Dự án cấp nước 9 thị trấn: Tuy Phước (huyện Tuy Phước), Bình Định, Đập Đá, Gò Găng (huyện An Nhơn), Ngô Mây (huyện Phù Cát), Bình Dương (huyện Phù Mỹ), Tăng Bạt Hổ (huyện Hoài n), Bồng Sơn và Tam Quan (huyện Hoài Nhơn) của tỉnh Bình Định được triển khai từ năm 2005 với tổng kinh phí đầu tư gần 84 tỉ đồng bằng nguồn vốn vay của WB.
Khi dự án hoàn thành vào năm 2009, WB yêu cầu đấu thầu quản lý vận hành, nhưng qua ba lần mời thầu rộng rãi vẫn không có đơn vị nào tham gia dự thầu.
Sau đó, UBND tỉnh Bình Định quyết định giao cho Công ty TNHH Một thành viên cấp thoát nước Bình Định quản lý vận hành, cung cấp nước sạch sinh hoạt cho người dân và các cơ quan, trường học, xí nghiệp… (gọi chung là khách hàng) ở trên địa bàn thuộc vùng dự án.
|
Công suất thiết kế giai đoạn 1 của dự án là 10.500m3/ngày đêm. Dự án này dành khá nhiều ưu đãi cho khách hàng. Nếu khách hàng sử dụng nước thì chỉ cần mở van mà không phải chi bất kỳ một khoản phí nào vì đồng hồ nước được trang bị miễn phí, đường ống cũng được kéo vào tận nhà dân, trụ sở.
Để hỗ trợ thêm cho khách hàng, đơn vị quản lý đưa ra mức giá nước chỉ 3.800 đồng/m3 (thấp hơn ở nội thành Quy Nhơn 1.000 đồng/m3) nhưng các nhà máy nước của dự án vẫn phải lâm vào cảnh vận hành cầm chừng do khách hàng không mặn mà sử dụng.
Thực trạng trên khiến cho khả năng trả nợ của dự án rất xa vời. Theo tính toán ban đầu, nếu các nhà máy vận hành đạt 100% công suất thiết kế thì trong vòng 20 năm sẽ trả hết vốn vay (cả gốc lẫn lãi).
Tỷ lệ tiêu thụ nước sạch bình quân của dự án hiện chỉ đạt hơn 30% công suất thiết kế khiến đơn vị quản lý vận hành liên tục bị thua lỗ.
Trong năm 2010, mặc dù chưa tính lãi vay nhưng số tiền thua lỗ đã lên đến hơn 3,4 tỉ đồng. Lượng nước tiêu thụ 9 tháng đầu năm 2011 vẫn giậm chân tại chỗ nên doanh thu tiếp tục âm thêm gần 1 tỉ đồng/quý.
|
Ngày 10.10, ông Đặng Đình Lân, Phó giám đốc Công ty TNHH Một thành viên cấp thoát nước Bình Định, cho biết: “Mục tiêu của dự án là cung cấp nước sạch sinh hoạt đạt tiêu chuẩn chất lượng theo quy định của Bộ Y tế, thay thế nguồn nước giếng tự nhiên ở các thị trấn vốn không đảm bảo vệ sinh. Tuy nhiên, điều kỳ lạ là người dân vẫn không thay đổi được thói quen sử dụng nước giếng. Có hộ sử dụng chỉ vài m3 trong suốt thời gian 3 năm qua. Công ty đã tập trung mời gọi các trường học, cơ quan, đơn vị nhưng hầu hết cũng chê nước sạch. Thiết bị đầu tư buộc phải bỏ không gây lãng phí rất lớn”.
Theo tìm hiểu của Thanh Niên Online, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đã chỉ đạo các địa phương trong vùng dự án tích cực phổ biến, tuyên truyền, vận động người tham gia sử dụng nước sạch nhằm đảm bảo sức khỏe, góp phần phát huy hiệu quả dự án, nhưng tình hình tiêu thụ nước sạch ở các thị trấn vẫn không có dấu hiệu tiến triển khả quan.
Không biết đến bao giờ khoản nợ vay hàng chục tỉ đồng từ WB mới có thể trả hết, chưa kể đơn vị quản lý vận hành ngày càng gánh chịu áp lực lớn từ các khoản chi phí khấu hao tài sản, lãi phát sinh, thuế tài nguyên môi trường…
Đình Phú
Bình luận (0)