Nước sinh hoạt hôi, khét: Viwasupco biết có váng dầu, âm thầm tăng hóa chất xử lý

15/10/2019 08:40 GMT+7

Phát hiện dầu loang ở nguồn nước nguyên liệu nhưng Viwasupco không đưa ra khuyến cáo mà âm thầm tăng hóa chất để xử lý khiến nước sinh hoạt bán cho người dân sử dụng có mùi khét, hôi.

Tại Nhà máy nước sạch sông Đà ở H.Kỳ Sơn (Hòa Bình), ông Nguyễn Văn Tốn, Tổng giám đốc Công ty CP đầu tư nước sạch sông Đà (Viwasupco), thừa nhận đã phát hiện dầu thải trên hồ Đồng Bài và suối Trâm, gần kênh dẫn nước vào nhà máy từ ngày 9.10 và công ty này đã tăng hóa chất xử lý, khiến nước về Hà Nội có mùi nồng nặc mấy ngày qua.

Tại sao không khuyến cáo người dân?

Ngày 14.10, tại suối Trâm (xã Phú Minh, H.Kỳ Sơn), dầu thải đã được vớt hết, nước đã trong nhưng vẫn nồng nặc mùi khét. Lớp bùn đáy suối cũng có màu đen kịt. Theo người dân địa phương, dầu thải loang khắp suối Trâm từ tối 8.10, lan cả vào hồ cá của một hộ gia đình khiến cá chết trắng, ước tính thiệt hại khoảng 70 triệu đồng. Sau khi phát hiện dầu loang, Viwasupco đã huy động hàng chục cán bộ, công nhân để vớt.
Khoảng 50 người địa phương cũng được thuê với tiền công 500.000 đồng/ngày, nhưng được mô tả công việc là “dọn cỏ, phát quang quanh suối”. Khi đến nơi, người được thuê mới biết mình đi vớt dầu. “Mùi nồng nặc khiến tôi thấy buồn nôn. Đeo khẩu trang vẫn ngửi thấy. Dầu đặc quánh, đổ qua phễu to cũng không chảy được, chúng tôi phải dùng que để chọc cho chảy xuống can hoặc bao tải”, một người được thuê vớt dầu cho biết.
Khi được hỏi, ông Nguyễn Văn Tốn thừa nhận công ty đã phát hiện ra dầu từ sáng 9.10, đã huy động toàn bộ cán bộ công nhân viên và thuê người làm vệ sinh như kể trên. Ông Tốn cũng cho biết đã “mời chính quyền địa phương và Công an Hòa Bình đến để tìm ra thủ phạm”, sau đó đã “tăng hóa chất gồm vôi lên men, phèn, clo” để xử lý nước.
Đáng chú ý, trả lời về trách nhiệm của một công ty sản xuất nước và bán cho hàng triệu người, ông Tốn nói: “Công ty cũng thường xuyên lấy mẫu nước nội kiểm và thấy chất lượng nước đảm bảo. Tuy nhiên, đến ngày 10.10, thấy khách hàng có phản ánh, công ty theo dõi sát sao, đã súc xả bể chứa. Đến 11.10, đoàn thanh tra liên ngành của Sở Xây dựng và Sở Y tế lên làm việc kiểm tra tất cả các thứ. Sau sự cố, công ty vẫn vận hành bình thường và xét nghiệm nước trong công ty thấy đảm bảo”. Được hỏi tại sao không khuyến cáo cho khách hàng dù dư luận Hà Nội sôi sục vì chất lượng nước những ngày qua, cũng như không thông báo rộng rãi việc phát hiện dầu loang, ông Tốn cho biết “không có chuyện bưng bít”, mà đã báo với Công an tỉnh Hòa Bình.
“Tôi nghĩ là mùi clo thôi”, ông Tốn nói và nhiều lần khẳng định chất lượng nước nội kiểm của công ty này đạt tiêu chuẩn của Bộ Y tế, không có chất độc, những mùi lạ mà người dân cảm nhận là do mùi clo. Dù vậy, Tổng giám đốc của Viwasupco không dám khẳng định 100% không có dầu lọt vào nước sạch cấp cho người dân.

Truy tìm thủ phạm “đầu độc” nguồn nước sạch sông Đà

Trong diễn biến liên quan, Bộ TN-MT đã đề nghị UBND tỉnh Hòa Bình chỉ đạo cơ quan chức năng truy tìm thủ phạm đổ dầu vào đầu nguồn nước của Nhà máy nước sạch sông Đà. Tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ TN-MT ngày 14.10, ông Hoàng Văn Thức, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, cho biết đêm 8.10 người dân phát hiện một ô tô tải loại 2,5 tấn không rõ biển số đổ trộm dầu thải ra suối Trâm. Do trời mưa to, dầu tràn ra suối, lan đến kênh dẫn nước vào Nhà máy nước sạch sông Đà.
“Theo Sở TN-MT Hòa Bình, dầu loang đã được thu gom, Sở TN-MT Hòa Bình đã lấy mẫu nước xét nghiệm. Tỉnh Hòa Bình đã chỉ đạo truy tìm người đã đổ dầu bừa bãi. Nguồn nước sạch sông Đà rất quan trọng với người dân Hà Nội, nên cần kiểm soát tốt đầu nguồn, nếu không hậu quả sẽ khôn lường”, ông Thức nói và cho biết sau sự việc, Bộ TN-MT đã đề nghị tỉnh, Sở TN-MT tỉnh Hòa Bình cần kiểm soát chặt chẽ, yêu cầu doanh nghiệp phải có biện pháp kiểm soát nguồn nước, chất lượng nước nguyên liệu sản xuất từ xa. Đây cũng là khuyến cáo chung cho các nhà máy, địa phương khác về vấn đề nước sạch sinh hoạt cho người dân.

Trách nhiệm rất lớn

Theo luật sư Nguyễn Thị Hải Hương (Đoàn luật sư Hà Nội), nếu kết luận của cơ quan chức năng là nguồn nước không an toàn thì Viwasupco có trách nhiệm rất lớn trong việc cung cấp nước sinh hoạt không đảm bảo cho cả triệu người dân ở Hà Nội.
“Ngày 9.10, Viwasupco đã biết là có dầu loang ở nguồn nước nguyên liệu sản xuất nước sạch. Kết quả xét nghiệm chưa có ngay, nhưng về cảm quan có thể thấy nguy cơ nước sinh hoạt không còn an toàn. Điều này chắc chắn Viwasupco nắm được, nhưng họ vẫn cung cấp nước sinh hoạt, không một lời cảnh báo cho người dân. Và cũng không ai dám chắc họ sẽ không thu tiền mua nước của người dân trong những ngày qua”, luật sư Hương nêu.
Lê Quân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.