Nước nông nghiệp sao ồ ạt nhập nông sản?: Đắng cay hạt muối

28/01/2010 22:39 GMT+7

Có đường biển dài hơn 3.200 km với khí hậu thuận lợi, nhưng điều đau xót là diêm dân VN chưa bao giờ giàu, càng đau xót hơn khi hằng năm chúng ta vẫn phải nhập muối từ nước ngoài để sử dụng. Mời nghe đọc bài

Chuyện buồn làng muối

Ninh Thuận là địa phương có diện tích ruộng muối lớn nhất khu vực duyên hải miền Trung, hiện có 1.531 ha, sản lượng hằng năm sản xuất gần 200.000 tấn, chiếm khoảng 20% sản lượng muối cả nước. Trong đó, khu vực sản xuất muối công nghiệp có 1.082 ha, số còn lại là diện tích muối của diêm dân.

Nghề muối thường lệ thuộc vào thời tiết, khi trời ít mưa, nắng nhiều thì diêm dân trúng mùa. Giá muối cũng lên xuống theo thời vụ, khiến đời sống diêm dân luôn bấp bênh. Ở các làng ven biển miền Trung, nhiều gia đình làm muối rất nghèo, họ phải bán "muối non”, chịu cảnh ăn trước trả sau, đời sống hết sức khó khăn. Năm 2009, giá muối lên cao, nông dân chưa kịp mừng thì đầu năm nay lại giảm còn 350.000 - 400.000 đồng/tấn, khiến nhiều diêm dân rất âu lo.

Tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cơn áp thấp nhiệt đới gần đây cũng đã gây thiệt hại nặng nề cho diêm dân. Ông Huỳnh Văn Thuyết, Chủ nhiệm Hợp tác xã dịch vụ nuôi trồng thủy sản và sản xuất muối Chợ Bến, huyện Long Điền, cho biết: “Trận mưa đột ngột kéo dài suốt 2 ngày gần đây đã khiến toàn bộ ruộng muối của diêm dân xã An Ngãi gần như mất trắng, nhiều hộ còn lâm vào cảnh nợ nần ngay trên ruộng muối của mình. Do nhiều gia đình kẹt vốn, họ đã bán muối lấy tiền trước cho thương lái. Chỉ chờ thu hoạch là thương lái đến lấy đi, nhưng muối đã mất trắng thì họ vẫn sẽ phải trả số nợ này”. Tại xã An Ngãi, huyện An Điền, trong đợt mưa trái mùa vừa qua có tới 80 hộ diêm dân bị thiệt hại với tổng số lượng ước khoảng 1.600 tấn muối trị giá gần 1 tỉ đồng.

Tại Indonesia, một nước có điều kiện sản xuất muối tương tự VN, Chính phủ nước này có quyết định cấm nhập khẩu muối trong vụ thu hoạch muối vào khoảng từ tháng 6 - 9 hằng năm. Quy định cũng bắt buộc các nhà nhập khẩu phải mua muối của diêm dân trong vụ thu hoạch và phải xuất trình hóa đơn mua muối của diêm dân trước khi nhập khẩu. Lượng muối nhập khẩu không được nhiều hơn lượng muối đã mua của diêm dân. Chính phủ Indonesia áp dụng chính sách này nhằm bảo vệ diêm dân không bị thua lỗ trong vụ thu hoạch do giá bán thường thấp hơn giá thành sản xuất. Đây là một trong những giải pháp hỗ trợ diêm dân mà VN cần tham khảo.

Ông Nguyễn Bình, diêm dân ở xã Chí Công, huyện Tuy Phong (Bình Thuận) lo lắng: “Tôi có 4 sào muối, vụ vừa rồi bị mưa trái mùa làm thiệt hại hết 90%. Bây giờ vào vụ chính nhưng rất lo không bán được muối. Mà không bán được muối thì Tết này lấy đâu ra tiền ăn Tết”. Ông Bùi Hữu Trung cùng địa bàn trên, kể: “Năm ngoái giá muối 800.000 đồng/tấn. Nhưng năm nay thương lái chỉ mua với giá 500.000 đồng/tấn, thấy tiếc quá nên tôi giữ lại chờ giá lên. Nhưng đến giáp Tết mà giá không tăng thì cũng phải bán mới có tiền sắm sửa cho mấy đứa nhỏ”.

Vòng luẩn quẩn

Theo Cục Chế biến thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ NN-PTNT), năm 2009, diện tích sản xuất muối toàn quốc đạt 14.476 ha, tăng gần 16% so với năm 2008, sản lượng ước đạt 800.000 tấn. Tuy nhiên, điều xót xa là dù nước ta có khả năng sản xuất muối và đời sống diêm dân luôn khó khăn, nhưng hằng năm VN vẫn phải nhập muối để sử dụng. Năm 2009, VN đã phải nhập khẩu tổng cộng trên 400.000 tấn muối. Đây không phải là năm đầu tiên VN nhập khẩu muối.

Năm 2001, muối được nhập về nhiều nhất với 500.000 tấn, năm 2007 nhập 137.000 tấn, năm 2008 nhập trên 230.000 tấn. Dự kiến năm 2010 sẽ phải nhập khoảng 260.000 tấn. Ông Lê Nguyễn Chương - Phó tổng giám đốc Tổng công ty Muối, trầm tư: “Có trên 3.200 km đường biển, số giờ nắng trong năm luôn cao nhưng VN lại luôn phải nhập khẩu muối là một nghịch lý đáng buồn, tuy nhiên với trình độ kỹ thuật sản xuất còn hạn chế thì mỗi năm nước ta vẫn phải nhập khẩu muối để sử dụng thì cũng dễ hiểu. Năng suất muối trung bình của nước ta không cao, chỉ ở khoảng 100 - 120 tấn/ha/năm, trong khi đó, tổng nhu cầu của cả nước từ 1,2 – 1,4 triệu tấn/năm thì mỗi năm chúng ta phải nhập vài trăm tấn muối mới đáp ứng đủ”.

Theo ông Diệp Kỉnh Tần - Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, nhu cầu tiêu thụ muối mỗi năm tăng khoảng 10% nhưng năng lực sản xuất tăng không tương xứng, đơn cử như năm 2009 sản xuất chỉ tăng có 5,4%. Đầu năm 2007, Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch phát triển sản xuất muối với mục tiêu đến năm 2020, tổng diện tích sản xuất muối đạt 14.500 ha, trong đó diện tích muối công nghiệp tăng lên tới 8.500 ha, tổng sản lượng muối là 2 triệu tấn, trong đó muối công nghiệp đạt trên 1,3 triệu tấn.

Nhập khẩu muối thì giá muối trong nước giảm, diêm dân cực khổ, nhưng nếu không nhập thì lại không đủ muối cho nhu cầu tiêu dùng và sản xuất. Vòng luẩn quẩn này cho đến nay vẫn chưa có một chiếc đũa thần nào có thể hóa giải được. Đáng lo ngại là giá muối thế giới sẽ còn tiếp tục giảm mạnh, giá muối tại Ấn Độ chỉ có 20 - 25 USD/tấn, tức là bằng 25% giá muối tại Việt Nam, nếu cộng cả thuế nhập khẩu, chi phí vận chuyển thì giá muối về đến cảng VN cũng không quá 800 đồng/kg.

Ông Tô Xuân Loát - Phó giám đốc Xí nghiệp muối Thông Thuận (Tuy Phong, Bình Thuận) than thở: “Giá muối hiện nay chỉ còn khoảng 500-600 đồng/kg, thấp hơn cả giá thành thì sao bà con chịu nổi. Trong khi đó muối nhập từ Ấn Độ chỉ 700-800 đồng/kg, các nhà máy mua ngay tại các cảng ở TP.HCM, không tốn tiền vận chuyển, tính ra còn rẻ hơn mua muối từ Bình Thuận, Ninh Thuận chuyển vào. Nhưng nhập muối nhiều thì chỉ có chết diêm dân”.

Một giám đốc công ty muối khác ở Phan Thiết, nói: “Khi có thông tin cho nhập khẩu muối, lập tức các lái buôn, đầu nậu muối hạ giá ép các doanh nghiệp và bà con. Vì cần vốn sản xuất nên nhiều người phải bán với giá thấp hơn thực tế công lao bỏ ra. Lúc mùa mưa về không có muối thì giá muối lại tăng. Theo tôi, nhập muối chỉ bóp chết các doanh nghiệp nhỏ, nhất là bà con sẽ quanh năm vất vả nhưng không thoát cảnh khổ. Nhà nước cần tổ chức lại sản xuất muối vì chúng ta không thiếu tiềm năng, cái gì thiếu chứ muối thì chúng ta sẽ không thiếu nếu có sự đầu tư vốn và chính sách phù hợp”.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Diệp Kỉnh Tần: Chưa đủ diện tích làm muối

“Chúng ta thiếu muối vì chưa có đủ diện tích làm muối, trong khi sản lượng lại phụ thuộc quá nhiều vào thời tiết. Việc mở rộng diện tích sản xuất muối đang gặp khó khăn về vốn khi mà đầu tư sản xuất muối rất tốn kém, trên dưới 100 triệu đồng/ha. Trong khi đó, giá muối không ổn định khiến người dân lúc thì tập trung sản xuất muối, khi lại bỏ muối nuôi tôm. Việc xây dựng các nhà máy, khu đô thị cũng đã xóa sổ một số đồng muối”.

Bà Bùi Thị Xuyến, chủ Doanh nghiệp muối Lam Sơn (Ninh Thuận): Muối còn tồn đọng vẫn nhập khẩu

Trong khi giá muối trong nước tiếp tục giảm và tồn đọng một lượng hàng khá lớn thì ngay trong sáng hôm qua 28.1, muối Ấn Độ tiếp tục cập cảng Khánh Hội với số lượng gần 30 ngàn tấn. Hiện nay, muối diêm dân được các tư thương thu mua với giá từ 400.000 - 500.000 đồng/tấn, giảm hơn một nửa so với năm 2009.

Ông Nguyễn Văn Hường, diêm dân xã Tri Hải (Ninh Thuận):

Diêm dân chúng tôi chỉ biết làm ra hạt muối rồi bán cho tư thương chứ đâu biết cách gì để cạnh tranh với muối ngoại. Trước đây giá muối ở mức 1 triệu đồng/tấn, người làm muối còn có lãi, khoảng hơn tháng nay, giá muối tụt xuống thê thảm làm diêm dân điêu đứng. Chúng tôi đề nghị Nhà nước cần có chính sách bảo trợ giá cho hạt muối để diêm dân yên tâm sản xuất.

Thiện Nhân (ghi)

Quang Thuần - Quang Duẩn - Quế Hà

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.