Ô nhiễm môi trường chưa được cảnh báo kịp thời

Hiện TP.HCM có 12 trạm quan trắc môi trường, trong số đó có đến 9 trạm hư hỏng, không hoạt động được.

Mới dùng đã hư
Mới đây trong buổi họp báo quý 1/2017, Sở Tài nguyên - Môi trường TP cho biết 9 trạm quan trắc bị hư hỏng do chính phủ Na Uy và Đan Mạch hỗ trợ xây dựng từ năm 2003, hoạt động đến năm 2012 thì bị hỏng hoàn toàn. Sở đã đề xuất với UBND TP đầu tư, nâng cấp lại 9 trạm quan trắc này nhưng hiện vẫn chưa được chấp thuận. Do đó, để có số liệu về môi trường nước và không khí, TP hiện đang phải dựa vào phương pháp bán tự động (nhân viên đi lấy mẫu đem về phòng thí nghiệm phân tích) nên chưa cung cấp toàn diện số liệu và khó có thể đánh giá hiện trạng ô nhiễm môi trường nước, không khí của TP một cách chính xác, đồng bộ. Không những vậy hiện nay 16 trạm quan trắc nước thải tại các khu công nghiệp, một số trạm cũng đang trục trặc.
Sở này cũng cho biết đã đề xuất UBND TP chấp thuận dự án đầu tư xây dựng 27 trạm quan trắc tự động và 227 trạm quan trắc bán tự động để quan trắc các dữ liệu ô nhiễm nước mặt, nước ngầm và không khí. Việc xây dựng dự kiến bắt đầu từ năm nay đến năm 2020, với kinh phí khoảng 495 tỉ đồng. Tuy nhiên đề án này hiện vẫn chưa được thông qua.
Theo các chuyên gia, do thiếu thiết bị quan trắc hiện đại nên thời gian qua công tác quan trắc môi trường TP chỉ mới dừng lại ở mức độ theo dõi diễn biến, chưa đưa ra các cảnh báo, dự báo, giải pháp hạn chế, xử lý các vấn đề ô nhiễm môi trường. Trong khi quan trắc môi trường giống như chuyện gác cổng, phải thực hiện thường xuyên và liên tục, nếu bỏ lơ hoặc đứt đoạn thì hiệu quả sẽ không cao, khó có thể đưa ra các cảnh báo kịp thời. Đặc biệt do cách quan trắc bán tự động, không thường xuyên nên kết quả quan trắc không phản ánh đúng thực tế về chỉ số ô nhiễm môi trường.
Quản lý yếu kém
PGS-TS Lê Huy Bá, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ và quản lý môi trường (Đại học Công nghiệp TP.HCM), cho rằng TP đang ngày càng đông đúc và phát triển nên cần lắp đặt thêm nhiều trạm quan trắc để theo dõi và xử lý kịp thời các vấn đề về môi trường, chất lượng không khí và nguồn nước. Tất nhiên, phải xác định những điểm nào, khu vực nào cần ưu tiên lắp đặt, không nên lắp đặt tràn lan, lãng phí. Thế nhưng, chính quyền TP cũng cần nhắc nhở cơ quan chủ quản các thiết bị trong việc bảo quản thiết bị quan trắc. Việc 9 trạm quan trắc tự động do chính phủ Na Uy và Đan Mạch tài trợ mới sử dụng chưa đến chục năm đã hư hỏng là khó chấp nhận. Tất nhiên, không loại trừ yếu tố ăn mòn, tác động của thiên nhiên vì các trạm đều đặt ngoài trời. Nhưng lẽ ra các thiết bị này phải được theo dõi và kiểm tra thường xuyên, hư bộ phận nào phải sửa ngay mới bền được. Nếu UBND TP.HCM chấp thuận đầu tư thiết bị mới như đề xuất của Sở Tài nguyên - Môi trường, chi phí gần 500 tỉ đồng mà không được chú trọng bảo quản, hư hỏng nhanh như vừa qua là một lãng phí lớn. Ở các nước những trạm quan trắc môi trường, sử dụng hàng chục năm vẫn còn hoạt động tốt. Vị phó giáo sư này nhận định, nếu các thiết bị quan trắc bán tự động hiện nay tại TP có sai số lớn, sẽ dẫn đến số liệu các chỉ tiêu không khí, tiếng ồn, bụi… không nói lên được thực trạng môi trường TP. Từ đó, những người làm khoa học, điều hành cũng không biết xử lý thế nào cho hợp lý.
Ngoài ra, PGS Lê Huy Bá góp ý thêm, số liệu quan trắc môi trường thực tế phải được công bố rộng rãi cho mọi người dân biết, kể cả số liệu quan trắc thủy văn. Lâu nay, vấn đề này ít được công bố rộng rãi.
PGS-TS Hồ Long Phi, Giám đốc Trung tâm quản lý nước và biến đổi khí hậu (WACC), Đại học Quốc gia TP.HCM, nhận định việc đầu tư lắp đặt các trạm quan trắc môi trường tại TP là rất cần thiết. Thế nhưng, cần chú trọng chất lượng hơn số lượng, ít mà tốt. Đặc biệt, không nên ham rẻ mà phải đặt tiêu chí hàng đầu là độ bền và tính chính xác vì các trạm quan trắc hoạt động liên tục 24/24. Ngoài ra, các thiết bị này phải được bảo hành dài hạn, không thể để xảy ra tình trạng hư hỏng một thời gian dài như vừa qua.
Về vấn đề công khai thông tin, theo ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường, trong thời gian tới thông tin về các chỉ tiêu chất lượng môi trường của TP sẽ được công bố trên 48 bảng điện tử đang sử dụng để thông báo thông tin về giao thông và đưa lên trang web của Sở để người dân theo dõi. Dự kiến thời gian triển khai là cuối tháng 3.2017. “Việc công bố này giúp xác định nguyên nhân từ đâu gây ra và có giải pháp xử lý hiệu quả chất lượng môi trường của chúng ta đang sống”, ông Thắng nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.