Ồ ạt đưa con xét nghiệm sán lợn

17/03/2019 06:46 GMT+7

Ngày 16.3, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư và Viện Sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng T.Ư (đều đóng tại Hà Nội) tiếp tục xét nghiệm sán lợn cho gần 900 trẻ ở H.Thuận Thành (Bắc Ninh).

1.200 trẻ xét nghiệm trong 2 ngày

Thông tin từ Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới T.Ư và Viện Sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng T.Ư cho hay, trong hai ngày 15 và 16.3, ước tính hơn 1.200 trẻ từ 1 - 10 tuổi, trong đó nhiều trẻ dưới 7 tuổi là con em của các gia đình sống tại H.Thuận Thành (Bắc Ninh), được đưa đến 2 BV trên để xét nghiệm nhiễm sán lợn. Trong số này bước đầu phát hiện 81 trẻ nhiễm sán lợn.
[VIDEO] Ồ ạt đưa trẻ đi xét nghiệm sán lợn, bệnh viện đông hơn sân ga ngày Tết
Theo bác sĩ Trần Thị Hải Ninh, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp (BV Bệnh nhiệt đới T.Ư), trong ngày 16.3, tại BV này có thêm gần 500 trẻ từ 1 - 6 tuổi được lấy máu xét nghiệm nhiễm sán. BV cũng mở rộng xét nghiệm thêm một số ký sinh trùng khác (sán chó/sán lá gan) do kết quả xét nghiệm trước đó ghi nhận một số trường hợp nhiễm 2 loại sán này ngoài các ca nhiễm sán lợn.
Điều trị bệnh sán lợn thế nào?
Theo Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế, bệnh sán dây/ấu trùng sán dây lợn hay còn gọi là bệnh sán dải, sán dải lợn phân bố ở nhiều nơi trên thế giới. Nguyên nhân mắc bệnh liên quan đến tập quán ăn uống, ăn thịt lợn chưa nấu chín. Ở VN, theo số liệu được báo cáo qua các nghiên cứu, cơ sở điều trị, đến nay có ít nhất 55 tỉnh, thành có ca bệnh sán dây/ấu trùng sán lợn.
GS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới T.Ư, cho biết bệnh sán dây lợn không phải là bệnh cấp tính, do đó các phụ huynh cần bình tĩnh. Khi nghi ngờ con có giun sán nên đưa đến BV khám.
Theo phác đồ điều trị hiện nay, để tiêu diệt sán trưởng thành chỉ mất 1 ngày; tiêu diệt hết trứng mất 2 tuần. Các trường hợp dương tính sẽ được bác sĩ tư vấn, kê thuốc điều trị. Nếu uống đủ trong 15 ngày sẽ sạch ký sinh trùng sán dây lợn.
Liên Châu
Do số bệnh nhân đến cùng lúc và đông nhất trong hàng chục năm của ngành truyền nhiễm, những ngày qua, 2 BV trên đã phải huy động nhân viên tăng cường khám và lấy mẫu máu xét nghiệm.
Tại BV Bệnh nhiệt đới T.Ư, lúc cao điểm, đã phải trưng dụng thêm hội trường để làm phòng khám “dã chiến” tiếp nhận các trẻ. Hôm nay (17.3), BV sẽ có bộ phận trực tiếp nhận nếu tiếp tục có thêm các trường hợp đến xét nghiệm sán. Đầu tuần tới, BV sẽ công bố kết quả xét nghiệm.
Trước đó, ngày 15.3, đã có 365 trẻ tại H.Thuận Thành được gia đình đưa đến 2 BV trên xét nghiệm sán lợn, sau khi có thông tin nghi ngại các bé có nguy cơ nhiễm sán lợn do thịt lợn cung cấp cho một trường mầm non tại địa phương không đảm bảo an toàn thực phẩm.

Làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan

UBND tỉnh Bắc Ninh vừa có văn bản thông báo kết luận của ông Nguyễn Tử Quỳnh, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh, tại cuộc họp về việc cung cấp thực phẩm tại Trường mầm non xã Thanh Khương (H.Thuận Thành).
Theo đó, ông Quỳnh yêu cầu Sở Y tế căn cứ vào các xét nghiệm, báo cáo chính thức đến các cơ quan chức năng liên quan; hướng dẫn, tuyên truyền cho người dân về việc phòng chống sán lợn; tổ chức xét nghiệm với các học sinh tại Trường mầm non Thanh Khương. Công an tỉnh Bắc Ninh khẩn trương điều tra làm rõ trách nhiệm của tập thể và cá nhân liên quan đến việc cung cấp thực phẩm không đảm bảo an toàn cho các trường học.
Chủ tịch UBND tỉnh này cũng yêu cầu Ban Quản lý an toàn thực phẩm tỉnh phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường thanh tra, kiểm tra việc đảm bảo an toàn thực phẩm trong trường học. Sở GD-ĐT tỉnh chỉ đạo các cơ sở chủ động thực hiện nghiêm quy trình kiểm soát, truy suất nguồn cho các bếp ăn tập thể bán trú tại trường học...
Bà Nguyễn Thị Ngọc, Phó trưởng phòng GD-ĐT H.Thuận Thành, cho biết đang tiếp tục chờ kết quả xét nghiệm của các học sinh rồi sẽ có phương án tiếp theo. Phòng cũng đã chỉ đạo 21 trường trên địa bàn tạm dừng nhập thực phẩm từ Công ty Hương Thành.
Ông Ngũ Duy Anh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất Bộ GD-ĐT, cho biết Bộ sẽ có văn bản gửi các sở GD-ĐT về việc tăng cường thực hiện an toàn vệ sinh thực phẩm đối với các bếp ăn bán trú; kiểm soát chặt chẽ nguồn thực phẩm, quy trình giao nhận, bảo quản thực phẩm; tăng cường tuyên truyền, giáo dục học sinh về an toàn vệ sinh thực phẩm phòng chống dịch bệnh.
Có thể phạt 20 năm tù
Theo luật sư Huỳnh Công Thư, Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Long An, cần làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan. Trong trường hợp ban giám hiệu nhà trường biết rõ hoặc làm ngơ cho thực phẩm bẩn vào bếp ăn gây hậu quả cho học sinh thì phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình với vai trò đồng phạm.
Luật sư Thư phân tích, với những hành vi đưa thực phẩm bẩn vào trường học, theo điều 6 luật An toàn vệ sinh thực phẩm, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; mức phạt được áp dụng không quá 7 lần giá trị thực phẩm vi phạm. Nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường và khắc phục hậu quả theo quy định của pháp luật.
Đặc biệt, hành vi chế biến, cung cấp, bán thực phẩm mà biết là thực phẩm không bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật, quy định về an toàn thực phẩm gây ngộ độc ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của từ 5 - 20 người, hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31 - 60% sẽ bị phạt tiền từ 50 - 200 triệu đồng hoặc phạt tù từ 1 - 5 năm theo điểm e, khoản 1, điều 317 bộ luật Hình sự về tội vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Ngoài ra, tùy vào mức độ nguy hiểm của hành vi mà mức phạt có thể lên đến 20 năm tù. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 - 100 triệu đồng; cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 - 5 năm.
Ngọc Lê
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.