Ông Kim Jong-il hướng về Nga

21/08/2011 22:54 GMT+7

Giới quan sát cho rằng chuyến thăm Nga của nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên chứng tỏ nước này không chỉ cần sự hỗ trợ duy nhất từ Trung Quốc.

Nếu những chuyến thăm Trung Quốc được xem là chuyện hết sức bình thường đối với nhà lãnh đạo Kim Jong-il, quyết định đến Nga lần này phần nào khiến dư luận bất ngờ. Đây là chuyến thăm Nga đầu tiên của ông kể từ năm 2002.

Tháp tùng ông Kim là những nhân vật cấp cao khác của Bình Nhưỡng như Bộ trưởng Quốc phòng Kim Yong-chun, Phó chủ tịch Ủy ban Quốc phòng và là em rể ông Kim là ông Jang Song-thaek. Tuy nhiên, theo danh sách của hãng thông tấn KCNA thì con trai ông Kim là đại tướng Kim Jong-un không có mặt.


Ông Kim Jong-il (mang kính đen) đến tỉnh Amur (Nga) ngày 21.8 - Ảnh: AFP

Chuyến thăm hiếm hoi

Con tàu hỏa bọc thép chở nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên đến thành phố Khasan của Nga vào sáng ngày 20.8 trước khi di chuyển đến địa điểm kế tiếp, theo KCNA. Trước đó, Điện Kremlin thông báo ông Kim sẽ ở thăm vùng Viễn Đông và Siberia của Nga trong một tuần.

Tại trạm xe lửa ở Khasan, ông Kim nhận được sự tiếp đón nồng hậu từ các quan chức cấp cao của Nga, trong đó có Viktor Ishayev, đặc phái viên của tổng thống phụ trách vùng Viễn Đông. KCNA dẫn lời các quan chức Nga khẳng định chuyến thăm của ông Kim là một sự kiện quan trọng, làm sâu sắc hơn quan hệ song phương. Đáp lại, nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên cho hay ông rất vui mừng trước những thành tựu phát triển vượt bậc của quốc gia bạn bè sau gần 10 năm xa cách.

Sau khi rời Khasan, đoàn xe lửa tiếp tục di chuyển về hướng tây và đến thị trấn Bureya, tỉnh Amur vào ngày 21.8. Tại đây, ông Kim được tiếp đón bằng một bữa tiệc với bánh mì và muối đúng truyền thống Nga sau đó đi thăm một nhà máy thủy điện, AFP dẫn lời một quan chức Nga giấu tên cho hay.

Những chuyến thăm Trung Quốc trước đây của ông Kim thường diễn ra khá im ắng và thông tin chỉ được công bố sau khi ông đã quay về. Trong khi đó, chuyến công du Nga lần này được hãng thông tấn KCNA và Điện Kremlin công bố khá sớm dù chi tiết vẫn được giữ kín. Nhà lãnh đạo Kim đã đến Nga theo lời mời của Tổng thống Dmitry Medvedev. Đài truyền hình quốc gia Nga Rossiya 24 cho hay Tổng thống Mededev sẽ  gặp gỡ ông Kim Jong-il tại Ulan Ude, thủ phủ tỉnh Buryatia gần hồ Baikal. Theo một số nguồn tin khác, nhà lãnh đạo có thể sẽ gặp Thủ tướng Nga Vladimir Putin nhưng chuyện này chưa được xác nhận.

Hai bên cùng có lợi

Chuyến thăm của ông Kim diễn ra sau một số cuộc hội đàm giữa các quan chức cấp cao của CHDCND Triều Tiên, Hàn Quốc, Trung Quốc và Mỹ về khả năng khởi động lại vòng đàm phán hạt nhân sáu bên. Đây được cho là một trong những trọng tâm của cuộc hội đàm sắp tới giữa hai nhà lãnh đạo Moscow và Bình Nhưỡng.

Ngoài ra, vấn đề khủng hoảng lương thực ở CHDCND Triều Tiên có thể sẽ được bàn đến. Ngày 19.8, giới chức hai nước tuyên bố Nga sẽ hỗ trợ lương thực cho Bình Nhưỡng với chuyến hàng đầu tiên gồm 50.000 tấn lúa mì. Bên cạnh đó, báo The New York Times dẫn lời chuyên gia về Bình Nhưỡng Yang Moo-jin tại Seoul nhận định có thể ông Kim Jong-il đang tìm kiếm sự ủng hộ của Nga trong việc chuyển giao trọng trách cho đại tướng Kim Jong-un.

Moscow, Bình Nhưỡng và Seoul cũng đang thảo luận một kế hoạch lớn, xây dựng một đường ống khí đốt nối liền Nga với hai miền Triều Tiên. Trước đó, Nga nhiều lần kêu gọi hợp tác mạnh mẽ hơn về lĩnh vực năng lượng giữa nước này và bán đảo Triều Tiên. Theo đánh giá của chuyên gia, đường ống này có thể góp phần bảo đảm an ninh khu vực vì hai miền Triều Tiên sẽ bị ràng buộc bằng một công trình lớn xuyên quốc gia với Nga đứng giữa. Bên cạnh đó, việc nhận được nguồn cung cấp năng lượng đầy đủ được hy vọng sẽ giúp Bình Nhưỡng hành động “bớt trái tính” hơn, Đài truyền hình RT dẫn lời chuyên gia Georgy Toloraya thuộc Học viện Khoa học Nga nhận định.

Nếu sau chuyến đi này, CHDCND Triều Tiên chịu ngồi vào bàn đàm phán sáu bên và dự án ống dẫn dầu nói trên tiến triển thuận lợi thì Nga cũng sẽ được lợi nhiều bề. Bên cạnh lợi ích kinh tế, Nga sẽ khẳng định được vai trò ngày càng lớn mạnh và quan trọng trong việc bảo đảm ổn định trong khu vực và trên thế giới. Mặt khác, giới chuyên gia đánh giá Nga sẽ có lợi lớn nếu tạo được đối trọng ảnh hưởng ở một đồng minh lâu năm với Trung Quốc như CHDCND Triều Tiên trong bối cảnh Bắc Kinh đang có nhiều động thái gây lo ngại. Nếu có quan hệ tốt với CHDCND Triều Tiên, Nga sẽ có thể an tâm hơn trong việc giữ vững ổn định ở khu vực biên giới với Trung Quốc nói riêng và vùng Viễn Đông nói chung. 

Thụy Miên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.