Vì sao phải thu hoạch lúa theo cách truyền thống?
Đến xứ biển Vĩnh Châu thời điểm này, nhiều người sẽ dễ dàng bắt gặp hình ảnh nông dân thu hoạch lúa. Điều đặc biệt là trong khi cơ giới hóa đã phổ biến khắp ruộng đồng cả nước thì người dân nơi đây vẫn cắt lúa bằng lưỡi liềm, tuốt lúa bằng bồ… Cách thu hoạch này rất hiếm gặp thời nay.
Người dân địa phương cho biết, bà con trồng lúa để lấy rơm trồng hành tím nên khâu thu hoạch hoàn toàn thủ công. Lúa được cắt sát gốc, sau đó đập vào chiếc bồ cho hạt văng ra.
Chiếc bồ đập lúa cao khoảng 2,5m, làm bằng tre. Miệng bồ đóng các thanh tre dài và bọc lại bằng lưới, tạo thành hình vuông, có chừa một khoảng trống cho người đứng đập lúa. Phía dưới đáy để dụng cụ đựng lúa; trong đó có thang tre để đập cho hạt lúa rơi.
Thu hoạch lúa theo cách này giúp chủ ruộng và người trồng hoa màu đều có lợi. Chủ không cần tốn tiền thuê máy móc, còn có rơm để trồng hành tím.
Rơm là tấm áo che mưa, nắng cho hành tím
Ông Lý Phên (60 tuổi, ngụ TX.Vĩnh Châu) có hơn 40 năm trồng lúa và hành tím. Đó cũng là khoảng thời gian ông canh tác lúa theo kiểu truyền thống.
"Làm lúa lấy gạo ăn, còn rơm thì phục vụ trồng hành tím. Rơm ở đây quý như hạt lúa, nhà nào cũng trữ rơm. Việc cắt lúa, đập lúa theo cách này tuy mất thời gian và cực nhọc nhiều nhưng bù lại là sợi rơm được giữ nguyên, khi phủ đất trồng màu nói chung, trồng hành lá nói riêng sẽ rất tốt", ông Phên nói.
Cũng theo ông Phên, nếu sử dụng máy gặt đập thì sợi rơm bị nghiền nát, dễ bị gió thổi bay khi dùng đậy gốc hành tím. Còn khi cắt bằng lưỡi liềm, tuốt hạt bằng bồ, sợi rơm được giữ nguyên, khi phủ không bị gió thổi bay.
Bà Lý Then (55 tuổi, ngụ TX.Vĩnh Châu) cho biết: "Từ lâu, bà con Vĩnh Châu xem sợi rơm vàng sánh ngang hạt lúa. Bởi sau vụ lúa, đất được cày xới, lên liếp rồi trồng màu. Rơm phủ lên gốc như một tấm áo che mưa che nắng cho hành tím. Nhờ cây lúa và hành tím giúp bà con có cơm ăn, áo mặc, lo cho con cái ăn học".
Bình luận (0)