Olympic Tokyo 2020: Đô cử Thạch Kim Tuấn không thành công!

25/07/2021 15:09 GMT+7

VĐV cử tạ Thạch Kim Tuấn đã không đạt thứ hạng cao ở hạng cân 61 kg nam - hạng cân không phải sở trường của anh tại cuộc thi cử tạ Olympic Tokyo 2020 diễn ra chiều nay, 25.7.

Tường thuật trực tiếp
Olympic cử tạ

Thạch Kim Tuấn thất bại, Việt Nam có nguy cơ trắng tay ở Olympic Tokyo 2020

Chiến thuật không mạo hiểm

14 VĐV tranh tài hạng cân 61 kg nam, được chia thành 2 nhóm gồm nhóm B với 5 VĐV có ít cơ hội tranh chấp huy chương và nhóm A với 9 VĐV, trong đó có Thạch Kim Tuấn và những VĐV hàng đầu thế giới.
Đương kim vô địch ASIAD Irawan Eko Yuli (Indonesia) cùng nhà vô địch thế giới, đương kim vô địch châu Á Li Fabin (Trung Quốc, người đang nắm giữ kỷ lục thế giới với thành tích tổng cử 318 kg) là 2 ứng viên nặng ký nhất cho cuộc cạnh tranh HCV, HCB. Thạch Kim Tuấn chính là gương mặt sáng giá cho tấm HCĐ khi chỉ số thành tích chỉ kém 2 VĐV kể trên. Ban huấn luyện tuyển cử tạ Việt Nam đánh giá cuộc cạnh tranh huy chương ở Olympic rất khốc liệt, cơ hội lẫn thách thức rất lớn đang đón đợi Thạch Kim Tuấn.
Những đối thủ dự báo sẽ cạnh tranh HCĐ với Thạch Kim Tuấn (có thành tích tổng cử tốt nhất 304 kg) là Yoichi Itokazu (Nhật Bản, tổng cử 298 kg), Shota Mishvelidze (Georgia, 293 kg), Alsaleem Seraj (Ả Rập Xê Út, 286 kg), Son Igor (Kazakhstan, 286 kg).
HLV Huỳnh Hữu Chí và Thạch Kim Tuấn xác định VĐV chủ nhà Nhật Bản Yoichi Itokazu là đối thủ đáng gờm nhất. Tuy nhiên, các VĐV khác cũng gây bất ngờ khi đăng ký mức tạ cao như Shota Mishvelidze ở mức 305 kg, Alsaleem Seraj đăng ký mức 303 kg, Son Igor đăng ký mức 300 kg. Nhận thấy đây có thể là chiến thuật tạo sức ép cho đối phương nên HLV Huỳnh Hữu Chí vẫn chỉ đăng ký mức tạ cho Thạch Kim Tuấn là 296 kg, xếp hạng 7 trong nhóm VĐV kể trên và có thể sẽ thi đấu trước nhưng an toàn.
Thạch Kim Tuấn có bất lợi nhất định vì chưa có được sự chuẩn bị tốt nhất. Anh phải cách ly y tế thời gian dài sau khi đi thi đấu quốc tế trở về Việt Nam vào tháng 4 vừa qua. Chưa kể chấn thương lưng dai dẳng khiến đô cử sinh năm 1994 bị ảnh hưởng lớn mỗi khi tập nặng. Thêm mối lo với Thạch Kim Tuấn là ở giải vô địch châu Á năm ngoái, anh thất bại ở 3 lần cử đẩy nên không được tính thành tích. Vì thế, BHL và đoàn thể thao Việt Nam không đặt mục tiêu phải đoạt huy chương đối với Thạch Kim Tuấn nhằm giúp anh không bị áp lực đè nặng. Tuy nhiên, chính Thạch Kim Tuấn cũng thổ lộ nếu thi đấu đúng sức, anh hoàn toàn có thể đạt mục tiêu giành huy chương.
Từ ngày sang Nhật Bản, Thạch Kim Tuấn được chăm sóc rất kỹ, đặc biệt giữ gìn an toàn trong sinh hoạt lẫn tập luyện nhằm phòng tránh dịch bệnh. Từng có trong tay đủ huy chương ở các đấu trường thế giới, châu lục, khu vực, Thạch Kim Tuấn chỉ thiếu mỗi tấm huy chương Olympic và anh khát khao chinh phục bằng được tại Thế vận hội lần này.

Ra ngõ gặp “núi lớn”

Ngoài Thạch Kim Tuấn, ở ngày thi đấu thứ 3 Olympic 2020, đoàn thể thao VN còn một số nội dung thi khác. Hai VĐV Lường Thị Thảo và Đinh Thị Hảo đấu tranh vé vớt vào bán kết nội dung đua thuyền rowing đôi nữ Olympic 2020. Ở nhóm thi của mình tại vòng loại ngày 24.7, Thảo và Hảo về đích thứ 4 với thành tích 7 phút 36 giây 21. Hai cô gái Việt Nam sẽ thi đấu repechage vào ngày 25.7 cùng các bộ đôi của Áo, Ủy ban Olympic Nga, Thụy Sĩ, Ireland. Nếu đứng nhất, nhì nhóm này, Thảo và Hảo sẽ được vào bán kết và được bố trí chèo ở đường bơi giữa (có lợi hơn lúc thi đấu).
Lần đầu tiên dự Olympic 2020, VĐV môn judo sinh năm 1993 Nguyễn Thanh Thủy đã đụng ngay “núi lớn” ở trận ra quân hạng dưới 52 kg nữ (hạng này có tới 29 VĐV, được chia thành 4 nhánh và đấu tranh huy chương luôn trong ngày). Đối thủ của cô là võ sĩ 33 tuổi Chitu Andree (Romania), người có số huy chương quốc tế nhiều không “đếm xuể”. Chitu đã từng 3 lần dự Olympic, thi đấu ở 71 giải cấp độ thế giới và châu lục, từng 2 lần đoạt ngôi á quân giải vô địch thế giới, 2 lần vô địch châu Âu, đoạt 4 HCV các giải châu Âu mở rộng, 5 HCV Grand Prix. Còn thành tích quốc tế đáng kể nhất của Thủy là HCĐ giải châu Á Đài Loan mở rộng 2018. Có lẽ rất khó có bất ngờ nhưng nếu trong ngày thi đấu xuất thần, tận dụng lợi thế sức trẻ, biết đâu Thủy lại vượt qua được “già gân” Chitu. Nếu làm được điều này, đối thủ tiếp theo của cô sẽ là VĐV người Ý Odette.
Cũng hôm nay, võ sĩ quyền anh Nguyễn Thị Tâm tranh tài vòng 1/16 hạng cân dưới 51 kg nữ gặp võ sĩ Krasteva Stoyka Zhelyazkova (Bulgaria). Dù đối thủ mạnh hơn khi từng vô địch thế giới năm 2018 ở hạng cân 54 kg nhưng nay Zhelyazkova đã 35 tuổi nên Nguyễn Thị Tâm hứa hẹn tạo bất ngờ nhờ sức trẻ.
Ở môn cầu lông, Nguyễn Tiến Minh đấu trận đầu đơn nam vòng bảng gặp tay vợt hạng 3 thế giới Antonsen (Đan Mạch) rất mạnh nên khó tạo bất ngờ.
Lịch thi đấu đoàn Việt Nam ngày 25.7 (giờ Việt Nam)
Judo (7 giờ 30): Nguyễn Thị Thanh Thủy gặp Chitu Andreea (Romania) ở vòng 1/16 hạng cân dưới 52 kg.
Quyền anh (14 giờ): Nguyễn Thị Tâm gặp Krasteva Stoyka Zhelyazkova (Bulgaria) ở vòng 1/16 hạng cân dưới 51 kg nữ.
Rowing (8 giờ 30): Lường Thị Thảo/Đinh Thị Hảo đấu repechage nội dung đôi nữ.
Cử tạ (13 giờ 50): Thạch Kim Tuấn thi hạng cân 61 kg.
Cầu lông (18 giờ): Nguyễn Tiến Minh gặp Antonsen (Đan Mạch) vòng bảng đơn nam.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.