'Ôm mộng' sàn vàng

19/10/2015 08:08 GMT+7

Bị cấm, rủi ro cao, có người đổ nợ phải sống chui lủi, trốn tránh nhưng sàn vàng ảo vẫn sống, bởi một bộ phận không nhỏ các nhà đầu tư vẫn bám trụ và nuôi mộng làm giàu từ kênh đầu tư này.

Bị cấm, rủi ro cao, có người đổ nợ phải sống chui lủi, trốn tránh nhưng sàn vàng ảo vẫn sống, bởi một bộ phận không nhỏ các nhà đầu tư vẫn bám trụ và nuôi mộng làm giàu từ kênh đầu tư này.

Dễ mất tiền vì kinh doanh vàng ảo - Ảnh: Đ.N.ThạchDễ mất tiền vì kinh doanh vàng ảo - Ảnh: Đ.N.Thạch
Tiền “cứ lần lượt ra đi”
Năm 2008, Dương (H.Hóc Môn, TP.HCM) xin vào làm nhân viên của một sàn vàng lớn. Công việc của Dương lúc đó là phân tích và tư vấn cho nhà đầu tư (NĐT) kinh doanh vàng tài khoản về xu hướng tăng giảm; các thông tin liên quan đến giá vàng trong nước cũng như thế giới để họ lướt sóng.
Hoạt động của các sàn vàng diễn ra từ 7 giờ 30 đến 23 giờ và liên tục từ thứ hai đến thứ sáu, nên hầu như toàn bộ thời gian của Dương dành cho các phiên tăng, giảm của giá vàng. Sau khi sàn vàng đóng cửa vào năm 2010, Dương nhận dạy ở một trường cao đẳng, nhưng “như một cái nghiệp” nên vẫn tiếp tục theo dõi các cơn sóng vàng, ngoại tệ, vàng (forex). “Một số NĐT tin tưởng giao tiền cho tôi đánh, phần lời có được sẽ chia lại cho tôi. Sau mấy năm đánh thuê, số tiền kiếm được cũng khá nên tôi rút về tự đánh cho mình”, Dương kể.
Khi hàng loạt sàn vàng chui bị đánh sập, Dương bảo giới đầu tư forex “chưa bao giờ rủi ro như hiện nay”, nhưng “sở dĩ tôi vẫn tham gia vào kênh này bởi nó như một game, đã lao vào rồi thì mê và phải tham gia thì mới giữ được cảm giác đó là độ nhạy với thị trường. Không mong “ăn đậm” như trước kia, Dương đặt quy tắc mỗi tháng kiếm khoảng 10% tiền lời trên tài khoản (hiện nay khoảng tương đương 200 USD) vì “kiếm ít có thể giữ được tiền”. Nhưng có lần đánh cho khách thua đến mấy trăm triệu đồng, Dương cố tập trung nhiều hơn vào việc dạy ở trường để ít có thời gian đánh forex, nhưng cũng không từ bỏ được.
Ông Nguyễn (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) xem việc đánh forex là nghề của mình. Sau một năm không liên lạc, qua điện thoại ông Nguyễn cho hay: “Anh vẫn đánh bình thường (tức kinh doanh forex - PV)”. Vào năm 2007, ông Nguyễn rời bỏ cơ sở sản xuất nhựa để theo đầu tư vàng tài khoản. Lúc mới tham gia, ông Nguyễn kiếm được lời nên đổ tiền mạnh hơn vào kênh này với suy nghĩ tiền vốn nhiều cộng thêm đòn bẩy cao sẽ ra lợi nhuận cao hơn. Thị trường vàng như “thùng không đáy”, ông Nguyễn bỏ bao nhiêu tiền vào tài khoản vàng thì số tiền cứ lần lượt ra đi. Khi số lỗ lên 2 tỉ đồng, ông Nguyễn đã có lúc dừng lại để trấn tĩnh. “Nhưng lúc đó đánh vàng như người “nghiện”, cứ lao đầu vào mà không thể nào thoát ra được. Còn bây giờ thì gắn bó với forex nhiều năm cũng như tuổi cũng lớn nên tôi sẽ không kiếm được công việc gì phù hợp ngoài đánh forex”, ông nói.
Kiếm tiền dễ, mất còn dễ hơn
Là một nhân viên quỹ đầu tư forex của một sàn vàng, Phát cho rằng “thật sự đánh forex dễ mất tiền nhưng cũng dễ kiếm tiền”. Kiếm lời 5 - 10%/tháng không phải quá khó nhưng giữ được số lời này thì không dễ. Sức hút của sàn vàng ảo một phần nằm ở đòn bẩy tài chính cao. Tài khoản 1.000 USD có thể mua bán đến 100.000 USD, một NĐT có tài khoản 10.000 USD có thể kiếm lời lên 200.000 USD.
Kinh doanh vàng tài khoản không đòi hỏi vốn đầu tư quá lớn, chỉ vài chục triệu đồng đã có thể giao dịch nên thu hút nhiều người tham gia. Sau khi cơ quan chức năng đánh sập các sàn vàng, số lượng NĐT tham gia các sàn vàng chui lộ ra rất nhiều. Sàn vàng VGX thu hút hơn 700 NĐT mở tài khoản với số tiền 110 tỉ đồng, sàn vàng Khải Thái với 2.000 NĐT với số tiền 478 tỉ đồng, IG với 4.000 NĐT mở tài khoản với hơn 200 tỉ đồng…
Theo giới thạo nghề, đã “vập” vào các nghề này rất khó dứt bỏ, bởi thắng thì ham, mà thua thì cay cú, muốn gỡ. Đó là một trong các lý do khiến sàn vàng ảo vẫn sống dai dẳng suốt nhiều năm qua sau khi bị cấm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.