Ông Bob Kerrey không nên làm lãnh đạo Fulbright Việt Nam

03/06/2016 05:59 GMT+7

Việc ông Bob Kerrey, người đã chỉ huy và trực tiếp tham gia vào cuộc thảm sát thường dân vô tội tại thôn Thạnh Phong (Bến Tre) vào tháng 2.1969 được đề cử giữ chức Chủ tịch Hội đồng tín thác Trường ĐH Fulbright VN (FUV) đã gây xôn xao dư luận với nhiều ý kiến phản đối mạnh mẽ.

Chiều hôm qua 2.6, tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao VN, trả lời câu hỏi của báo chí về việc ông Bob Kerrey nhận lãnh vị trí lãnh đạo FUV, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình kỳ vọng rằng phía Mỹ và trường sẽ có quyết định phù hợp với quan hệ hai nước.
Nhìn ở góc độ nhân văn, quá khứ là điều không thể thay đổi và bản thân ông Bob Kerrey chỉ là người tham chiến chứ không gây chiến. Tuy nhiên ở góc độ khác thì việc này sẽ có những tác động nhất định trong nhận thức con người
Tiến sĩ Hà Thúc Viên,
Phó hiệu trưởng Trường ĐH
Việt Đức
Cựu thượng nghị sĩ Mỹ Bob Kerry được nhiều người trong ngành giáo dục VN biết đến với vai trò từng là Chủ tịch Đại học Harvard và New School, là người nhiệt tình thúc đẩy thành lập Chương trình Fulbright tại VN và sau đó là FUV từ rất sớm. Tuy nhiên kể từ khi FUV đề cử ông vào vị trí Chủ tịch Hội đồng tín thác của trường thì có nhiều luồng ý kiến khác nhau.
Các ý kiến ủng hộ ông Kerrey đa số là tin vào thiện chí, uy tín và trình độ quản trị giáo dục của ông mà ông đã thể hiện tại Mỹ, thể hiện trong quá trình vận động thành lập FUV. Tuy nhiên từ những gì mà ông đã từng làm trong quá khứ tại VN đã tạo nên luồng dư luận phản đối mạnh mẽ.
Bà Tôn Nữ Thị Ninh, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, cho rằng người VN sẵn sàng gạt quá khứ sang một bên để hướng tới tương lai cùng với nhân dân hai nước vì lợi ích chung. Bà nói: “Trong gần 30 năm hoạt động đối ngoại, tôi đã xây dựng được những mối quan hệ hữu nghị, hiểu biết lẫn nhau với đông đảo người Mỹ thuộc nhiều thành phần, từ các nhà ngoại giao đến những doanh nhân, cựu chiến binh. Do vậy, tôi không phải là người vì quá khứ mà “ghét” hay ác cảm với người Mỹ”.
Nhưng bà Ninh khẳng định: “Ông Bob Kerrey là người đã trực tiếp tham gia vào cuộc thảm sát thường dân vô tội, phụ nữ, trẻ em, người già tại thôn Thạnh Phong (Bến Tre) vào tháng 2.1969, điều này không thể chối cãi và chính ông Kerrey cũng thừa nhận”. Do đó theo bà, nói theo cách nhẹ nhất, ông Bob Kerrey hoàn toàn không nên giữ vị trí Chủ tịch Hội đồng tín thác FUV. “Tôi tin chắc là phía Mỹ có thể tìm được người phù hợp về mặt chuyên môn và kinh nghiệm và tên tuổi không bị tai tiếng. Những người bạn Mỹ mà tôi có trao đổi hai hôm nay cùng chia sẻ quan điểm như thế... Tôi tin rằng, việc thay đổi người vào chức danh này không những không ảnh hưởng đến quan hệ hai nước đang tiến triển tốt đẹp, ngược lại việc này sẽ đặt hợp tác Việt - Mỹ trong khuôn khổ FUV trên một nền tảng, khởi điểm bình đẳng, lành mạnh và vững bền”, bà Ninh cho biết thêm.
PGS-TS Nguyễn Thiện Tống, nguyên giảng viên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, băn khoăn: “Nhiều học giả VN trong đó có tôi đang thấy rất vui, thích thú và kỳ vọng vào sự ra đời của Trường FUV. Do vậy, với những “lợn cợn” của ông Bob Kerrey trước dư luận, điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến uy tín của FUV”.
TS Tống đề nghị: “Ông Bob Kerrey cần chủ động xin rút lui, không nên đứng ở vị trí cao nhất của một trường ĐH. Với những gì đang diễn ra, nếu ông Bob Kerrey vẫn tiếp tục giữ vị trí này sẽ làm giảm sút uy tín của FUV”.
Theo ông Tống, không thể định lượng được các tác động theo chiều hướng không tốt nhưng chắc chắn sẽ tạo ra sự e ngại, hạn chế những đóng góp tài chính hay đơn giản trong thu hút cán bộ tham gia giảng dạy. Nói ngược lại, nếu có một lãnh đạo đủ uy tín, FUV sẽ thu hút được sự đóng góp, hợp tác để phát triển nhiều hơn.
Tiến sĩ Hà Thúc Viên, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Việt Đức, cũng có quan điểm tương tự. Tiến sĩ Viên nói: “Nhìn ở góc độ nhân văn, quá khứ là điều không thể thay đổi và bản thân ông Bob Kerrey chỉ là người tham chiến chứ không gây chiến. Tuy nhiên ở góc độ khác thì việc này sẽ có những tác động nhất định trong nhận thức con người”.
Ông Viên nói thêm, VN là một quốc gia có “dân tộc tính” rất cao, người dân sẽ phải suy nghĩ khi nghe đến thông tin một người từng tham gia chiến tranh VN giờ lại giữ chức vụ cao trong một trường ĐH. Dù vai trò của chủ tịch tín thác không trực tiếp liên quan đến hoạt động dạy học nhưng thông qua việc gây quỹ sẽ quyết định sự phát triển trường ĐH. Do vậy, chỉ đơn giản ở góc độ người học, điều này ít nhiều cũng ảnh hưởng tâm lý khi lựa chọn vào học.
Còn tiến sĩ Phạm Thị Ly, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, quan tâm đến một khía cạnh khác: “Hầu như tất cả mọi người đều ủng hộ FUV và dành cho nó những tình cảm và hy vọng đẹp nhất. Nhưng với ông Bob Kerrey, sự phân hóa rất rõ. Có người ủng hộ, có người phản đối, và cả hai phía đều có những lý lẽ riêng. Việc tham gia chiến tranh ở VN của ông không phải là vấn đề lớn, tuy nhiên cái cách mà ông đã tham chiến thì có vấn đề. Tôi còn quan tâm tới thông tin ông Bob Kerrey từng là người hưởng lương hiệu trưởng cao nhất nước Mỹ (trên 3 triệu USD/năm). Ông từng bị 74/77 giảng viên của Trường ĐH The New School bỏ phiếu bất tín nhiệm và cũng bị sinh viên chiếm tòa nhà của trường đòi ông từ chức... Điều này đặt ra một dấu hỏi để chúng ta, những người dân thường VN đang đặt hết niềm tin và hy vọng của mình vào FUV, phải suy nghĩ”.
Ông Bob Kerrey (ảnh) từng là thượng nghị sĩ đại diện cho bang Nebraska từ năm 1989 - 2001 sau khi kết thúc giai đoạn giữ chức thống đốc bang này từ năm 1983 - 1987. Từ năm 2001 - 2010, ông giữ chức Chủ tịch Trường ĐH The New School (New York).
Trước khi vào con đường chính trị, ông Kerrey từng tham gia chiến tranh VN với tư cách sĩ quan mang hàm trung úy trong lực lượng đặc nhiệm SEAL của hải quân Mỹ.
Ông Kerrey chính là người chỉ huy đội biệt kích SEAL tiến hành vụ thảm sát ngày 25.2.1969 ở xã Thạnh Phong thuộc H.Thạnh Phú, Bến Tre, khiến trên 20 dân thường thiệt mạng. Trong hơn 30 năm sau đó, ông chỉ tiết lộ về vụ thảm sát với người thân và lãnh đạo của ông, theo Đài CBS. Vào năm 2001, ông đồng ý cung cấp chi tiết cũng như vai trò của mình về vụ thảm sát với CBS và tờ The New York Times sau khi nhà báo Mỹ Gregory Vistica phát hiện tài liệu mật cho thấy nhiều phụ nữ và trẻ em bị sát hại ở Thạnh Phong. Ông Kerrey đã nhận trách nhiệm về vụ thảm sát khi trả lời phỏng vấn báo The New York Times.
Do vậy, việc ông Kerrey được bổ nhiệm giữ chức Chủ tịch Hội đồng tín thác FUV đã gây xôn xao dư luận trong nước và thu hút sự quan tâm của báo chí quốc tế.
Theo Financial Times, hiện có sự phản đối mạnh mẽ đối với quyết định bổ nhiệm ông Kerrey làm Chủ tịch Hội đồng tín thác của FUV. “Tôi biết rằng ông Kerrey muốn hàn gắn những nỗi đau chiến tranh của chính ông và người dân VN. Tuy nhiên, tôi muốn biết ông ấy có bao giờ tự hỏi liệu việc ông ấy được bổ nhiệm có đang mở lại vết thương cũ trong lòng người dân VN hay không”, luật sư Thái Bảo Anh, người đã nhận học bổng Fulbright năm 2003, chia sẻ với Financial Times.
Còn giáo sư Mỹ gốc Việt Nguyễn Thanh Việt, người vừa đoạt giải Pulitzer, nói rằng ông rất ngạc nhiên về sự lựa chọn một nhân vật “có vấn đề” như thế để giữ chức vụ trên, theo Financial Times. Trên trang Facebook của mình, ông Việt còn viết: “Lẽ nào những người phụ trách Đại học Fulbright không thể tìm được ai khác có đủ khả năng lãnh đạo trường. Việc VN cần tiến về phía trước và Mỹ muốn đặt quá khứ lại phía sau không nhất thiết phải xoay quanh một con người”, ông Việt viết.
Mới đây, ông Kerrey cũng chia sẻ với Financial Times rằng ông thấu hiểu sự chỉ trích của người Việt và sẽ “vui vẻ từ chức” nếu sự tham gia của ông gây tác động xấu tới thành công của FUV.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.