Từ 10 triệu đồng vay mượn, sau hơn 5 năm, anh Trần Hiệu (28 tuổi, xã Quảng Thái, H.Quảng Điền, Thừa Thiên-Huế) gây dựng nên cơ ngơi vài trăm triệu đồng từ việc nuôi cá lồng trên đầm phá.
Trên chiếc thuyền mới, anh Hiệu đưa chúng tôi ra đầm phá để thăm cơ ngơi của mình. Mênh mông giữa sóng nước, anh kể, vợ chồng anh mua chiếc thuyền này để đi vớt rong làm thức ăn cho cá. Sinh ra trong gia đình 10 anh em, bố mẹ làm nghề nông, anh Hiệu sớm ý thức là mình phải tự lập. Sau khi ngược xuôi đủ nghề, anh Hiệu quyết định quay trở về quê để làm giàu trên chính mảnh đất quê mình.
|
|
Quê anh Hiệu gần vùng đầm phá Tam Giang. Cách đây 5 - 6 năm, việc nuôi trồng thủy sản ở đây còn ít, chủ yếu là đánh bắt. Thấy nhiều xã khác, mọi người khá giả lên nhờ nuôi cá trên đầm phá, anh quyết định vay mượn tiền làm lồng nuôi cá. “Vay mượn khắp mới được hơn chục triệu, tôi làm hai lồng rồi thả cá trắm cỏ nuôi. May mắn, mùa đầu tiên tôi trả được nợ, rồi cứ lấy lãi tăng thêm số lồng. Hiện tại tui có được 6 lồng cá. Mỗi năm, một lồng như vậy thu lại khoảng 20 triệu đồng”.
Đi cùng chúng tôi, anh Phan Công Phước, Bí thư Đoàn xã Quảng Thái, cho biết: “Hiện anh Hiệu không chỉ là gương thanh niên tiêu biểu làm kinh tế giỏi mà còn năng nổ trong nhiều hoạt động của Đoàn. Thanh niên trong xã ít người chịu sống ở quê, đa số đều đi làm công nhân ở trong miền Nam. Ở lại làm giàu trên quê hương như anh Hiệu là quý lắm”.
Nhìn đàn cá đớp thức ăn một cách ngon lành, anh Hiệu nói, ở đây chủ yếu nuôi cá trắm cỏ. Mỗi năm thu hoạch một lần. Nuôi cá ở đây rất lợi. Rong rêu là nguồn thức ăn chủ yếu. Cá nuôi gần như tự nhiên nên rất ngon. Còn đầu ra, thương lái về tận lồng mua cá. Anh Hiệu kể, vì vốn liếng ít nên ban đầu anh chỉ lấy công làm lãi. Ngày ngày, anh đi vớt rong rêu trên phá về làm thức ăn cho cá. Ban đêm, anh phải ra ngủ ngoài đầm để canh. Năm 2009, bão lớn khiến nhiều hộ nuôi cá trong làng mất trắng; riêng anh Hiệu mất 3 lồng cá đã gần thu hoạch. Sau trận bão, anh vay thêm 20 triệu để tu sửa lồng và thả cá nuôi tiếp. “Làm kinh tế thời buổi này thì phải mạnh dạn mới có lãi. Ở quê mà chỉ bám mấy sào ruộng thì sao khấm khá được. Mình vẫn còn rất nhiều kế hoạch phát triển kinh tế nhưng để thu xong vụ cá này mới thực hiện được”, anh Hiệu chia sẻ.
Tuyết Khoa
>> Khá lên nhờ nuôi cá trê suối
>> Nuôi cá tầm trên hồ thủy điện
>> Thoát nghèo bằng nghề nuôi cá
>> Thành triệu phú từ nuôi cá sấu
Bình luận (0)