Ô nhiễm môi trường ở vùng lũ

09/11/2009 09:36 GMT+7

(TNO) Lũ đã đi qua, nhưng xác gia súc, gia cầm vẫn còn trôi bồng bềnh trên sông Ngân Sơn, nằm la liệt trong các hốc cây, mắc kẹt ở khắp các ống cống… Mùi hôi thối nồng nặc khắp nơi. Ô nhiễm môi trường đang đe dọa người dân vùng lũ.

Trên dòng sông Ngân Sơn, huyện Tuy An (Phú Yên), có nhiều xác gia súc nổi dập dềnh trên mặt nước. Sau nhiều ngày ngâm trong nước, các xác này đã bắt đầu phân hủy, bốc mùi hôi thối nồng nặc cả khúc sông chạy từ xã An Định đến xã An Thạch (H.Tuy An).

Ông Nguyễn Văn Phùng ở khu phố Ngân Sơn, thị trấn Chí Thạnh (H.Tuy An), bức xúc: “Xác gia súc, gia cầm chết tấp về phía nam sông Ngân Sơn, nằm chồng chất, đã thối rữa có mùi hôi thối rất khó chịu. Để vớt được xác cần có nhiều người, nhưng người dân lại ngại không ai dám vớt vì không có thiết bị bảo hộ. Ai cũng biết để lâu ngày sẽ ảnh hưởng sức khỏe”.

Theo thống kê của UBND tỉnh Phú Yên, trong cơn lũ vừa qua đã có 4.419 con gia súc  chết, bị cuốn trôi; 150.690 con gia cầm chết, bị cuốn trôi. Số gia súc, gia cầm này mắc kẹt ở các lùm cây, vùi sâu trong các bãi rác, nằm ở bờ sông đã trương sình, phân hủy.
“Nếu không chôn lấp cẩn thận cứ để cho chúng tự phân hủy thì rất nguy hiểm đến sức khỏe của người dân. Một số vật nuôi như chó, mèo… đã ăn xác chết gia súc, gia cầm. Đây là nguồn lây lan dịch bệnh trong cộng đồng dân cư” - một cán bộ y tế ở thị trấn Chí Thạch lo lắng.

Bà Phạm Thị Lê - Phó chủ tịch UBND H.Tuy An lo lắng: “Toàn huyện có hơn 4.000 con trâu, bò chết. Một số thì trôi ra biển, số còn lại mắc kẹt ở các lùm cây, cầu, cống… Địa phương có xác gia súc, gia cầm chết tập trung nhiều nhất là thôn Long Phú, xã An Cư. Hàng trăm xác gia súc, hàng ngàn xác gia cầm nằm la liệt ở đây. Chúng tôi đã huy động lực lượng phun hóa chất tiêu độc khử trùng, đào hố chôn lấp, nhưng với lực lượng và phương tiện hiện tại thì không thể kham nổi, vì buộc phải xử lý nhanh nhằm tránh dịch bệnh bùng phát”.

Để nhanh chóng xử lý môi trường sau lũ, bà Lê đề nghị: “Tỉnh cần sớm hỗ trợ lực lượng về chuyên môn và phương tiện để tập trung khử trùng môi trường ở những điểm nóng, còn địa phương xử lý những điểm nhỏ lẻ nằm rải rác trong dân cư. Nếu việc xử lý xác gia súc, gia cầm không kịp thời thì nguy cơ bùng phát dịch bệnh là rất lớn”.

Đức Huy

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.