Dạo rồi thiên hạ xôn xao bàn tán biệt thự 35 triệu đô trên đường Võ Văn Tần, quận 3 làm mình nhớ ông Hai – nhân vật trong loạt bài về đại gia Nguyễn Văn Hảo - mà mình viết đăng trên Thanh Niên. Xét về vị trí, căn nhà diện tích 800 m2 của ông Hai có khi còn ngon lành cành đào hơn biệt thự 35 triệu đô vì chỉ cách chợ Bến Thành chừng 5 phút đi bộ.
Căn nhà triệu đô của ông Hai ở ngay sát chợ Bến Thành
|
Chuyện mình gặp được ông Hai cũng khá lòng vòng. Chả là cơ quan mình có anh Tấn Cư, với mình hầu như ảnh rành rẽ mọi thứ ở Sài Gòn, không ít thì nhiều, từ đại gia, người đẹp, văn nghệ sĩ lẫn giới giang hồ… Một bữa anh em ngồi đốt thuốc ở cầu thang tòa soạn, hồi còn trên đường Cống Quỳnh, anh Cư bảo tui có nhân vật này hay lắm, ông coi rồi tui và ông kết hợp đi làm.
Té ra buổi sáng anh Cư thường ngồi uống cà phê ở rạp Công Nhân (trước gọi là rạp Nguyễn Văn Hảo) trên đường Trần Hưng Đạo, quận 1, lọ mọ thế nào được ông cụ bán cà phê chỉ cái rạp này trước từng của cụ Nguyễn Văn Hảo – một đại gia lừng lẫy ở Sài Gòn từ thời Pháp đến sau 1975. Ông cụ chính là cháu rể của cụ Hảo. Hỏi nhà cụ Hảo ở đâu, ông cụ chỉ tay về tòa nhà 4 mặt tiền (Trần Hưng Đạo – Ký Con – Yersin – Lê Thị Hồng Gấm) to đùng, hoành tráng, kề bên siêu thị điện máy Nguyễn Kim.
Cụ Hảo dân Trà Vinh, hồi bé được cha cho lên Sài Gòn phụ bán phụ tùng xe hơi cho anh trai. Có khiếu kinh doanh lại chăm chỉ siêng năng nên từ người phụ việc, cụ Hảo đã xây dựng được cơ ngơi đáng ngưỡng mộ cạnh tranh tay bo với cả người Tây. Thời Pháp, đất đai của cụ Hảo rải rác khắp Sài Gòn, mà toàn ở vị trị trí đẹp 3-4 mặt tiền không à. Sau này về già cụ Hảo nộp môn bài về quê ở ẩn, giao lại cơ ngơi hoành tráng cho con trai độc nhất của mình là Nguyễn Tâm Thạnh – người mà mình gọi là ông Hai kể trên.
Sống trong căn nhà hoành tráng vậy chứ ông Hai Thạnh và gia đình lại hơi bị nghèo
|
Sau năm 1975, trải qua binh biến thời cuộc, ông Hai sống ẩn dật trong tòa nhà triệu đô và hầu như ít tiếp xúc với bất cứ ai. Về tòa nhà triệu đô, ông Hai cũng chỉ được sử dụng phần trên, còn một phần và tất cả bốn mặt tiền thuộc về nhà nước. Hiện bốn mặt tiền này đang được nhiều hộ kinh doanh buôn bán xôm tụ nhưng gia đình ông Hai không được hưởng đồng nào. Cho nên hơn 40 năm qua, ông Hai và con cháu sống nheo nhắt, nghèo khổ trong tòa nhà triệu đô.
Gặp được ông Hai quả là điều không dễ dàng. Mình với anh Cư phải 6-7 lần thân chinh, mất nhiều ngày thuyết phục mới tiếp xúc được ông Hai. Ban đầu ông Hai tưởng tụi mình là công an chìm. Té ra sau năm 1975, được liệt vào danh sách đại tư sản nên ngày nào cũng có người đến ngồi trong bếp ông Hai để coi có giấu diếm của cải, món ngon vật lạ không.
Ban đầu trò chuyện, tụi mình hỏi gì ông Hai chỉ trả lời nhát gừng. Có lẽ với ông Hai, 40 năm qua mọi chuyện đã phai mờ không đáng phải kể lại. Nhưng rồi thấy sự kiên trì của tụi mình, ông Hai dần xiêu lòng và câu chuyện về tòa nhà triệu đô lẫn người chủ dần dần hé mở.
Hóa ra ngày xưa ông Hai cũng là tay chơi cự phách. Dù là con trai độc nhất của đại gia Nguyễn Văn Hảo nhưng ông Hai không ham kinh doanh mà chỉ thích rong chơi, du ngoạn. Ông Hai kể về những ngày tháng đi rừng, săn bắn chim muông. Có khi mấy tháng trời ông sống ở rừng, gần thì rừng Đồng Nai, Lâm Đồng, xa thì đi rừng ở Ninh Thuận, Khánh Hòa.
Khi khá thân thiết, ông Hai cho mình đi chiêm ngưỡng tòa nhà. Tòa nhà có diện tích gần 800 m2, được xây dựng theo lối kiến trúc Pháp. Dù được xây cách đây gần 80 năm nhưng tòa nhà có thang máy, sân thượng có bể bơi, hoa viên để chủ trồng cây, nuôi chim, ngắm trăng.
Chuyện về ông Hai, mình đã kể chi tiết trên Thanh Niên rồi. Mỗi lần đi qua căn nhà bí ẩn này, mình chợt thấy chạnh lòng khi nghĩ về ông Hai. Thời cuộc đổi thay, không có gì bất biến nên 40 năm qua, ông Hai và lít nhít cháu con sống nghèo khổ trong tòa nhà triệu đô ngay giữa trung tâm Sài Gòn hoa lệ.
Bình luận (0)