Ông Nguyễn Sinh Hùng và ông Trương Vĩnh Trọng được bổ nhiệm làm Phó thủ tướng

29/06/2006 01:58 GMT+7

>> Tân Bộ trưởng GTVT Hồ Nghĩa Dũng: "Tôi sẽ gặp nhiều khó khăn" >> Phó thủ tướng Trương Vĩnh Trọng: Chống tham nhũng phải dựa vào dân Sáng 28/6, Quốc hội đã bỏ phiếu phê chuẩn Tờ trình của Thủ tướng Chính phủ về việc miễn nhiệm một số thành viên Chính phủ. Ba trường hợp được các đại biểu Quốc hội có nhiều ý kiến nhất là: ông Đào Đình Bình - Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, ông Quách Lê Thanh - Tổng thanh tra Chính phủ và ông Nguyễn Minh Hiển - Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo.

Khi xin ý kiến của các đại biểu Quốc hội, rất nhiều vị đại biểu Quốc hội đã không đồng ý với phương án miễn nhiệm đối với ông Đào Đình Bình - Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải mà yêu cầu phương án xử lý mạnh hơn là bãi nhiệm. Kết quả bỏ phiếu cũng cho thấy điều này: 31,03% số đại biểu Quốc hội không tán thành với phương án miễn nhiệm. Bên cạnh đó, trong số 469 phiếu được phát ra, có tới 26 phiếu không hợp lệ bởi lý do ghi các nội dung khác vào phiếu mà không đánh dấu vào ô đồng ý hoặc không đồng ý. Trước đó, khi xin ý kiến tại các đoàn, 98 đại biểu đề nghị hình thức bãi nhiệm đối với ông Bình.

Giải trình với Quốc hội về đề nghị miễn nhiệm đối với Bộ trưởng Đào Đình Bình, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói: "Chúng tôi đã thảo luận, cân nhắc kỹ với tinh thần trách nhiệm trước Đảng, trước dân, trước cả ngành giao thông vận tải, trước cả đồng chí Đào Đình Bình: cân nhắc kỹ cả quá trình, cân nhắc kỹ cả mặt làm được, cả ưu điểm, mặt thiếu sót, khuyết điểm của đồng chí Đào Đình Bình. Sau khi đã nhận được ý kiến của các vị đại biểu, Đoàn thư ký kỳ họp tập hợp, chúng tôi cũng nghiêm túc cân nhắc một lần nữa: xin trân trọng đề nghị các vị đại biểu Quốc hội ủng hộ đề nghị của Thủ tướng Chính phủ".

Trước khi thông qua Nghị quyết miễn nhiệm một số thành viên Chính phủ, các đại biểu Quốc hội cũng đề nghị được phát biểu ý kiến về trường hợp của ông Đào Đình Bình. Đại biểu Y Ly Niê Kdăm (Đắk Lắk) nói: "Tôi thấy nghị quyết này cơ bản là nhất trí, nhưng số 8 (trường hợp của ông Bình - PV) có vấn đề. Nếu như miễn nhiệm ông Đào Đình Bình thì cũng giống như các ông từ số 1 đến số 7 là miễn nhiệm; như vậy không hợp lý. Thứ hai, theo Quy chế hoạt động của Quốc hội, đại biểu nào có 20% đại biểu Quốc hội trở lên không tín nhiệm thì cần phải được xem xét tư cách đại biểu Quốc hội đó. Ông Đào Đình Bình với số phiếu 31,03% không được đại biểu Quốc hội tín nhiệm: chúng ta cần phải đưa vào quy chế để xem xét ở mức độ khác hay không?".

Đại biểu Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh) góp ý thêm: "Lúc xin ý kiến về trường hợp Bộ trưởng Đào Đình Bình, có 26% đại biểu không đồng ý với hình thức miễn nhiệm, trong đó rất nhiều đoàn đề nghị phải có hai phương án là miễn nhiệm hoặc bãi nhiệm để Quốc hội thông qua. Tuy nhiên, trong phiếu bầu chúng ta chỉ có một phương án là miễn nhiệm, cho nên đã có rất nhiều phiếu không đánh vào ô nào, hoặc ghi thẳng vào trong đấy là đề nghị bãi nhiệm, những phiếu này mặc nhiên coi là không hợp lệ". 

Ngay sau hai phát biểu này, ông Nguyễn Văn Yểu - Phó chủ tịch Quốc hội lập tức giải thích: "Thứ nhất, hôm nay Quốc hội thực hiện quyền của mình theo quy định của Hiến pháp và luật là phê chuẩn hay không phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc miễn nhiệm đối với ông Đào Đình Bình. Vì thế cho nên, báo cáo với Quốc hội là phiếu phê chuẩn chỉ có 2 ô là đồng ý phê chuẩn và không đồng ý phê chuẩn. Thứ hai, việc bỏ phiếu tín nhiệm đối với thành viên Chính phủ theo quy định của luật, đó là thủ tục khác".

Kết quả biểu quyết đối với Nghị quyết về miễn nhiệm một số thành viên của Chính phủ cũng phản ánh sự chưa thống nhất về việc miễn nhiệm. Trong số 453 đại biểu có mặt biểu quyết: có 280 đại biểu đồng ý (chiếm 56,8% tổng số đại biểu Quốc hội), 123 đại biểu không đồng ý (chiếm 24,95%) và 5 đại biểu không biểu quyết (chiếm 10,14%).

Ngoài trường hợp gây nhiều tranh cãi của ông Bình, không ít đại biểu Quốc hội cũng có ý kiến về trường hợp miễn nhiệm của ông Quách Lê Thanh và ông Nguyễn Minh Hiển. Các đại biểu Quốc hội đề nghị giải thích rõ lý do miễn nhiệm Tổng thanh tra Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo vì "còn trẻ hơn các đồng chí cùng đề nghị miễn nhiệm". Các đại biểu yêu cầu giải thích rõ việc miễn nhiệm này xuất phát từ yêu cầu công việc hay vì không làm tròn trách nhiệm? Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đề nghị làm rõ tính pháp lý về những sai lầm của ông Quách Lê Thanh và nói rõ lý do vì sao lại chuyển sang công tác khác. Thậm chí có đại biểu còn đề nghị xem xét tư cách đại biểu của ông Thanh vì đã để đơn vị tham nhũng và nhận tiền không rõ ràng.

Cuối giờ làm việc sáng 28/6, Quốc hội bầu ông Vương Đình Huệ (hiện là Phó tổng kiểm toán Nhà nước), giữ chức vụ Tổng kiểm toán Nhà nước với hơn 88% tổng số đại biểu QH bỏ phiếu thuận. Quốc hội cũng bỏ phiếu phê chuẩn 2 chức vụ Phó thủ tướng, 6 bộ trưởng và 1 thành viên khác của Chính phủ.

Hoàng Ly

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.