Ông Bùi Tá Hoàng Vũ nói về xây dựng thương hiệu trường tồn

07/01/2023 13:57 GMT+7

Thương hiệu được xây dựng không chỉ vì lợi nhuận doanh nghiệp , mà còn hướng đến lợi ích cộng đồng. Vì vậy, dù khó, xây dựng thương hiệu trường tồn nên là mục tiêu của mỗi doanh nghiệp.

Đó là thông điệp của Giám đốc Sở Công thương TP.HCM Bùi Tá Hoàng Vũ và các diễn giả tại hội thảo Xây dựng thương hiệu trường tồn, diễn ra vào chiều 6.1 tại TP.HCM. Hội thảo do Sở Công thương phối hợp Viện Kinh doanh quốc tế (ISB) thuộc Đại học Kinh tế TP.HCM tổ chức.

Buổi hội thảo có sự góp mặt của các chuyên gia trong lĩnh vực phát triển thương hiệu, với các chia sẻ thông tin và trải nghiệm về những chiến lược thương hiệu thành công gần đây. Qua đó tìm ra bí quyết bắt nhịp thị trường, nền tảng để tạo nên một thương hiệu vững mạnh, các chiến lược để giành trọn và giữ vững niềm tin từ khách hàng trong bối cảnh chuyển đổi số ngày càng mạnh mẽ.

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công thương TP.HCM ghi nhận và trân trọng sự nỗ lực, cố gắng của các doanh nghiệp thời gian vừa qua, đã giúp TP.HCM trong phục hồi và phát triển kinh tế.

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công thương TP.HCM phát biểu tại hội thảo

phan thu hoài

Theo ông Vũ, một thương hiệu tốt là thương hiệu có độ nhận diện rộng rãi. Bước cao hơn của thương hiệu có nhận biết tốt là thương hiệu được yêu mến. Thương hiệu được xây dựng, không chỉ vì lợi nhuận doanh nghiệp, mà còn hướng đến lợi ích cộng đồng. Vì vậy, dù là khó nhưng việc xây dựng thương hiệu trường tồn nên là mục tiêu của mỗi doanh nghiệp.

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ dự đoán 2023 sẽ là năm vất vả, khó khăn hơn rất nhiều so với năm 2022. Nhưng bằng cách tiếp cận thực tiễn của thành phố, ông Vũ mong đợi các doanh nghiệp có thể có nhiều bứt phá, bước tiến mới.

“Các thương hiệu nhỏ, mới xuất hiện nên có sứ mệnh cụ thể để nhanh chóng giành được thiện cảm từ công chúng. Thương hiệu đã phát triển vững mạnh nhiều năm trong nước, thì sẵn sàng để vươn mình ra thị trường quốc tế. Không chỉ có lợi ích kinh tế, thương hiệu Việt Nam phát triển toàn cầu sẽ giúp ích trong việc nâng cấp hình ảnh nước nhà trong mắt các bạn bè năm châu”, ông Vũ nhấn mạnh.

Thấu hiểu khách hàng và xu hướng thị trường là chìa khóa thành công

Trao đổi tại hội thảo, diễn giả Đặng Thúy Hà, Giám đốc nghiên cứu hành vi khách hàng - NielsenIQ Việt Nam, trong thời điểm khó khăn, việc trở nên gần gũi và thấu hiểu khách hàng sẽ giúp doanh nghiệp nắm bắt những cơ hội phát triển.

Từng có nhiều hoạt động tiếp cận khách hàng trong mùa dịch, ông Lê Trí Thông, Phó chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc PNJ cho biết, vào thời điểm dịch Covid-19, một số cửa hàng trong hệ thống vẫn mở bán và đảm bảo chất lượng, giá trị. Tổng tiền lương của HĐQT tự nguyện giảm xuống để dành kinh phí chi ra cho các hoạt động xã hội, hỗ trợ người dân.

Phiên thảo luận, chia sẻ đến từ đại diện các thương hiệu lớn ở Việt Nam

phan thu hoài

Theo ông Lê Trí Thông, thời điểm đó vừa là khó khăn, vừa là thời điểm để nhân viên của PNJ có sự thấu hiểu cao hơn đối với khách hàng; khó khăn lúc dịch sẽ là “nguồn vốn” lớn nhất, bài học lớn nhất để phục vụ người tiêu dùng.

“Lúc khó khăn, xã hội cần doanh nghiệp, cũng là thời điểm rèn luyện nhân viên tốt nhất để tạo ra tài sản vô hình, và sẽ là tài sản hữu hình cho thời gian sau đó”, ông Thông chia sẻ.

Cũng xuất phát từ phục vụ nhu cầu và thấu hiểu khách hàng, ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP đầu tư U&I cho biết, đối với doanh nghiệp có sản phẩm, đối tượng duy nhất phải săn đón và lắng nghe là khách hàng. Chỉ có theo sát, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và giải quyết mong muốn của họ, thì mới mong tìm ra vấn đề, cải tiến được sản phẩm.

Sản phẩm có giá trị thật mới xây được thương hiệu bền vững

Chia sẻ về nguồn vốn bỏ ra để xây dựng thương hiệu bền vững và các chiến dịch quảng cáo, ông Lê Trí Thông cho rằng không có công thức chung để xây dựng thương hiệu bền vững. Có những dự án quảng cáo bay bổng, nhưng chỉ sử dụng được một thời gian ngắn. Điều cốt lõi là sản phẩm có thật sự tốt, đủ để giữ chân người tiêu dùng hay không.

Theo ông Mai Hữu Tín, công ty luôn có đội ngũ dùng thử sản phẩm, tuyệt đối không truyền thông, quảng cáo cho các tính năng không có thật. Tất cả các khâu để ra thành phẩm đều phải qua bộ lọc, để đảm bảo sản phẩm chất lượng nhất, “thật” nhất đến tay người tiêu dùng.

“Nếu sản phẩm không tốt mà quảng cáo ảo thì dễ lên mà cũng dễ xuống. Chỉ có làm thật, quảng cáo thật thì thương hiệu mới trường tồn mãi mãi”, ông Tín nhấn mạnh.

Giám đốc điều hành Marketing Vinamilk, ông Nguyễn Quang Trí cho rằng, % đầu tư cho các chiến dịch quảng cáo, truyền thông là không cố định, đây là con số vừa “nghệ thuật” vừa “khoa học”, tùy từng thời điểm để quyết định đầu tư. Hơn 10 năm qua, Vinamilk xây dựng thương hiệu chủ yếu qua các chiến dịch PR, các hoạt động xã hội của doanh nghiệp.

“Cách tốt nhất là thông qua chất lượng sản phẩm và trải nghiệm của người tiêu dùng, hơn là chỉ nói câu chuyện chung chung. Thực tế người tiêu dùng nhận lại được gì, sản phẩm của doanh nghiệp mang lại lợi ích thiết thực nào cho họ là điều quan trọng nhất”, ông Trí nhấn mạnh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.