Nhiều trường THPT hiện nay đã dựa vào nguyện vọng của học sinh để cân bằng giữa việc dạy đủ chương trình với việc ôn tập theo nhu cầu học để thi.
Học sinh lớp 12 Trường THPT Phan Đăng Lưu TP.HCM - Ảnh: Đào Ngọc Thạch |
Khảo sát chất lượng, lên kế hoạch ôn tập
Ghi nhận của phóng viên Thanh Niên ở các tỉnh phía bắc cho thấy, do việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm nay về cơ bản vẫn ổn định như năm 2015 nên các địa phương cũng chưa vội vã khảo sát, thăm dò nguyện vọng của học sinh (HS) lớp 12 như năm trước.
Các sở GD-ĐT như: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hòa Bình... đều khẳng định năm nay chưa tiến hành cho HS thử chọn môn thi như các năm trước. Tuy nhiên, lãnh đạo các trường THPT đều cho rằng HS đã biết sẽ thi môn gì và dù nhà trường chưa tổ chức ôn tập theo môn thi thì HS cũng đã có xu hướng chỉ chú trọng vào học các môn đó.
Ông Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội), cho biết: “Đến đầu tháng 3 sẽ tiến hành khảo sát nguyện vọng chọn môn thi và sẽ tổ chức chia lớp ôn thi theo nhu cầu của HS ngoài giờ học chính khóa. Chúng tôi vẫn cố gắng thực hiện đúng chỉ đạo, không cắt xén chương trình, dạy đủ các môn”.
Một số tỉnh cũng đã tổ chức khảo sát chất lượng HS lớp 12 để lên kế hoạch ôn tập phù hợp. Sở GD-ĐT Vĩnh Phúc tổ chức đợt khảo sát vào giữa tháng 1.2016 và nửa cuối tháng 3 tới. Sở GD-ĐT Thanh Hóa cũng cho biết sẽ tiến hành khảo sát nghiêm túc để đánh giá đúng chất lượng HS. Lãnh đạo Sở GD-ĐT các tỉnh này đều cho rằng, mục đích của việc khảo sát nhằm phân tích, đánh giá kết quả đến từng HS, công tác quản lý, công tác giảng dạy của từng giáo viên, nội dung chương trình để kịp thời điều chỉnh các nội dung nếu cần thiết.
Trường THPT chuyên ĐH Sư phạm Hà Nội cũng thông báo tổ chức thi thử đến lần thứ 2 để chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia. Tuy nhiên, ông Phạm Hữu Hoan, Trưởng phòng Giáo dục trung học, Sở GD-ĐT Hà Nội, cho rằng Hà Nội chưa năm nào tổ chức khảo sát chất lượng hoặc thi thử ở quy mô toàn thành phố. Các trường sẽ quyết định việc này dựa trên nhu cầu thực tế của trường mình.
Ôn theo xu hướng đề mở
Ông Nguyễn Vinh Hiển, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cho biết việc ra đề thi theo hướng đánh giá năng lực HS, tăng cường câu hỏi vận dụng thực tiễn và câu hỏi mở đòi hỏi HS phải vận dụng kiến thức tổng hợp liên môn và hiểu biết xã hội. Yêu cầu này tăng dần trong những năm gần đây và sẽ tiếp tục được thực hiện ở kỳ thi năm 2016 với hướng tăng cường câu hỏi ở mức vận dụng cao, đảm bảo độ phân hóa tốt hơn so với năm 2015.
Lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, ngay từ đầu năm học 2015 - 2016, sở đã yêu cầu cấp học THPT tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy học, tăng cường kỹ năng thực hành, vận dụng kiến thức, kỹ năng vào giải quyết các vấn đề thực tiễn để đáp ứng những thay đổi của việc học và thi.
Bà Vũ Thị Phương Anh, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (Hà Nội) cũng cho biết xu hướng ra đề mở trong kỳ thi quốc gia đã buộc các trường cũng phải chú trọng rèn luyện cho HS cách học sáng tạo hơn. Trường yêu cầu giáo viên phải thay đổi cả quá trình dạy và kiểm tra. Yêu cầu giáo viên tăng cường ra đề theo hướng mở, mục tiêu đặt ra với các môn khoa học xã hội, cụ thể là môn văn, phải có ít nhất 70% lượng kiến thức đòi hỏi những câu về nghị luận thay bằng cảm thụ để kiểm tra sự thông hiểu, vận dụng của HS.
Học sinh chọn môn địa lý gấp nhiều lần lịch sử
Các trường THPT tại TP.HCM đã tổ chức cho HS lớp 12 chọn thử môn thi tự chọn trong kỳ thi THPT quốc gia.
Theo ông Nguyễn Phạm Đại, Hiệu trưởng Trường THPT Tân Bình (Q.Tân Phú), sở dĩ năm nay các trường tiến hành khảo sát, thống kê việc đăng ký môn tự chọn của HS sớm vì ngay từ tháng 12 năm trước, Bộ GD-ĐT đã thông báo hình thức thi không thay đổi so với năm 2015.
Theo thông tin từ nhiều trường, vật lý, hóa học vẫn là 2 môn có nhiều lựa chọn nhất. Trong khi đó ngày càng nhiều HS đăng ký môn địa lý.
Trường THPT Vĩnh Viễn, Q.Tân Phú đến giờ không có HS nào đăng ký môn lịch sử, còn môn địa lý lại tăng đột biến so với năm trước. Cụ thể có đến 1/4 HS đăng ký môn địa lý, tương đương với môn vật lý, hóa học (năm học trước trường này chỉ có 5% HS đăng ký). Ông Ngô Thanh Sơn, phụ trách học vụ của Trường THPT Vĩnh Viễn, giải thích: “Đối với những HS chọn môn thứ 4 để xét tốt nghiệp và tham gia xét tuyển vào những trường ĐH, CĐ dựa vào kết quả học bạ thì địa lý có nhiều lợi thế hơn. Chẳng hạn, các em được sử dụng atlat, dù là môn xã hội nhưng lại không có nhiều nội dung học thuộc lòng, các câu hỏi của đề thi mang tính chất gợi mở hơn lịch sử”.
Phần lớn HS lớp 12 Trường THPT Phan Đăng Lưu, Q.Bình Thạnh cũng chọn các môn tự nhiên. Đối với các môn xã hội, địa lý vẫn được ưu tiên hơn. Số HS chọn môn địa lý gấp khoảng 10 lần môn sử.
Nếu tính theo khối thi, ghi nhận từ các trường cho thấy phần lớn HS chọn các khối A, thậm chí có trường không có HS nào đăng ký dự thi theo khối C.
Ông Nguyễn Hùng Khương, Hiệu phó Trường THPT Bùi Thị Xuân, cho hay sau khi HS đăng ký, kết quả trong số 16 lớp thì có 3 lớp khối A (toán, lý, hóa), 6 lớp khối A1 (toán, vật lý, tiếng Anh), 2 lớp B, 4 lớp khối D, 1 lớp khối A2 (toán, lý, văn).
Còn tại Trường THPT dân lập Thanh Bình, Q.Tân Bình, trong 300 HS thì có 113 người chọn khối A, 112 khối A1, 33 HS chọn khối B, có 41 HS chọn khối D và 5 HS chọn khối C.
Ông Phạm Phương Bình, Phó hiệu trưởng Trường THPT Phan Đăng Lưu, Q.Bình Thạnh, cho biết: “Như mọi năm, từ nay đến thời điểm báo cáo về Sở, trường sẽ tổ chức cho HS đăng ký 2 đợt nữa để đảm bảo theo quy định. Tuy nhiên con số cuối cùng so với thống kê ban đầu vào thời điểm này chỉ thay đổi khoảng 5%. Thật ra, các em cũng muốn xác định sớm để dành thời gian cho việc ôn tập”.
Bích Thanh
|
Bình luận (0)