Ô nhiễm tiếng ồn - Bài 2: "Hậu quả khôn lường, xử lý loay hoay"

27/05/2009 23:00 GMT+7

Theo các nhà chuyên môn, tiếng ồn không chỉ khiến chúng ta mệt mỏi, căng thẳng, stress... mà còn làm giảm thính lực (điếc) không hồi phục được. Nghe đọc bài

Bác sĩ Đỗ Hồng Giang, khoa Thính học Bệnh viện Tai - Mũi - Họng TP.HCM, phân biệt hai loại tiếng ồn: tiếng ồn môi trường và tiếng ồn công nghiệp.

“Theo quy định, tiếng ồn không vượt quá 85 decibel (dB), nếu vượt quá ngưỡng cho phép sẽ gây tác hại cho thính lực. Nếu sống trong khu dân cư, môi trường có tiếng ồn cao kéo dài liên tục sẽ khiến thính lực bị mệt mỏi, lâu dần dẫn đến suy thính lực. Người nào đều đặn hằng ngày tiếp xúc với tiếng ồn từ 85dB trở lên trong 2 giờ, kéo dài liên tục trong hai năm sẽ bị giảm thính lực. Có 5 mức độ giảm thính lực khác nhau, từ nhẹ đến điếc sâu: mức độ 1 giảm nghe một ít; mức độ 2 phải nói lớn mới nghe, rất khó nghe trong môi trường có tiếng ồn; mức độ 3 phải đứng gần và nói thật lớn mới nghe; mức độ 4 phải kề sát tai và hét mới nghe được; mức độ 5 không còn khả năng nghe nữa”, bác sĩ Giang nói.

Điếc không chữa được!

Đáng lưu ý, theo bác sĩ Giang, với đường sá có lượng xe gắn máy, ô tô dày đặc, nhiều cơ sở sản xuất gây ồn ào như TP.HCM hiện nay thì mức độ tiếng ồn bình quân trong ngày luôn đạt từ 85dB trở lên. Do vậy, những người thường xuyên phải tiếp xúc với tiếng ồn của dòng xe cộ (như cảnh sát giao thông, người buôn bán ngoài đường, hay vì công việc phải di chuyển thường xuyên ngoài đường; ở nhà mặt tiền phải mở cửa...) sẽ bị ảnh hưởng bởi tiếng ồn nghiêm trọng.

Và một khi thính lực đã bị giảm do phải tiếp xúc với tiếng ồn một thời gian dài như nói trên thì không thể khắc phục lại được mà chỉ còn cách đeo máy trợ thính, bởi cấu trúc của tế bào thính giác đã bị tổn hại...

Bác sĩ Trần Quốc Hưng, Trưởng khoa Vệ sinh lao động - sức khỏe trường học của Trung tâm Bảo vệ sức khỏe lao động và môi trường TP.HCM, cũng cảnh báo tiếng ồn ngoài gây ù tai, chóng mặt, mất thăng bằng, dễ gây tai nạn lao động, khiến con người mệt mỏi triền miên, đau đầu, kém ăn, kém ngủ, thiếu máu, cơ thể suy nhược, sút cân, tăng huyết áp, mạch nhanh, ảnh hưởng đến tim mạch... còn làm giảm thị lực, rối loạn màu sắc.

Còn theo bác sĩ Phạm Thanh Sơn, chuyên khoa Tai - Mũi - Họng Bệnh viện Phương Đông, ngay cả những người nghe nhạc bằng tai nghe thường xuyên cũng có thể bị điếc do tiếng ồn!

Khó xử lý người vi phạm

Điều 8, Nghị định 150/2005 ngày 12.12.2005 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự và an toàn xã hội, quy định rõ hành vi gây ảnh hưởng đến sự yên tĩnh chung.

Cụ thể, phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với một trong những hành vi: gây tiếng động lớn, làm ồn ào, huyên náo trong khoảng thời gian từ 22 giờ đến 5 giờ sáng ngày hôm sau; không thực hiện các quy định về giữ yên tĩnh của bệnh viện, nhà điều dưỡng, trường học hoặc ở những nơi khác có quy định phải giữ yên tĩnh chung.

Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi: dùng loa phóng thanh, chiêng, trống, còi, kèn hoặc các phương tiện khác để cổ động ở nơi công cộng mà không được phép của các cơ quan có thẩm quyền, bị tịch thu tang vật, phương tiện.

Trên thực tế, do quy định hành vi gây ồn ào chỉ bị xử lý nếu vi phạm trong khoảng thời gian từ 22 giờ đến 5 giờ sáng ngày hôm sau, nên nếu người dân có phản ánh về tiếng ồn trong giờ sinh hoạt, chính quyền, công an nhiều địa phương cho rằng chỉ có thể đến nhắc nhở các cửa hàng giảm âm lượng.

“Cấp phường không có đủ chức năng cũng như phương tiện máy móc để kiểm tra cường độ tiếng ồn. Chưa kể, thủ tục kiểm tra cũng phức tạp, mỗi khi nhận được phản ánh, phường phải kết hợp với các cơ quan chức năng quận, như văn hóa - thông tin, tài nguyên - môi trường đem phương tiện xuống đặt đo... sau đó mới ra quyết định xử lý được”, cán bộ một phường ở Q.9 phân bua.

Cán bộ một cơ quan chức năng cấp thành phố cũng thừa nhận, hiện chỉ mới tập trung giải quyết, xử lý các doanh nghiệp sản xuất gây ô nhiễm tiếng ồn, chứ chưa lưu ý đến các cửa hàng kinh doanh máy tính, quần áo, thời trang... mở nhạc ồn ào như nói trên.

Riêng đối với tiếng ồn lưu động do các loại xe mở nhạc chạy trên đường, ông Võ Phong, cán bộ Văn hóa - Thông tin P.Phạm Ngũ Lão, Q.1, thừa nhận: “Địa phương chào thua, vì xe cộ đang lưu thông thì chỉ có cảnh sát giao thông mới cho ngừng xe xử lý được”.

Cán bộ kiên quyết, dân được nhờ

Khi nghe chúng tôi chuyển phản ánh của người dân về một cửa hàng kinh doanh điện thoại di động nằm ở góc giao lộ 3 Tháng 2 và Sư Vạn Hạnh thường mở nhạc lớn, gây ồn ào, bà Ngụ Yến Mỵ, Phó chủ tịch UBND, Tổ trưởng kiểm tra liên ngành văn hóa xã hội P.12, Q.10, cho biết sẽ trực tiếp đến nhắc nhở chủ kinh doanh.

“Nếu bà con tiếp tục phản ánh, thì phường sẽ lập biên bản xử phạt hành chính và buộc chủ kinh doanh ký cam kết không tái phạm. Trường hợp vi phạm lặp đi lặp lại, chúng tôi sẽ đề nghị tước giấy phép kinh doanh của hộ đó”, bà Mỵ nói.

Còn tại “chợ tiếng ồn” trên đường Dương Tử Giang, bà Ngô Mai Hoàng Yến, Chủ tịch UBND P.15, Q.5, khẳng định không có việc chính quyền địa phương bao che. “Sau khi nhận được phản ánh của bà con địa phương, phường đã tăng cường kiểm tra, lập biên bản, đồng thời cảnh cáo một số điểm kinh doanh thường xuyên gây ồn ào. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ kiên quyết hơn nữa đối với hộ kinh doanh tại đây. Trường hợp vi phạm 3 lần trở lên, phường sẽ kiến nghị tạm ngưng kinh doanh”, bà Yến khẳng định.

Một trường hợp khác, sau khi nhận được phản ánh của người dân do PV Báo Thanh Niên chuyển tới, ngày 20.5 tổ kiểm tra liên ngành P.11, Q.6, tiến hành kiểm tra cơ sở cửa sắt trên đường số 5. Ông Lê Thanh Bình, Chủ tịch UBND phường cho biết tổ kiểm tra đã lập biên bản, yêu cầu chủ cơ sở phải ngưng hoạt động, nếu tái phạm sẽ tịch thu các phương tiện, thiết bị sản xuất.

Minh Nam - Thanh Tùng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.