Nước Nga, ôi nước Nga

29/10/2017 06:00 GMT+7

Có một bài hát Nga với điệp khúc 'Nước Nga, ôi nước Nga', cái điệp khúc cứ xoáy vào tâm hồn tôi, khiến tôi mãi bồi hồi mỗi khi nhớ lại.

Tôi có may mắn được hai lần sang thăm nước Nga - bấy giờ là Liên Xô. Lần thứ nhất vào năm 1985, khi Liên Xô tổ chức “Những ngày văn hóa Việt Nam tại Liên Xô”. Lần thứ hai vào năm 1988, tôi theo một lớp học trong ba tháng tại Viện văn học mang tên M.Gorki.
Tôi gắn bó với văn học Nga từ ngày còn học phổ thông. Nước Nga đã sống trong tôi qua tất cả những tác phẩm văn học mà tôi đã đọc, những tác phẩm âm nhạc cổ điển mà tôi đã nghe, cũng như những bài hát Nga đã từng theo tuổi trẻ của tôi vượt Trường Sơn vào chiến trường Nam bộ.
Mới đây, nghe lại bài hát rất quen thuộc trên YouTube Cuộc chiến tranh thần thánh, lúc âm nhạc vừa cất lên, tôi thấy tất cả những khán giả trong nhà hát lặng lẽ đứng dậy, trang nghiêm nghe bài hát như nghi lễ. Có cái gì rất thiêng liêng, khó giải thích về tinh thần nghe nhạc này của người Nga. Bài hát Cuộc chiến tranh thần thánh đã theo những người lính Nga ra trận, nó không chỉ lay động tâm hồn người lính Nga mà còn rung chuyển cả nước Nga. Lầm lì, mãnh liệt, tha thiết, kiêu hãnh, hành tiến âm nhạc của bài hát này đã cuốn bước chân của Hồng quân Xô viết trên những nẻo đường chiến trận khắp Liên Xô và khắp cả châu Âu. Nó như một bản Thánh ca, nên không ngạc nhiên khi người Nga nghe bài hát này cất lên đều đứng cả dậy. Phải chăng, đó là điều mà thế giới vẫn gọi: “Sự bí ẩn của tâm hồn Nga”. Trong những tháng năm kháng chiến chống Mỹ, tôi đã đồng nhất sự bí ẩn của tâm hồn Nga với lòng yêu nước, dù sự bí ẩn này còn rộng lớn hơn thế nữa. Nó là sự khoan dung, lòng nhân ái đặc biệt của người Nga, của Tính cách Nga - tên một truyện ngắn nổi tiếng thời chiến tranh vệ quốc của văn hào Aleksey Tolstoy, ra đời năm 1944. Truyện ngắn này nổi tiếng đến mức, cùng với những bài bút ký của Ilya Ehrenburg, nó đã nằm trong ba lô của những người lính Xô viết đi đến tận ngày họ cắm ngọn cờ chiến thắng trên nóc nhà quốc hội Berlin. Cùng với âm nhạc, văn học Nga đã làm tròn sứ mệnh của mình đối với đất nước và đối với nhân loại. Một nền văn học vĩ đại như thế, làm sao không bí ẩn?
Nước Nga là cây bạch dương ta dễ dàng nhìn thấy và đồng cảm được, nhưng cũng là những cánh đồng đất đen bất tận khô cằn khi mùa tuyết tan, là những cây thông kiên gan đứng dưới trời đông lạnh -20o, là những ngôi nhà thờ mái nhọn vút lên lời nguyện cầu lặng lẽ và buồn bã.
Chúng ta bây giờ đã làm bạn với cả thế giới. Nhưng như một câu ngạn ngữ Nga đã nói: “Bạn càng cũ càng quý", ta đã có một người bạn cũ đúng theo nghĩa ấy - nước Nga:
"Ôi nếu thiên thần lên tiếng gọi:
Bỏ nước Nga lên sống ở thiên đường!
Tôi sẽ đáp: “Thiên đường xin để đấy,
Xin cho tôi ở cùng Tổ quốc yêu thương"
(Sergei Yesenin)
Vâng, nước Nga không phải là thiên đường. Nước Nga chỉ là, và mãi mãi vẫn là nước Nga thôi. Vì thế mới có sự lựa chọn ngỗ ngược của Yesenin - thi sĩ, sự lựa chọn khiến chúng ta chợt cảm thấy nước Nga quyến rũ hơn cả thiên đường. Vâng, nước Nga trong thơ Yesenin chỉ là một chú chó nhỏ, một cây bạch dương, một căn nhà gỗ, một mùi cỏ dại… Một nước Nga lớn lao mà bé nhỏ, đau khổ mà hạnh phúc.
Bây giờ, mỗi khi đọc lại thơ Puskin, thơ Lermontov, thơ Blok hay thơ Yesenin, tôi vẫn cảm nhận được mùi hương đặc biệt của những cánh đồng Nga, vị ngọt của gió, cơn vọt trào mãnh liệt của tháng Năm xanh, và tuyết trắng như bài ca buồn bất tận trên con đường thiên lý…
Với tôi, nước Nga mãi mãi bí ẩn và gần gũi, khoan dung và giản dị như một người bạn cũ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.