trai lớn của ông bà lần lượt lập gia đình và 6 đứa cháu nối tiếp nhau chào đời giữa sự mừng vui xen lẫn bao lo toan.

Khi con chập chững, cha mẹ gửi cho ông bà chăm sóc để rời quê tìm kế mưu sinh. Vắng hơi mẹ, cháu bé khóc ngặt nghẽo lẫn tiếng bà ầu ơ trong nỗi xót xa. Cháu ốm đau khiến gương ông bà mặt gầy xọp sau những đêm mất ngủ. Các cháu tiếp bước nhau đến trường, ông tất bật đưa đón cùng việc chăm bón 1,5 mẫu ruộng lúa.

"Giờ các cháu lớn dần nên đỡ vất vả. Ngày hai buổi đưa đón cháu đến trường rồi lo bò nghé, ruộng vườn nên đâu thể thảnh thơi. Lúc trước, tôi chạy xe ôm vào ban đêm kiếm thêm tiền nuôi con trai út học đại học...", ông cho biết.

Vợ ông là bà Nguyễn Thị Kiệm góp chuyện: "Nhiều lúc có đám cưới ổng chỉ kịp gửi phong bì rồi vội đi đón cháu. Cực khổ mấy vợ chồng tôi cũng chịu, chỉ thương con và dâu. Chúng nó đi cả năm mới về nên con không theo cha mẹ. Tôi phải lựa lời giải thích, cha mẹ cháu dỗ dành ôm đi mua bánh rồi chở đi chơi nhưng đến tối vẫn ngủ với bà".

Vợ chồng ông Trần Cừ bên các cháu

Con ông Trần Cừ thường về thăm quê vào dịp tết sau cả năm rong ruổi mưu sinh. "Những ngày tết các con về đầy đủ nên vui lắm. Chơi được vài bữa rồi tụi nó ra đi chứ biết làm sao được. Ở quê làm vài sào ruộng thì làm sao sống nổi! Vợ chồng tôi mong mau đến tết để gia đình sum vầy...", bà Kiệm bộc bạch.

Chồng chăm con 5 tháng tuổi để vợ rời quê

Hơn 15 năm trước, anh Huỳnh Trung Tuấn sánh duyên cùng chị Dương Thị Kim Minh (cùng ở thôn Mỹ Trang, xã Phổ Cường) trước sự hân hoan của gia đình và quan khách. Anh chị gom tiền mừng cưới và vay vốn mua bò giống chăn nuôi với mong muốn "gầy dựng tương lai" nơi quê nhà. Thu nhập từ nuôi bò và canh tác ruộng vườn không đủ trang trải cuộc sống khi hai con lần lượt chào đời. Sau nhiều đêm đắn đo, anh chị chấp nhận xa nhau để kiếm tiền lo cho tương lai các con.

Chị nén lòng xa chồng và hai con thơ vào giúp việc cho chuyên gia Hàn Quốc tại Bình Dương. Nơi quê nhà, anh đảm đương việc nuôi nấng con và chăm lo ruộng vườn. Khi con đau ốm, anh lo cơm cháo, thuốc thang với tâm trạng rối bời.

Trong một dịp về thăm nhà, hai anh chị có thêm con trai thứ ba. Cháu bé tròn 5 tháng tuổi, chị sụt sùi chia tay chồng con vào nơi làm việc sau khoản thời gian nghỉ sinh. Bao ánh mắt cảm thương khi trông thấy anh bồng con thơ trên tay với lời ru buồn da diết.

"Không thể diễn tả hết nỗi khổ cực khi con còn nhỏ. Cũng vì lo cho tương lai của các con nên tôi cố gắng vượt qua chứ vợ chồng nào muốn xa nhau!...", anh tâm sự. 

Dịp tết, chị Minh ở bên chồng con mươi ngày sau cả năm xa cách. Sau tết, chị lại khăn gói trở lại nơi làm việc, anh ôm đàn và hát: "Em về rồi em lại đi, tình yêu vẫn ở lại/Tim yêu ta gần mãi/nên đời vẫn, đời vẫn xuân trào...".      

Xây nhà rồi đóng cửa... để đó

Thuở trước, vùng quê Phổ Cường "nghèo mà vui" theo hồi tưởng của những bậc cao niên. Dưới mái nhà đơn sơ, cả gia đình rì rầm chuyện trò bên mâm cơm đạm bạc. Trong làng có đám cưới thì mọi người chung tay giúp đỡ gia chủ. Thanh niên lo chặt tre dựng rạp rồi chăng đèn kết hoa và đến từng nhà trong xóm mượn bàn ghế để đãi tiệc vào ngày hôm sau.

Những bậc cao niên chỉ dẫn con cháu chẻ lạt, trang trí cửa nhà, giết gà, mổ lợn... Phụ nữ cùng nhau gói bánh, chế biến món ăn tỏa hương thơm phức. Ngày hôn lễ, xóm làng rộn ràng tiếng nói cười hòa cùng khúc nhạc giao duyên từ chiếc loa đài treo trên cành cây nơi đầu ngõ.

Nhưng khung cảnh làng quê nhộn nhịp ngày đó giờ chỉ còn trong dĩ vãng. "Sau nhiều năm dành dụm, hai con trai lớn của tôi mua đất và làm nhà rồi đóng cửa quanh năm. Thỉnh thoảng, vợ chồng tôi ra mở cửa quét dọn kẻo mối mọt gây hư hại. Đám cưới giờ có dịch vụ nấu cỗ lo mọi việc nên không còn đông vui như trước. Vả lại, bây giờ lũ trẻ đi làm ăn xa, người già thì thường đau yếu và bận chăm sóc cháu nên cũng không thể giúp...", ông Cừ tâm sự.

Diện mạo xóm làng đổi thay với sự chung sức đóng góp của những người con tha hương

Diện mạo Phổ Cường giờ đổi thay so với trước. Những căn nhà được xây dựng khang trang thay cho mái tranh nghèo ngày cũ. Nhiều tuyến đường làng ngõ xóm được bê tông hóa thay cho cảnh lầy lội ngày xa. Nhưng càng ngày càng thêm nhiều căn nhà nằm im lìm dưới nắng mưa.

Làng quê giờ vắng bóng người trẻ tuổi vì họ đang nhọc nhằn mưu sinh nơi đất lạ. Xóm làng không còn đông vui như thuở trước. Đám tang trong làng phải tìm dăm ba xóm mới đủ người khiêng quan tài ra nghĩa trang. "Bữa trước có đám tang bà cụ ở xóm trên nhưng tìm không đủ người khiêng. Chân tôi bị bong gân, bước đi khập khiễng nhưng cũng phải ghé vai vào với anh em cho bớt nặng", anh Tuấn cho biết.

Ông Trần Nguyên Giang, Chủ tịch UBND xã Phổ Cường cho biết: "Theo số liệu vừa khảo sát, Phổ Cường có gần 7.400 người trong độ tuổi lao động rời quê tìm kế mưu sinh, chiếm hơn 46% dân số. Qua đó, họ có điều kiện xây dựng nhà cửa, lo cho con em ăn học... và đóng góp xây dựng quê hương".

Làng quê ngày càng đổi thay, đói nghèo chìm sâu vào quá khứ. Nhưng phía sau sự đổi thay ấy là bao giọt nước mắt nhớ thương và những tháng ngày mòn mỏi đợi chờ trong u buồn xa cách. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.