Ông Mười Khôi, một đại anh hùng - Kỳ cuối: "Đại anh hùng"

31/01/2008 23:59 GMT+7

Sau trận đánh diệt đoàn xe quân sự gần 100 chiếc của địch - trận đó, theo ông Mười Khôi kể lại sau này, bên ta "chỉ có một cậu lính xung phong vấp té trầy mắt cá" - ông Mười Khôi đã đi khảo sát lại một mảng chiến trường rộng lớn của tỉnh, đi cùng một thư ký và một bảo vệ.

Khi giẫm phải mìn ở đèo Bằng Dinh (Tam Kỳ), người thư ký hy sinh, còn ông thì bị thương rất nặng. Người bảo vệ để ông nằm lại và đi gọi du kích đến khiêng. Ông kể lại: "Từ 10 giờ sáng đến 5 giờ rưỡi chiều du kích mới lên khiêng tôi đi. Chân tôi lúc đó nát bét. Nghe ở dưới địch bắn hàng loạt lên, tôi tưởng chúng xông lên. Tôi bò đến mấy tảng đá, rồi lên đó nằm. Tôi lấy máu từ vết thương viết lên đá: "Nhất định tôi chết, nếu anh em gặp thì chôn cất đi". Tôi lên đạn, để cây súng lên tay, trù định nếu địch mò tới thì bắn và nằm chết luôn ở đó. Nhưng đến 5 giờ rưỡi chiều thì du kích đến khiêng tôi đi và mang cả xác người thư ký. Vừa ra khỏi chân đèo Bằng Dinh thì trời đã tối. Cậu y tá chích cho tôi mũi thuốc, lúc đó tôi đã bất tỉnh. Cứ thế anh em khiêng tôi đi suốt đêm, sáng hôm sau về đến cơ quan tỉnh, được y sĩ hướng dẫn khiêng tiếp đến bệnh viện tiền phương của tỉnh ở Tam Kỳ. Tôi nằm viện ở đó 3 tháng" (tài liệu đã dẫn).

Sau khi lành vết thương, bị cụt một chân không ở chiến trường được nữa, ông được đưa ra Bắc, tiếp tục chữa bệnh, rồi đi học văn hóa, học trường Nguyễn Ái Quốc. Năm 1973, được Ban Bí thư Trung ương Đảng quyết định làm Trưởng tiểu ban xét duyệt Đảng tịch cho các đảng viên ở tù ra. Sau đó được bổ nhiệm làm Phó bí thư thường trực Ban Cán sự Đảng B, cho đến ngày giải phóng. 

Vợ ông Mười Khôi, bà Đặng Thị Hường, năm nay 87 tuổi. Bà Hường cũng là người tham gia chống Pháp, chống Mỹ, vừa lăn lộn với phong trào vừa sinh con và nuôi dạy con cái. Hai ông bà có 4 người con "Hòa, Chiến, Thắng, Trận" sinh ra trong chiến tranh, nay đều trưởng thành. Anh Phạm Chí Hòa, hiện là Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng; anh Phạm Đình Chiến là đại diện của Vietnam Airlines tại Đức, chị Phạm Thị Thắng là Phó giám đốc một đơn vị của Tập đoàn tàu thủy Việt Nam, và người con út là anh Phạm Long Trận, nay là Quyền Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty bưu chính - viễn thông Việt Nam.

Chúng tôi tạm kết thúc thiên ký sự về ông Mười Khôi ở đây. Vẫn biết cuộc đời ông Mười Khôi có liên quan đến một tập thể những người kháng chiến lừng lẫy ở Quảng Nam - Đà Nẵng, tập thể lừng lẫy đó lại nằm trong một Đảng lừng lẫy, một nhân dân anh hùng. Trong ký sự về một con người, chúng tôi không thể có điều kiện để viết về những người khác. Viết về một con người, nhất là con người đó đã mất và nhiều đồng chí cùng hoạt động với người đó cũng không còn là điều rất khó. Trong những người còn sống, chúng tôi cũng mới có điều kiện gặp một số thôi. Bởi vậy, chúng tôi chỉ mới mô tả một vài nét chấm phá sơ lược về chân dung ông Mười Khôi. 

Ông Mười Khôi đã được truy tặng danh hiệu Anh hùng. Dĩ nhiên trong các danh hiệu Nhà nước phong tặng không có danh hiệu "đại anh hùng". Chúng tôi gọi ông Mười Khôi là "đại anh hùng" là do chúng tôi thán phục mà gọi như thế, chứ hoàn toàn không có ý đề cao người này mà hạ thấp công lao của người khác. Một thế kỷ máu lửa đã đi qua, sau khi làm cuộc Cách mạng Tháng Tám trời long đất lở để giành lại đất nước này, người Việt Nam phải liên tục tiến hành các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm: chống Pháp, đuổi Mỹ, rồi chiến đấu bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, hàng triệu người đã ngã xuống, hàng triệu người để lại một phần máu xương cho đất nước. Không ai trong số họ đem máu xương ra để đổi lấy sự ghi công, để đổi lấy sự khen tặng. 

Họ theo Đảng làm cách mạng, theo Đảng đi kháng chiến, vì một mục đích giản dị dễ hiểu mà Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: "Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta hoàn toàn được tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành".

Họ sẵn sàng chết vì Tổ quốc, như nhà thơ Thanh Thảo đã nói thay họ:

"Đất nước đẹp mênh mang
Đất nước thấm tự nhiên đến tận cùng máu thịt
Chỉ riêng cho Người chúng tôi dám chết".

Một bạn đọc gọi cho chúng tôi bảo rằng cái ông Nguyễn Văn Nhứt bảo vệ ông Mười Khôi bị địch bắt tra tấn dã man mà vẫn kiên trung kia cũng là một người vĩ đại. Chúng tôi cảm động với sự ngưỡng mộ của bạn ấy. Chỉ có kẻ "hư tâm" mới cãi lại người bạn đọc này rằng không được gọi một lão nông dân chân lấm tay bùn kia là một người vĩ đại, rằng ngôn từ đó chỉ dành cho các vĩ nhân. 

Ngưỡng mộ, thán phục là việc của dân. Còn luận công phong tặng là việc của Nhà nước. Trong loạt bài viết về ông Lữ Minh Châu, cựu Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, chúng tôi có giới thiệu một đường dây chuyển tiền bí mật vào chiến trường thời chống Mỹ. Một tập thể mưu trí, dũng cảm, vượt qua trăm ngàn gian nan vất vả trên bom dưới đạn, đã chuyển hơn nửa tỉ đô la vào miền Nam cung cấp tài chính cho các chiến trường đánh Mỹ, bí mật tuyệt đối, kiểm toán không thất thoát một xu của cách mạng. Dù nhiều vị lãnh đạo cấp rất cao của Đảng và Nhà nước nhiều lần đề nghị lên cơ quan có thẩm quyền xét khen thưởng cho tập thể đó, nhưng đáp trả lại là một sự im lặng đáng sợ, với lý do được giải thích trước đó là đơn vị này đến nay không còn cơ quan chủ quản. Nhà nước không phong tặng, Nhà nước im lặng, nhưng đối với người dân, đối với đất nước này, họ vẫn là những anh hùng, là những người phi thường xuất chúng. 

Ông Mười Khôi cả cuộc đời chưa bao giờ cho mình là anh hùng cả, dù trong ý nghĩ cũng không và theo chúng tôi biết thì cả đời ông Mười Khôi chỉ toàn xin chủ trương đánh giặc, xin vũ khí đánh giặc, còn xin việc riêng cho ông thì ông chỉ xin một lần duy nhất, đó là khi ra Bắc ông xin Đảng và Nhà nước làm cho ông 2 bộ răng giả, vì răng ông bị hỏng hết không ăn uống bình thường được. Mà hai bộ răng giả đó cũng đâu phải để ông ăn sung mặc sướng.

Học và làm theo Bác Hồ

...Câu chuyện về "Ông Mười Khôi, một đại anh hùng" như Báo Thanh Niên vừa biểu dương mới đây đã gây cho người đọc không chỉ sự xúc động mà cả một sự liên tưởng. Con người đã từng gắn bó với Quảng Nam và Khu V suốt từ Cách mạng Tháng Tám 1945 qua hai cuộc kháng chiến làm đến Bí thư Tỉnh ủy... có những cống hiến to lớn với sự nghiệp cách mạng đến mức được đánh giá "Nói Quảng Nam trung dũng kiên cường mà không biết được ông Mười Khôi thì không thể hiểu được vì sao mảnh đất ấy mang danh hiệu đó". Con người ấy đến cuối đời vẫn khiêm tốn trở lại với đời sống bình thường gần gũi với dân để sau khi đã khuất, hơn hai thập kỷ sau (cuối năm 2007) mới được phong Anh hùng khi những đồng đội làm đến chức nguyên Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và nhiều vị tướng lĩnh đề nghị. Điều đó làm người ta liên tưởng đến những đơn vị hay nhân vật mới nhận những tấm huân chương và danh hiệu cao ngất trời nhưng chưa được bao lâu đã bị pháp luật xử lý.

Ông Mười Khôi cũng giống như không ít những con người vào sinh ra tử nhưng cuối đời chấp nhận một cách sống khiến người đời ghi nhớ "Hai mươi năm trước đi ngang qua một ngôi nhà đường Quang Trung, TP Đà Nẵng vào mỗi buổi chiều, chúng tôi hay nhìn thấy một ông già chống nạng lò cò trước ngõ chơi với mấy đứa trẻ... Con người từng làm "kinh thiên động địa" một thời, sau giải phóng là một thương binh hưu trí, sống lặng lẽ như một người dân thường...".

Câu chuyện về những nhà lãnh đạo cao cấp khi rời chức vụ trả lại biệt thự và những đặc quyền trở về "trí sĩ" hay trở về đời thường sống gần với dân như ông Mười Khôi tuy chưa phải là phổ biến nhưng thực sự là những tấm gương để mọi người học theo như những bằng chứng mang lại niềm tin rằng những tư tưởng và tấm gương Bác Hồ hoàn toàn có thể trở thành hiện thực trong cuộc sống ngày nay.

Nhắc đến tấm gương ông Mười Khôi, một người đồng chí lão thành đã từng làm đến chức Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng - ông Đỗ Quang Thắng đã phải đưa ra một nhận xét rất sâu sắc: "Tư tưởng Hồ Chí Minh hồi đó không ai hiểu sâu như bây giờ đâu, hồi đó chỉ đọc những tài liệu như "lề lối làm việc" (tác phẩm Sửa đổi lề lối làm việc - BT) thôi, nhưng ai cũng học được Bác Hồ và làm theo Bác Hồ".

Người dân mong muốn trong cuộc sống ngày nay có nhiều ông Mười Khôi hơn nữa để át đi những câu chuyện bê bối liên quan đến những người mà cương vị chắc chắn phải là những người gần gũi tư tưởng Hồ Chí Minh hơn những người dân thường. Và nếu đất nước ta càng có nhiều tấm gương những người lãnh đạo đã học và làm theo lời Bác thì lời nhận xét sâu sắc trên sẽ thành hiện thực là "ai cũng học được Bác Hồ và làm theo Bác Hồ". (Trích bài Học và làm theo Bác Hồ  của Nhà sử học Dương Trung Quốc,  Lao động cuối tuần số 4, 27.1.2008)

Dương Trung Quốc

 Hoàng Hải Vân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.