Ô tô hybrid - Bước chuyển đổi hợp lý từ xe xăng truyền thống sang xe điện

19/10/2021 14:00 GMT+7

Hỗ trợ phù hợp cho các loại xe “xanh” là con đường ngắn nhất hướng tới tương lai “xanh hóa” hệ thống giao thông tại Việt Nam.

Chưa bao giờ, cụm từ “xe điện” được nhắc tới nhiều như 10 năm trở lại đây. Xu hướng di chuyển “xanh” ngày càng được nhiều người tiêu dùng và các chính phủ quan tâm khi xác định xe điện là tương lai của hệ thống giao thông với mức xả thải bằng 0. Tuy nhiên, với những quốc gia đang phát triển như Việt Nam, phủ rộng xe điện còn nhiều rào cản, đặc biệt là hạ tầng trạm sạc.

Ô tô điện chưa thể bùng nổ tại Việt Nam

Duy Cường, sống tại Hà Nội, là một người trẻ yêu thích công nghệ mới. Anh mua chiếc Toyota Corolla Cross 1.8HV hồi tháng 5 vì cảm thấy xe hybrid phù hợp với hạ tầng giao thông Việt Nam. “Khi số lượng trạm sạc nhiều hơn, tôi mới can đảm thử mua xe điện xem sao”, anh nói. Quan điểm của Duy Cường không cá biệt. Đa số người tiêu dùng Việt Nam vẫn e dè với xe điện vì chưa có đủ trạm sạc.

Để kích thích tiêu dùng xe điện, các quốc gia phát triển đồng loạt thu hút doanh nghiệp có chuyên môn lắp đặt và vận hành trạm sạc bằng những chính sách hỗ trợ về thuế, phí, cho vay ưu đãi… Ví dụ, Na Uy - nơi có tỷ lệ xe “xanh” cao nhất thế giới, hỗ trợ 100% hoặc 3.000 euro lắp đặt trạm sạc chậm... Trong khi đó, Việt Nam hiện chưa có các chính sách hỗ trợ để trạm sạc xe điện công cộng phủ rộng, vì thế xe điện vẫn chưa thể trở thành lựa chọn lý tưởng trong một sớm một chiều.

Một rào cản khác của xe điện là giá bán. Trong một hội thảo diễn ra đầu tháng 9, VAMA cho biết, trung bình giá xe điện cao hơn 45% so với xe sử dụng động cơ đốt trong do chi phí sản xuất pin cao. Thực tế, tại Mỹ và châu Âu, cùng một mẫu xe, phiên bản điện (đã bao gồm pin) luôn cao hơn 20-30% so với phiên bản động cơ đốt trong khiến nhiều người tiêu dùng chưa thực sự sẵn sàng.

Bên cạnh đó, xe điện được coi là lựa chọn tốt nhất cho môi trường trên lý thuyết, tiếp theo đến xe hybrid. Nhưng theo VAMA, bảo vệ môi trường hay không còn phụ thuộc vào cơ cấu nguồn điện. Quốc gia có tỷ lệ năng lượng sạch càng cao càng dễ chuyển đổi sang xe điện hóa. Như Na Uy và Đan Mạch có tỷ lệ năng lượng điện sạch lên tới 98% và 78%, trong khi đó, Việt Nam chỉ có 35% là năng lượng điện sạch, còn lại 65% sử dụng khí đốt.

Để quyết định một loại xe “xanh” bảo vệ môi trường đến mức độ nào phụ thuộc vào sản xuất xe, sản xuất pin và CO2 phát thải trong quá trình tạo ra điện để nạp cho xe. Theo VAMA, lộ trình “điện khí hóa” tại Việt Nam sẽ hợp lý khi đi từ xe hybrid, xe hybrid sạc điện đến xe thuần điện bởi hệ số phát thải của điện lưới còn cao.

Xe hybrid - Từng bước “xanh hóa” giao thông đô thị

Toyota Việt Nam tin rằng xe hybrid sẽ đảm bảo bước chuyển nhịp nhàng, tránh gián đoạn cho bước chuyển từ xe xăng dầu truyền thống sang xe điện, người dùng có thời gian làm quen với loại phương tiện di chuyển thân thiện với môi trường. Mẫu xe hybrid phổ thông đầu tiên được hãng xe Nhật mang về phân phối là Corolla Cross và đang nhận được những phản hồi tích cực với doanh số cộng dồn 14.113 xe kể từ khi ra mắt, liên tục vào top 10 xe bán chạy nhất thị trường hằng tháng, trong đó có hơn 12% là phiên bản 1.8HV sử dụng động cơ hybrid, vượt mức kỳ vọng hãng đặt ra.

Đánh giá về chiếc xe, Duy Cường cho biết, chiếc Corolla Cross hybrid mà anh sử dụng đi hỗn hợp tiêu hao thực tế 4,2 lít/100km, bằng một nửa mức tiêu hao của phiên bản 1.8G và 1.8V dù dùng động cơ xăng cùng dung tích. Điều này đồng nghĩa mức khí thải CO2 ra môi trường giảm còn một nửa.

Theo biểu thuế suất tiêu thụ đặc biệt, xe ô tô chạy bằng xăng kết hợp năng lượng điện, với tỷ trọng xăng sử dụng không quá 70% năng lượng sử dụng được hưởng ưu đãi mức thuế bằng 70% so với ô tô động cơ đốt trong cùng loại. Như vậy, xe hybrid không thuộc diện được hưởng ưu đãi dù góp phần giảm thiểu khí thải, đó là điều bất hợp lý. Trên thực tế, đây là loại xe chạy bằng xăng, tận dụng năng lượng dư thừa trong quá trình vận hành để nạp điện cho bộ pin. Hơn nữa, tỷ lệ 70% cũng gây khó khăn khi xác định tỷ lệ sử dụng nguồn năng lượng giữa xăng và điện của xe hybrid không cố định, biến thiên theo từng điều kiện vận hành.

VAMA đề xuất phương án hỗ trợ theo 4 giai đoạn. Theo đó, giai đoạn khởi động (2021-2030), tất cả loại xe “xanh”, bao gồm hybrid, hybrid sạc điện và thuần điện cần được hưởng mức thuế tiêu thụ đặc biệt một cách hài hòa, giảm lệ phí trước bạ và hỗ trợ khách hàng (phí đỗ xe, thuế môi trường...), sau đó giảm dần tới các giai đoạn sau.

Tại các quốc gia phát triển, chính sách phổ biến nhất được áp dụng là tính thuế tiêu thụ đặc biệt căn cứ theo mức phát thải CO2. Đây là chính sách phù hợp cho ngắn hạn, khuyến khích người dân Việt sử dụng xe “xanh”, trong đó có xe hybrid. Trong tương lai có thể giảm ưu đãi cho xe hybrid để người dân chuyển sang loại phương tiện không phát thải bằng các phương án giảm lệ phí trước bạ, hướng tới mục tiêu chung giảm lượng khí thải nhà kính và chống biến đổi khí hậu.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.