Ông lớn nào có ưu thế xuất khẩu ô tô sang ASEAN sau 2018?

19/06/2017 08:30 GMT+7

Mặc dù ngành công nghiệp xe hơi Việt đã hụt hơi trước cuộc đua 2018 nhưng vẫn còn đó không ít cơ hội cho một vài ông lớn tham vọng bành trướng ra khu vực nhờ một số lợi thế nhất định.

Như Thanh Niên đã đề cập ở bài viết trước, ngành công nghiệp ô tô Việt đã hụt hơi và bị gạt ra rìa cuộc chơi xuất khẩu xe sang các nước ASEAN khi thuế nhập khẩu về 0%. Chủ yếu do rào cản không đạt được tỉ lệ nội địa hóa trên 40% để có được ưu đãi thuế nhập khẩu. Nguyên nhân sâu xa hơn còn do ngành công nghiệp ô tô Việt còn “non” vể tuổi đời, nhỏ về quy mô so với một số nước trong khu vực.
Trong khi đó, nhiều thương hiệu tham gia lắp ráp ô tô tại Việt Nam như Toyota, Honda hay Ford đều đã có nhà máy lớn tại một số nước ASEAN nên việc xuất ngược hay cạnh tranh xuất khẩu sang các thị trường khác gần như không khả thi. Chính vì vậy, thời gian gần đây những doanh nghiệp này chủ yếu sản xuất, lắp ráp một vài mẫu xe giá rẻ, gần như không “lên chuyền” sản phẩm mới thậm chí có vài mẫu xe đã chuyển sang nhập khẩu.
Nhiều doanh nghiệp chỉ duy trì sản xuất với một số mẫu xe đơn giản
Trong bối cảnh khó khăn khi thời điểm 2018 đã trực chờ, chỉ có Trường Hải (Thaco) và Hyundai Thành Công dường như là có nhiều cơ hội sản xuất, lắp ráp và xuất khẩu sang các nước ASEAN nhất. Nói không ngoa cơ hội xuất khẩu xe hơi của Việt Nam gần như đang nằm trong tay 2 doanh nghiệp này với những thương hiệu như Hyundai hay Kia, Mazda, Peugeot. Tại sao vậy?
Ngay ở thời điểm này, Kia ngoài 3 nhà máy lớn ở quê nhà và một số “công xưởng” tại Mỹ, Trung Quốc, Mexico thì chỉ có nhà máy nhỏ đặt tại Việt Nam và Malaysia. Mazda dù có hoạt động sản xuất tại Thái Lan nhưng so với các đồng hương thì không đáng kể và dòng sản phẩm cũng không nhiều chỉ tập trung ở Mazda2/3 CX3 và BT-50, nhà máy tại Malaysia cũng mới mở từ giữa năm 2014 sản xuất Mazda3, CX5. Mặc dù đang sản xuất lắp ráp cả thương hiệu Peugoet nhưng nhiều khả năng Thaco sẽ tập trung nhiều hơn vào sản xuất, lắp ráp Kia-Mazda thay vì thương hiệu xe của Pháp bởi Peugoet đang có kế hoạch đầu tư sản xuất mạnh ở Indonesia, Thái Lan và Malaysia thay vì Việt Nam.
Liệu Thaco hay Hyundai có thể chống lại trào lưu xe nhập khẩu đang ồ ạt về Việt Nam?
Phía Hyundai Thành Công cũng có nhiều cơ hội mở rộng sản xuất tiến tới xuất khẩu bởi hiện chưa có nhà máy quy mô nào của Hyundai trong khu vực ASEAN. Tiềm năng xuất khẩu của 2 doanh nghiệp này là rất lớn bởi không chỉ chưa có nhà máy quy mô trong khu vực, những thương hiệu kể trên đều đang được người tiêu dùng Đông Nam Á quan tâm nhờ có giá bán cạnh tranh và sở hữu nhiều công nghệ.
Với những lợi thế kể trên, không khó hiểu khi cả Hyundai Thành Công và Thaco đều công bố những khoản đầu tư khổng lồ, các kế hoạch mở rộng sản xuất dài hơi tại Việt Nam thời gian gần đây bất chấp các doanh nghiệp khác đang ngừng mở rộng thậm chí thu hẹp quy mô, dòng sản phẩm. Ông Trần Bá Dương - Chủ tịch HĐQT Thaco cũng từng nhiều lần bày tỏ niềm tin vào cơ hội sản xuất láp ráp xe hơi tại Việt Nam với mục tiêu nâng tỉ lệ nội địa hóa trên 40%. Về phía Hyundai Thành Công cũng vừa nhận được sự ủng hộ của Hyundai toàn cầu để mở rộng lắp ráp các dòng xe du lịch của hãng xe Hàn Quốc trong khu vực ASEAN.
Có thể nói trong bối cảnh ngành công nghiệp ô tô Việt gần như “đóng băng”, việc Thaco hay Hyundai Thành Công mở rộng sản xuất tại Việt Nam là một tín hiệu đáng mừng. Dù việc xuất khẩu xe sang khối ASEAN trong năm 2018 là không khả thi nhưng hy vọng rằng một ngày không xa ngành công nghiệp ô tô Việt Nam sẽ có nhiều sản phẩm xuất khẩu sang khu vực với tỉ lệ nội địa hóa cao, hưởng ưu đãi thuế 0%.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.