Xe nhập “gọi trời không thấu”
Ngày 28.6, Nghị định 70/2020 quy định việc giảm 50% lệ phí trước bạ đối với những mẫu xe du lịch dưới 9 chỗ ngồi lắp ráp trong nước chính thức được áp dụng. Chính sách này như một liều “doping” dành riêng cho những dòng xe “nội”. Bởi, dù không trực tiếp tác động đến giá xe nhưng thực tế, việc giảm lệ phí trước bạ sẽ giúp người mua tiết kiệm được kha khá chi phí lăn bánh. Qua đó gián tiếp tạo nên lợi thế cho những mẫu xe “nội” trong cuộc đua với xe nhập khẩu.
Dĩ nhiên, những nhà phân phối xe nhập khẩu khó lòng chấp nhận chính sách mới này. Không ít liên doanh đã lên tiếng với mong muốn được đối xử “bình đẳng” hơn. Điểm nhấn đáng chú ý nhất diễn ra vào cuối tháng 6.2020. Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) chính thức công bố “Sách trăng 2020”. Trong đó có “yêu sách” quan trọng, mong muốn giảm lệ phí trước bạ đối với xe nhập khẩu tương đương xe lắp ráp trong nước.
|
Hiệp hội này cho rằng, kích cầu tiêu dùng với ô tô là việc làm cần thiết trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế. Tuy nhiên, nếu chỉ ưu tiên giảm lệ phí trước bạ với ô tô sản xuất trong nước như một biện pháp tạm thời để vượt qua khủng hoảng rõ ràng không phù hợp. Bởi theo EuroCham, Covid-19 ảnh hưởng trên toàn cầu. Vì vậy, hiệp hội này kiến nghị giảm 50% phí trước bạ cho tất cả doanh nghiệp nhập khẩu, lắp ráp và phân phối ô tô mới xóa bỏ phân biệt đối xử trong áp dụng giảm thuế.
Đáng tiếc, “yêu sách” của EuroCham chưa thể thành hiện thực. Và trong số 19 thương hiệu ô tô nhập khẩu đang tham chiến thị trường Việt Nam, chỉ có Peugeot và Mercedes-Benz được hưởng lợi từ chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ nhờ có dây chuyền lắp ráp trong nước.
“Bấm bụng” giảm giá để cạnh tranh
Sau những nỗ lực bất thành từ phía hiệp hội, những mẫu xe nhập khẩu tháng vừa qua rơi vào thế bất lợi. Bởi những đa phần xe “ngoại” vốn dĩ giá bán đã cao, trong khi xe “nội” lại có thêm liều “doping” giảm lệ phí trước bạ. Do vậy, để vực dậy sức cạnh tranh và cải thiện doanh số bán, nhiều liên doanh phân phối xe nhập đã “cắn răng buộc bụng”, chấp nhận “đu” theo những đối thủ phân phối xe lắp ráp trong nước tung nhiều chương trình ưu đãi, giảm giá. Thậm chí, nhiều hãng “tự mình” trả lệ phí trước bạ cho khách mua xe bằng với mức giảm từ Chính sách.
|
Ở phân hạng xe sang, nơi mức giảm 50% lệ phí trước bạ có thể giúp khách mua xe tiết kiệm đến vài trăm triệu đồng, Audi là hãng xe khai màn. Theo đó, thương hiệu xe Đức dù trước nay rất ít khi ưu đãi cũng phải “xuống nước” khi hỗ trợ 50% lệ phí trước bạ cho khách mua hai mẫu A4 và Q5, áp dụng đến hết 2020. Với giá bán hiện tại, khách Việt có thể tiết kiệm từ 85 - 125 triệu đồng khi mua hai mẫu xe kể trên.
Trong khi đó, BMW có lẽ là thương hiệu chịu “thiệt” nhất khi đối thủ trực tiếp Mercedes-Benz có nhiều dòng xe được giảm mức lệ phí trước bạ. Nhưng khác với Audi, Trường Hải (THACO) mạnh tay hơn khi tung chương trình giảm giá trực tiếp cho nhiều dòng xe “Bim”. Lần lượt các dòng sedan đến những dòng SUV, mức giảm cao nhất áp dụng cho 5-Series và X3 lên đến hơn 300 triệu đồng.
Tiệm cận phân khúc xe sang, Volkswagen Việt Nam cũng chọn cách hỗ trợ 50% lệ phí trước bạ tương đương 90 triệu đồng cho khách mua phiên bản Tiguan Allspace Luxury trị giá 1,799 tỉ đồng. Bản Tiguan Allspace Luxury S có giá niêm yết 1,869 tỉ đồng cũng được nhà phân phối của hãng xe này tại Việt Nam hỗ trợ 1 năm bảo hiểm vật chất, tương đương 30 triệu đồng. Trong khi mẫu sedan Passat BlueMotion High giá 1,48 tỉ đồng, giảm đến 177 triệu đồng.
|
Phân khúc xe phổ thông cũng sôi động không kém. Ford trải qua nửa năm đầu 2020 “ảm đạm” khi doanh số cộng dồn lao dốc. Ngoài mẫu SUV đô thị EcoSport, các sản phẩm còn lại của liên doanh này đều nhập khẩu. Chính vì vậy, để cải thiện tình hình, Ford Việt Nam tung ưu đãi giảm giá 75 triệu đồng khi mua hai phiên bản Ambiente và 20 triệu đồng với khách mua bản cao cấp Titanium của dòng xe SUV Everest. Mẫu bán tải Ford Ranger cũng được áp dụng giảm giá từ 20 - 75 triệu đồng tùy phiên bản.
Trong khi đó, Suzuki không giảm giá 40 triệu đồng cho phiên bản Ertiga Sport nâng cấp vừa ra mắt không lâu, biến mẫu MPV này thành mẫu xe rẻ nhất phân khúc. Isuzu chọn hỗ trợ 50% lệ phí trước bạ cho hai mẫu xe chủ lực mu-X và D-Max đến hết tháng 9, giúp khách hàng tiết kiệm từ 21 - 67 triệu đồng tùy phiên bản, mẫu xe. Hai hãng xe Nhật Bản - Nissan và Mitsubishi cũng liên tục áp dụng giá giá bán vài chục triệu đồng cho hàng loạt mẫu xe phân phối theo dạng nhập khẩu.
|
Đến “ông lớn” Toyota dù không giảm giá hay hỗ trợ lệ phí trước bạ như các hãng khác nhưng cũng phải chọn cách hỗ trợ lãi suất 6 tháng hoặc tặng kèm phụ kiện để vực dậy doanh số, đặc biệt là mẫu Wigo vốn đang chịu sức ép rất lớn từ các đối thủ lắp ráp như Kia Morning hay Hyundai Grand i10.
Dẫu sao khách mua xe vẫn… lợi
Nhìn chung, sau gần một tháng áp dụng chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ với ô tô lắp ráp trong nước, người mua ô tô dẫu sao cũng đã ít nhiều hưởng lợi.
Đối với khách mua ô tô “nội”, dù không thể “hưởng lợi kép” khi nhiều doanh nghiệp phân phối xe “nội” nhanh tay cắt giảm khuyến mãi, ưu đãi giá ngay khi chính sách có hiệu lực. Nhưng chung quy lại họ vẫn chẳng “thiệt” khi tiết kiệm được chi phí lăn bánh nhờ lệ phí trước bạ giảm. Trong khi đó, những người “không thích” xe lắp ráp cuối cùng cũng có thể thỏa mãn phần nào khi hàng loạt liên doanh phân phối xe nhập khẩu buộc phải giảm giá để cạnh tranh.
Bình luận (0)